Aa

5 yếu tố quyết định thành công của đặc khu kinh tế

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 20/05/2018 - 06:01

Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế, Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore, cho rằng, yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của đặc khu kinh tế chính là việc xác định mục tiêu thành lập.

Tính đến nay,  trên thế giới có đến hơn 4.500 đặc khu kinh tế và các loại hình tương tự. Thế nhưng, chỉ có vài đặc khu là thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể. Phần lớn còn lại thì đều rơi vào tình trạng “không như kỳ vọng và mục tiêu đề ra”.

Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế, Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore đã nêu lên 5 yếu tố chủ yếu quyết định sự thành hay bại của đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Thiết kế: Tuệ Minh

Thiết kế: Tuệ Minh.

Thứ nhất, muốn xây dựng thành công đặc khu kinh tế thì phải xác định mục tiêu rõ ràng. Theo ông Teo Eng Cheong, việc xác định mục tiêu thành lập ĐKKT là việc làm đầu tiên và quan trọng nhất. Các lý do thành lập ĐKKT bao gồm: Tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỷ lệ thất nghiệp đang cao; Thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; Phát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch; Chuyển giao công nghệ.

Ông Teo Eng Cheong cho rằng,  với những lý do trên, các chiến lược phát triển sẽ được xác định rõ ràng hơn, ví dụ như khu này sẽ đặt mục tiêu vào các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp địa phương, và khu khác sẽ tập trung vào việc chế tạo hoặc dịch vụ.

Ví dụ, đối với các nước đang phát triển,  việc tạo công ăn việc làm cho số đông người dân là rất quan trọng. Trong những trường hợp như vậy, một chiến lược phát triển được đặt ra rõ ràng là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân.

Tuy nhiên, rất thường xuyên, nhiều cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng bởi sự quyến rũ của việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có mức độ tự động hóa cao và có thể không tạo ra nhiều việc làm, do đó đánh bại mục đích thiết lập ĐKKT trong trường hợp này. Việc xác định mục tiêu không rõ ràng ngay từ đầu và không có khả năng duy trì tính nhất quán của các mục tiêu, thường dẫn đến kết quả của một ĐKKT không chỉ không hoàn thành các mục tiêu, mà còn không thành công.

Ông Teo

Ông Teo Eng Cheong.

Thứ 2, cần đổi mới chính sách táo bạo sau khi đã xác định các mục tiêu của ĐKKT. Vị giám đốc người Singapore chỉ ra rằng, một thất bại chung của rất nhiều ĐKKT là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát. Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một ĐKKT chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, ĐKKT cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước.

Các đổi mới chính sách hoặc tự do hóa điển hình bao gồm: ưu đãi về thuế, quy chế hải quan nhanh gọn, chính sách lao động thu hút, nguồn vốn với lãi suất thấp, địa điểm.

Thứ 3, yếu tố quyết định thành công của một ĐKTT còn xuất phát từ địa điểm tốt. Ông Teo Eng Cheong phân tích, nếu một ĐKKT với mục tiêu phục vụ xuất khẩu thì việc nằm gần cảng biển và sân bay là rất quan trọng. Nếu ĐKKT với mục tiêu phát triển lĩnh vực chế tạo, thì việc nằm gần nguồn nhân lực có trình độ sẽ quyết định đến sự thành công của nó. Nếu ĐKKT với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn, ví dụ chế biến thực phẩm, thì nó phải nằm gần trang trại và đồn điền. Nếu ĐKKT phục vụ thị trường địa phương thì rõ ràng là việc tiếp cận khách hàng địa phương là rất quan trọng. Các cân nhắc khác khi lựa chọn địa điểm cho ĐKKT là sự sẵn có của các ngành công nghiệp hỗ trợ và  các dịch vụ tiện ích như ngân hàng, chung cư, trường học, và bệnh viện.

Thông thường, các ĐKKT được xem là giải pháp để nâng cao mức sống ở một khu vực. Tuy nhiên, sự xa xôi của khu vực, không có nhiều đường tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô hoặc kênh xuất khẩu, có thể dẫn đến sự thất bại của việc hình thành ĐKKT.  Một giải pháp thiết thực hơn là có thể lập ĐKKK ở một địa điểm thích hợp hơn và cho phép người dân di cư đến đó dần dần.

Thứ 4, việc xây dựng đặc khu kinh tế thành hay bại còn liên quan mật thiết đến thiết kế mang tính đặc thù. Ông Teo Eng Cheong cho rằng, thiết kế ĐKKT cần phải được thực hiện một cách cẩn thận để bù đắp cho những hạn chế của địa điểm. Đồng thời để phục vụ cho những gì mà nhà đầu tư mong muốn, để giải quyết những điều mà Chính phủ quan tâm, và để tích hợp với các khu vực lân cận. Bước này thường hay bị bỏ qua hoặc thực hiện một cách sơ sài, dẫn đến những hậu quả nguy hại cho sự phát triển của ĐKKT sau này.

Thứ 5, quản lý hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự thành công ở các ĐKTT. “ĐKKT sẽ tồn tại hàng thập kỷ và lợi ích của nó có thể chỉ thấy được nhiều năm sau khi được xây dựng. Do đó, công tác quản lý dài hạn ở ĐKKT cần phải hiệu quả. Đội ngũ quản lý cần phải giữ vững tầm nhìn của ĐKKT, tuân thủ theo quy hoạch tổng thể và cần phải có sự tự tin và linh hoạt để phục vụ cho các thay đổi từ nhu cầu khách hàng, dân số, và tiến bộ công nghệ.” - ông Teo Eng Cheong nói.

Rất nhiều ĐKKT thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả. 

Hiện nay có nhiều ĐKKT được quản lý theo cơ chế PPP (Hợp tác công-tư). Điều đó có nghĩa là ĐKKT có thể được quản lý bởi một công ty tư nhân. Do đó, Thỏa thuận hợp đồng giữa công ty quản lý ĐKKT và chính phủ, và mô hình doanh thu của việc quản lý ĐKKT rất quan trọng để đảm bảo cho tính bền vững trong dài hạn của ĐKKT.

Cơ chế giữa ban quản lý ĐKKT và Chính phủ là một vấn đề quan trọng đối với ĐKKT. ĐKKT thường kỳ vọng có quyền tự chủ ở mức độ cao. Điều đó giải phóng ĐKKT khỏi các ràng buộc đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm pháp lý đối với lĩnh vực đó nhưng lại không nhất thiết phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho ĐKKT.

Ông Teo Eng Cheong nhấn mạnh: “ĐKKT có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều ĐKKT thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả. Mặt khác, nếu ĐKKT có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top