700 triệu đồng mới chỉ là mức đưa ra để xem xét, chưa quyết định ngay
"Hiện nay, dự luận đang quan tâm đến thuế tài sản, hiện thuế này đánh vào việc sở hữu nhà đất trên 700 triệu đồng và ô tô. Loại thuế này đang nằm trong chương trình nghiên cứu chưa được đưa vào trong dự thảo luật nên ít nhất 2 năm tới Thuế tài sản sẽ chưa áp dụng", ông Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phụng, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế tài sản và Việt Nam đang học tập những cái hay của các nước. "Tuy nhiên, phải mất một thời gian nữa chúng ta mới có thể đưa mức thuế này vào thực hiện bởi còn phải xem xét xem mức thuế có phù hợp hay không và người dân chịu được thuế ở ngưỡng nào", ông Phụng cho biết.
Trước băn khoăn việc đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên đang hướng đến đối tượng là những người có thu nhập trung bình, thấp trong xã hội liệu có công bằng, ông Phụng phân tích, mức 700 triệu đồng chỉ là mức khởi điểm để tính. Theo đó, với nhà 100m2, suất đầu tư là 7,3 triệu đồng thì bình quân là 730 triệu đồng, cho nên 700 triệu đồng chỉ là mức đưa ra để xem xét thôi chứ chưa quyết định ngay.
Ông Phụng cho rằng, một đất nước văn minh thì sử dụng nhiều loại thuế để bổ trợ cho nhau. "Tôi nghĩ trong tương lai, những điều gì tốt thì chúng ta học tập, cái gì chưa phù hợp thì chúng ta chưa học tập"…
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phụng cũng cho biết một trong những khó khăn lớn trong lần sửa đổi này là Bộ Tài chính phải chịu sức ép rất lớn từ công luận, vì vừa phải đảm bảo mức độ thực hiện, lại phải đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và phát triển, nên đây là bài toán khó. Cũng theo vị này, đối với những người kinh doanh bất động sản thì sẽ không muốn đánh thuế nhà ở, đất đai vì giá cả sẽ chững lại.
Bàn đến câu chuyện đánh thuế tài sản, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VITC cho rằng, Việt Nam đã có quá nhiều loại thuế đối với doanh nghiệp như thuế bất động sản, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế liên quan đến bất động sản, thuế đánh vào người mua và sở hữu bất động sản… Mỗi một dự thảo hay thuế được ban hành đều ảnh hưởng lớn tới tâm lý, đặc biệt là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu rộng, rất cần nguồn tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy theo tôi nên cân nhắc, thận trọng về các dự thảo luật thuế. Như dự thảo Luật Thuế và Tài sản, tôi đề nghị nên tạm dừng lại, nếu chưa có thông tin chính thức thì ko nên rò rỉ thông tin ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư, các nhà kinh doanh bất động sản và tới các nhà đầu tư", ông Cường đưa ý kiến.
Phản hồi về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là việc của Bộ Tài chính. "Chúng tôi có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ và được biết hiện Chính phủ chỉ đạo chưa tăng thuế. Còn câu chuyện mở rộng thu thuế thì hết sức cân nhắc bởi ảnh hưởng đến người dân, thị trường và doanh nghiệp", TS. Lực nói.
Cá nhân có bất động sản đem bán phải nộp 2% thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản
Cũng liên quan đến vấn đề thuế nhưng ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, nói đến thị trường bất động sản là nghĩ ngay đến các chủ thể tham gia thị trường gồm các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về bất động sản với tư cách là người mua; chủ đầu tư của các dự án bất động sản; đại lý bán hàng cho các dự án bất động sản; các nhà tư vấn, môi giới bất động sản. Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành thì nghĩa vụ thuế đối với các chủ thể tham gia thị trường được áp dụng như sau.
Đối với khâu tạo lập bất động sản, đầu tiên nếu mua nguyên vật liệu để làm nhà thì trong đó đã có thuế rồi. Nếu tổ chức thuê thầu xây dựng nên ngôi nhà đó thì người ta sẽ thu thuế với đội thầu xây dựng, kinh doanh xây dựng.
Ông cũng cho biết, đối với khâu nắm giữ bất động sản, từ năm 1990, Quốc hội đã có xác lệnh về thuế nhà đất nhưng xác lệnh đó chỉ thu thuế nhà đất chứ không thu thuế nhà. Đến nay, có Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ban hành năm 2010 hiệu lực 2011 đánh theo 3 mức thuế suất 03%; 0,07%; 0,15%.
“Cần lưu ý, đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% giá đất do tỉnh thành phố quy định, đối với đất vượt hạn mức 3 lần thì đánh 0,07%; đất lấn chiếm thì 0,15%; và đất không sử dụng và sử dụng sai mục đích thì đánh 0,2%. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn là đất được đánh theo mức 0,07%”, đại diện Tổng cục thuế nhấn mạnh.
Theo ông Phụng, năm 2010 khi ban hành luật này thì thuế đối với đất ở nông thôn giảm đi, trong khi thành phố tăng gấp đôi, vì nhà ở đô thị được hưởng lợi ích công cộng nhiều hơn nên thiết kế chính sách tăng thuế từ năm 2011.
Đối với khâu cho thuê bất động sản thì với doanh nghiệp cho thuê phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với cá nhân có nhà cho thuê, ông Phụng cho biết từ năm 1995 đã áp dụng loại thuế đơn giản, theo đó, nếu cá nhân đó thu được 100 triệu đồng tiền thuê trở xuống trong vòng 1 năm thì được miễn thuế; trên 100 triệu đồng/năm thì đánh 5% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Còn đối với cá nhân có bất động sản đem bán, bao gồm cả bán căn hộ, bán nhà gắn với chuyển quyền sử dụng đất thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng mà nộp thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản. Quy định hiện hành áp dụng là 2% trên giá thực tế chuyển nhượng.
Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì giá tính thuế do cá nhân tự khai nhưng tính thuế không được thấp hơn mức giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định có hiệu lực thi hành tại thời điểm chuyển nhượng.
Đối với trường hợp chuyển nhượng nhà ở, căn hộ có gốc là mua của chủ dự án bất động sản thì giá tham chiếu sẽ là giá bán của chủ đầu tư dự án. Trường hợp nhà ở, căn hộ đang trong quá trình hình thành, chưa bàn giao đưa vào sử dụng (bất động sản hình thành trong tương lai) thì căn cứ vào trị giá thực tế giao dịch giữa người mua, người bán hoặc tiến độ thu tiền của chủ đầu tư để xác định mức thuế.
Ví dụ một căn hộ có mức giá bán khi hoàn thành bàn giao là 4 tỷ đồng, hiện tại nộp tiền được 50% nay được nhượng bán cho người khác thì cá nhân sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% trên trị giá 2 tỷ đồng (ứng với 50% theo tiến độ).