Aa

300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS - con số biết nói: 40% sẽ tập trung vào BĐS nghỉ dưỡng

Thứ Bảy, 11/02/2017 - 06:01

Từ con số gần 300 triệu USD đổ vào BĐS trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung tính riêng trong tháng 1/2017, nhiều kỳ vọng được đặt ra là tương lai, dòng chảy FDI vào lĩnh vực này sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Nhận định cụ thể hơn, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nguồn vốn FDI sẽ “chảy” mạnh vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, dự báo sẽ chiếm khoảng 40% trong tổng cơ cấu nguồn vốn FDI cho BĐS.

300 triệu USD: Vốn thực hiện có thể chỉ đạt 1/3 số vốn đăng ký

Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS Việt Nam luôn chứa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như dân số đông, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhu cầu nhà ở nhiều, tính đa dạng của hàng hóa theo nhu cầu của thị trường cao, khả năng kinh doanh BĐS trong một đất nước gần 100 triệu người lớn…

Sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam vốn dĩ được thể hiện ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 84. Với nghị định này, điều kiện cho nhà đầu tư BĐS nước ngoài và trong nước là ngang nhau. “Lúc đó, con số vốn FDI đổ vào BĐS còn lãng mạn hơn nhiều so với hiện tại (FDI vào BĐS chiếm 64% tổng vốn FDI) nhưng cũng chỉ dừng ở con số đăng ký”, GS Đặng Hùng Võ nói.

GS. Đặng Hùng võ

GS. Đặng Hùng Võ

Dù vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng có nhiều trăn trở, liệu mức độ hấp dẫn của thị trường BĐS đã thực sự cao để các nhà đầu tư ngoại biến số vốn đăng ký thành hiện thực hay chưa khi hệ thống pháp luật của Việt Nam, thủ tục hành chính… còn là những trở ngại khiến các nhà đầu tư nước ngoài “dè chừng”.

Hơn nữa, các nhà đầu tư ngoại còn phải cân đối giữa việc "đổ tiền" vào Việt Nam và các khu vực khác. Ngoài ra, một ẩn số rất lớn về kinh tế Mỹ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến “dòng chảy” của FDI vào thị trường BĐS Việt Nam.

“Không khó để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam, song Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thị trường. Do đó đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam cũng có độ rủi ro nhất định, lãi suất tỷ lệ thuận với rủi ro.

Nói như vậy để hiểu rằng, con số 300 triệu USD vốn FDI đổ vào BĐS quả thực là con số hấp dẫn, một dấu hiệu tích cực và có vẻ hiện thực hơn việc chúng ta vẫn nhìn thấy tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam. Thế nhưng con số đó được thực hiện như thế nào thì tôi cho là vẫn chưa thực hiện được vào năm 2017. Nếu thực hiện được 1/3 trong tổng vốn đăng ký này sẽ là điều tuyệt vời cho thị trường BĐS”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

FDI sẽ nhắm vào khu vực sinh lời nhiều nhất

Dự báo về khả năng thu hút FDI vào thị trường BĐS năm 2017, theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện nay có 2 xu hướng, về tổng FDI có nhiều dự báo sẽ kém hơn 2016. Nhưng có nhiều dự báo FDI vào BĐS sẽ tăng nhưng không tăng nhiều. Bởi các nhà đầu tư sẽ “nhắm” đến lĩnh vực sinh lợi nhiều nhất.

Trả lời về những lo ngại việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài có động thái rút vốn, từ đó ảnh hưởng đến FDI, GS. Võ khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, động tác rút vốn cũng chưa xảy ra ngay, vì nhà đầu tư còn niềm tin vào các nước khác. Dù vậy, nếu không có TPP doanh nghiệp cũng sẽ tự khắc tìm được hướng đi khác để tồn tại.

Về câu hỏi “dòng chảy” FDI sẽ đổ vào phân khúc nào và tác động của nó tới thị trường BĐS, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mọi phân khúc tại thị trường BĐS Việt Nam như trung tâm thương mại, văn phòng, bán lẻ, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở… Trong đó có 2 phân khúc quan trọng nhất là BĐS du lịch và nhà ở sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bán lẻ nhưng tổng vốn đổ vào thị trường này không thể bằng một phần nhỏ vốn đổ vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở. Trong đó BĐS du lịch, nghỉ dưỡng chiếm tầm 40% vì sức sống của phân khúc này rất lớn và trong thời gian tới có thể cao hơn nữa khi du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển rất mạnh cùng với các chính sách cởi mở của Nhà nước như cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, miễn thị thực cho một số nước… Điều này là sự động viên rất lớn cho ngành du lịch.Trong tương lai, nguồn cung về BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ cao hơn”, GS. Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo nhìn nhận của GS. Đặng Hùng Võ, một số nước đầu tư vào Việt Nam nhận thấy có thể tham gia vào lĩnh vực BĐS trong đó có Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… GS. Võ lý giải, doanh nghiệp BĐS tại những nước này đều có năng lực, kinh nghiệm nhưng không có đất “dụng võ” nên phải “nhảy” sang Việt Nam. Đó là dấu hiệu để kỳ vọng rằng năm 2017, thị trường BĐS sẽ phát triển mạnh hơn năm 2016.

Ông Thân Thành Vũ, Tổng giám đốc tập đoàn Sao Khuê cho biết trong chuyến xúc tiến đầu tư gồm nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước tại Nhât Bản hồi tháng 10/2016, nhiều tập đoàn của Nhật Bản đã chia sẻ rằng rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực địa ốc tại TP. HCM và Hà Nội để phát triển khách sạn 5 sao, nhà ở cao cấp, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… ở khu vực trung tâm. Tổng số tiền mà các tập đoàn này muốn đầu tư ngay vào các dự án ước tính lên đến hơn 2 tỷ USD.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top