Aa

5 kiến nghị của VinFast nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 02:28

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đã đưa ra các đề xuất kiến nghị từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp.

Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời sáng 2/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bước vào phiên Toàn thể trong buổi chiều. Đây là phiên đối thoại lớn với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, gần 50 ủy viên trung ương Đảng, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP.HCM và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội tham dự với tư cách khách mời. 

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp lớn tiêu biểu như Vietjet Air, VinFast, Tập đoàn TH... cùng 2.500 doanh nghiệp khác.

Nhiều tổ chức trong, ngoài nước, các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt như Vingroup, Vietjet Air lần lượt đưa lên nhiều Hiến kế tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân. 

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đưa ra Hiến kế từ kinh nghiệm vận hành tập đoàn. Nguồn ảnh: Vnexpress

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đưa ra Hiến kế từ kinh nghiệm vận hành tập đoàn. Nguồn ảnh: Vnexpress

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đã đưa ra các đề xuất kiến nghị từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng với nền kinh tế, và hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực có mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.

Vingroup cũng đang trải qua quá trình thay đổi toàn diện. Từ việc ban đầu chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch và bất động sản, đã xác định tầm nhìn là trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại và Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Vào tháng 9 năm 2017, Vingroup đã khởi động cho chiến lược này bằng việc khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng với mong muốn xây dựng thương hiệu Ô tô Việt và đóng góp đột phá cho kinh tế Việt Nam.

Sau khi khánh thành nhà máy sản xuất xe máy điện vào tháng 11 năm 2018, ngày 14 tháng 6 tới đây sẽ chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ô tô, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Với kỷ lục 21 tháng - từ khởi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và chính thức vận hành, VinFast sẽ tạo nên kỳ tích mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Song hành với đó, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ vào R&D (nghiên cứu và phát triển).

"Chúng tôi cho rằng, việc tập trung cho R&D các sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao sẽ khiến chúng ta rút ngắn thời gian, thậm chí nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh...

Chỉ sau chưa đến 2 năm từ ngày thành lập, VinFast đã có trong tay 3 mẫu ô tô, 1 sản phẩm xe máy điện, đồng thời sẽ ra mắt tiếp nhiều sản phẩm như xe buýt điện trong thời gian tới. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm VinFast cũng thuyết phục được các đối tác quốc tế cùng tham gia như việc thành lập liên doanh đóng gói và sản xuất pin với Công ty LG Chem của Hàn Quốc gần đây", ông Huệ cho biết. 

Song hành cùng việc phát triển R&D, VinFast sẽ dần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của dự án. Khu công nghiệp phụ trợ - chiếm khoảng 30% diện tích Tổ hợp nhà máy VinFast đã dần được phủ kín với nhiều đề án.

Với những bài học thực tiễn từ VinFast, Tập đoàn Vingroup đề xuất một số ý kiến để góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.

Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Thứ ba, cần tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều. Mô hình kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện tốt để mời những nhà khoa học về làm việc, từ đó góp phần phát triển quốc gia.

Thứ tư, cần mạnh mẽ có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top