Aa

4 giải pháp xây dựng đô thị thông minh của ông Nguyễn Thiện Nhân

Thứ Sáu, 16/09/2016 - 08:23

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, xuất phát từ vai trò quan trọng của các đô thị đối với việc phát triển kinh tế xã hội cả nước, Việt Nam cần đẩy nhanh việc phát triển đô thị thông minh.

Chiều 14/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thảo Anh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thảo Anh.

Đề cao tính năng dự báo

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Hiện nay, các đô thị lớn là các đầu tàu kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tuy chỉ chiếm 5,5% diện tích cả nước, 26,7% dân số, 24,9% lao động nhưng đóng góp 52,6% GDP, 71,4% thu ngân sách và 48,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năng suất lao động bình quân đầu người của 7 tỉnh thành này gấp 3,3 lần năng suất lao động bình quân của 56 tỉnh còn lại. Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) gấp 19 lần; Cường độ hoạt động ngân sách (thu ngân sách/diện tích) gấp 42,7 lần.

Từ những con số trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Quản lý đô thị phải khác với quản lý nông thôn, cần phải quản lý nhanh, kịp thời, với cường độ cao.  

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nhìn ra khu vực và thế giới đã xuất hiện xu hướng phát triển đô thị thông minh. Theo đó, năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đề ra chiến lược phát triển U-Korea, tháng 6/2011, Seoul công bố kế hoạch “Seoul thông minh  2015”. Năm 2007, EU bắt đầu triển khai một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh, con người thông minh. Tiêu biểu là các thành phố Stockhom, Copenhagen, Barcelona, Helsinki, Vienna. Trong khu vực ASEAN, tháng 11/2014, Singapore là quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh. Còn tại Ấn Độ, năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố xây dựng đề án 100 thành phố thông minh ở Ấn Độ.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đô thị thông minh ở đây cần được hiểu là sử dụng CNTT để giải quyết bốn vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn. Đó là: Dân số đô thị tăng, số đô thị tăng…từ đó gây áp lực lên môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, nhà ở…; Hạ tầng  (điện, nước, giao thông) lạc hậu, quá tải; Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…). 

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đô thị thông minh không phải đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Bản thân CNTT không thể giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa. Đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý. Người lãnh đạo ở đây chính là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, không phải là Giám đốc Sở TT&TT. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ năm mục tiêu cần đạt được khi triển khai đô thị thông minh. Hiệu quả kinh tế ở các đô thị phải cao hơn. Đến năm 2025, diện tích đô thị khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP. Môi trường sống phải tốt hơn; Người dân được chính quyền và doanh nghiệp phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giám sát của người dân và coi đây là động lực thúc đẩy chính quyền trở nên năng động, hiệu quả hơn.

Từ đó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu  4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh.

Thứ nhất, chính quyền phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững (mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên).

Thứ hai, chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của 4 chủ thể (hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân), điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao hơn (nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn…), cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn.

Thứ ba, phát triển và khai thác không gian mạng trong không gian sống của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội (giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền).

Thứ tư, muốn có đô thị thông minh thì người dân tham gia quản lý (cảm biến xã hội, giám sát xã hội, trí tuệ nhân dân), đó là áp lực để dẫn đến một chính quyền năng động, hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, quản lý đô thị thông minh đề cao tính năng dự báo, ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất tại sao mới sửa đã quá tải, đó là do dự báo kém. Hay Cảng Hải Phòng khi xây dựng dự báo công suất đến năm 2020 mới  quá tải nhưng hiện nay đã quá tải.

“Chúng ta cần dự báo dài hơi hơn, quy hoạch có tầm nhìn hơn. Tương tự, như việc dự báo tới đây dân số Việt Nam  sẽ rơi vào tình trạng già hóa, nên cần sớm điều chỉnh chính sách dân số”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Chiến lược "hai cánh"

Để xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện song song 2 cánh với 10 nhiệm vụ ưu tiên.

Cánh một là quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững bao gồm 2 nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Cùng với đó là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh (quản lý xây dựng thông minh; giao thông thông minh;  môi trường thông minh; chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh - công dân thông minh; chính quyền thông minh dịch vụ thông minh như giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải; nông nghiệp thông minh; quản lý trật tự - trị an thông minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả hai cánh.

Trong đó, với cánh thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và qui hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Với cánh thứ hai, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số 8 nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước. Hiện nay, các thành phố đã bắt đầu triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh gồm Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng.

