Tuy nhiên, đến giữa năm 2010 TP. Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép PVR tiếp tục triển khai dự án này tại công văn số 3362/UBND-XD, đồng thời chấp thuận cho PVR lập quy hoạch 1/500 giai đoạn 1 với nhiệm vụ giảm quy mô từ 1204,8ha xuống 183,6ha. Tổng mức đầu tư của dự án cũng được điều chỉnh giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn hơn 3.450 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, siêu dự án Tản Viên gồm có khu vực sân golf, resort, khu cây xanh, giao thông, khu nhà hàng, khách sạn, bugalow,…Dự án có tổng số khoảng 500 căn biệt thự, trong đó có 175 căn biệt thự nghỉ dưỡng.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư siêu dự án này, PVR cũng đã đưa ra tiến độ triển khai dự án rất cụ thể, chi tiết trong các tài liệu thông báo đến cổ đông của mình, theo đó:
Dự kiến Quý 2 năm 2011 hoàn thành công tác GPMB, hoàn tất thủ tục giao nhận đất. Dự kiến sẽ được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500;
Dự kiến quý 3 năm 2011 hoàn tất việc lập dự án đầu tư, thiết kế và phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự kiến khởi công dự án trước 19/8/2011;
Quý 4 năm 2012 bắt đầu đưa dự án vào khai thác từng phần;
Quý 4 năm 2016 hoàn thành công tác xây dựng dự án. Thời gian thi công dự án khoảng 5 năm.
Mặc dù vậy, trong suốt thấp kỷ vừa qua, siêu dự án Tản Viên vẫn trong tình trạng loay hoay với quy hoạch, long đong với thực trạng kinh doanh bết bát của PVR trong nhiều năm qua khiến siêu dự án này có quy cơ “vỡ trận”.
Từ năm 2012 đến nay, PVR luôn nằm trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính (đã kiểm toán) của PVR, công ty lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng vào năm 2012 và tiếp tục lỗ ròng 6,8 tỷ năm 2013 và chỉ kinh doanh có chút khởi sắc với khoản lợi nhuận ít ỏi 668 triệu đồng vào 2014.
Tuy nhiên, bước sang năm 2015-2016 thì PVR tiếp tục sa lầy vào tình trạng kinh doanh bết bát với khoản lỗ lần lượt là hơn 27 tỷ và gần 12 tỷ. Cổ phiếu PVR của công ty này cũng phải hạn chế giao dịch, chuyển giao dịch từ sàn HNX sang Upcom và có nguy cơ bị hủy giao dịch.
HĐQT của PVR cũng đã nhiều lần ra Nghị quyết về việc triển khai dự án này. Theo đó, hồi năm 2016 lãnh đạo PVR cũng đã tính đến phương án tìm kiếm các đối tác để thoái vốn hoặc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư …đảm bảo lợi nhuận của Dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “bất động”.
Trước thực trạng này, mới đây HĐND Tp Hà Nội đã lập đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP về tiến độ, kết quả thực hiện một số dự án đầu tư trong đó có dự án Tản Viên theo kiến nghị của cử tri huyện Ba Vì.
Theo kết quả kiểm tra, đoàn giám sát đánh giá mặc dù có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhưng dự án này triển khai chậm, kéo dài 10 năm nay, gây khó khăn ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và tạo ra những bức xúc, phản ánh của cử tri trong thời gian qua. Đến nay đã tồn tại 10 năm nhưng nhà đầu tư vẫn đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Cũng theo kết luận của đoàn giám sát, dự án này nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia và là 1 trong 6 cụm phát triển du lịch trọng điểm của Hà Nội, được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Nhưng, dự án triển khai chậm tới 10 năm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, kinh tế xã hội của địa phương. Nhiều hộ dân thuộc diện GPMB đã ngừng sản xuất kinh doanh từ năm 2011, dự án chậm đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì thế, theo kết luận của đoàn giám sát của thường trực HĐND TP. Hà Nội, nếu nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án theo mục tiêu cách đây 10 năm là không phù hợp với thực tế, đồng thời cũng thiếu tính cạnh tranh.