“Nói đến đô thị thông minh là nói đến việc xử lý thông tin ngày càng thông minh, hiện đại hơn, có ứng dụng CNTT. Cùng với đó các chủ thể khác gồm công dân, doanh nghiệp cũng trở lên thông minh hơn khi họ có đủ thông tin, đủ công cụ để tương tác với chính quyền”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Dẫn chứng từ việc xây dựng đô thị thông minh của Cần Thơ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Cần Thơ đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư...

Đồng thời công khai chính sách phát triển kinh tế xã hội, làm cơ sở cho doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh, dịch vụ thông minh, chính quyền thông minh.

Cần Thơ cũng định kỳ điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch của TP (quy hoạch động, phát hiện sớm các nguy cơ ách tắc, điểm nghẽn trong phát triển của TP, các nguy cơ phát triển thiếu bền vững, nhận diện sớm các thời cơ phát triển của thành phố từ đó bổ sung các giải pháp quy hoạch mới).

Từ thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến đến chính phủ thông minh.

Cùng với đó giao cho các  giao cho các Doanh nghiệp trong ngành xây dựng phương án mẫu trong việc ứng dụng CNTT để “chào hàng” các địa phương xây dựng đô thị thông minh.

Đặc biệt Bộ cần tập trung tuyên truyền phản ánh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh của các địa phương để Việt Nam có khả năng là quốc gia thứ hai trong ASEAN có thể thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Ảnh: VGP/Hoàng Anh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh.

"Thành phố thông minh là xu thế nổi bật"

Trao đổi với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh gắn liền với ứng dụng CNTT, do đó, vai trò của Bộ đối với hướng đi chiến lược này rất quan trọng, trực tiếp. Việc nhiều nước trên thế giới đã triển khai đô thị thông minh cho thấy, thành phố thông minh đã trở thành xu thế nổi bật và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ đó, nhất là trong việc ứng dụng các giải pháp như xây dựng chính quyền điện tử, quản lý môi trường thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, cho đến phòng chống thảm họa, đảm bảo trật tự trị an nhờ CNTT...

Trên thực tế, nhận thức được xu thế phát triển đô thị thông mimh, tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đã đặt mục tiêu phát triển 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Thời gian gần dây, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... đã có những động thái chủ động, tích cực trong việc xây dựng các Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng cho biết.

Ông khẳng định 4 giải pháp nền tảng, 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ cần tiến hành mà Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đã nêu là "những gợi ý rất quan trọng, giúp các cơ quan quản lý và chính quyền đô thị trong cả nước có nền tảng cơ sở để tiếp tục phát triển đô thị thông minh tại từng địa phương".

"Tiếp thu ý kiến của đồng chí, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nền tảng kỹ thuật có cần thiết để hỗ trợ việc định hướng và phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh triển khai các Đề án phát triển đô thị thông minh của các tỉnh, thành phố đi tiên phong góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam", Bộ trưởng cam kết.

Cần đặt hàng các doanh nghiệp lớn

Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những trách nhiệm của ngành TT&TT đối với yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh. Đó là đánh giá một cách đầy đủ tình hình ứng dụng CNTT hiện nay tại các thành phố lớn, nhất là những nơi có nhu cầu xây dựng đô thị thông minh; Xây dựng khung, các tiêu chí, tiêu chuẩn Thành phố thông minh (có mấy loại Thành phố thông minh, thông minh đến đâu, cấp độ thông minh ra sao...); Tình hình ứng dụng CNTT ở VN nói chung và tại các các Thành phố đáp ứng đến đâu cho việc xây dựng thành phố thông minh? Trong thời gian ngắn sắp tới, hiện trạng này cần phải được cải thiện như thế nào để đáp ứng được?

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng Chính phủ cũng cần đặt hàng đối với các DN CNTT lớn của ngành như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone... có những đầu tư sớm cho công nghệ Thành phố thông minh, để khi cần có thể đáp ứng được ngay những tiêu chí cũng như yêu cầu năng lực của chính quyền các thành phố khi lựa chọn đối tác xây dựng thành phố thông minh; Sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia cũng như của các tỉnh, Thành phố với cơ chế kết nối thuận tiện, rõ ràng.

Cuối cùng, cùng với xây dựng các thành phố thông minh thì cũng cần phải tính đến xây dựng Bộ, ngành, chính quyền thông minh để vận hành, phối hợp tương ứng, Bộ trưởng nêu quan điểm. Đồng thời, với vai trò, chức năng của mình, Bộ cũng sẽ truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Thành phố thông minh tới cộng đồng, xã hội và người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top