Aa

ACB có thể bung cổ phiếu ra thị trường để cải thiện hệ số an toàn vốn

Thứ Ba, 05/03/2019 - 06:02

Cổ phiếu ACB hiện đã kín room ngoại ở mức 30% trong gần 10 năm qua với sở hữu tập trung ở các nhà đầu tư nước ngoài lớn. Dự báo ngân hàng sẽ bán lượng lớn cổ phiếu quỹ để cải thiện hệ số CAR trong năm 2019.

Hồi cuối tháng 2, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam công bố đã hoàn tất chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu do ba cá nhân sở hữu sang ba tổ chức.

Tổng cộng có 51,7 triệu cổ phiếu đã được chuyển quyền hôm 22/2. Trong đó, ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập, nguyên chủ tịch ACB cũng là cha ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chuyển nhượng gần 23 triệu cổ phiếu.

Chị ruột và em ruột ông Trần Hùng Huy là bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng cũng đăng ký bán số cổ phiếu lần lượt hơn 16 triệu cổ phiếu và 12,7 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch trên, ông Trần Mộng Hùng và Trần Minh Hoàng không còn là cổ đông của ngân hàng. Bà Trần Đặng Thu Thảo sở hữu trực tiếp khoảng 2 triệu cổ phiếu.

Được biết, các cá nhân này vẫn tiếp tục sở hữu gián tiếp ACB. Bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là các doanh nghiệp vừa được thành lập hồi tháng 11/2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. 

Gần đây, cổ đông liên quan đến ban lãnh đạo có nhiều giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn

Gần đây, cổ đông liên quan đến ban lãnh đạo có nhiều giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn

Đại diện công ty cho rằng, việc chuyển nhượng là để góp vốn, cơ cấu lại sở hữu và hình thức đầu tư trong nội bộ gia đình. Giao dịch trên không nhằm bán ra thị trường bất kỳ cổ phiếu nào, các thành viên trong gia đình vẫn tiếp tục gắn bó lâu dài và đồng hành cùng ACB.

Song song với diễn biến trên, mới đây, Công ty Chứng khoán (HSC) nhận định, cổ phiếu ACB hiện đã kín room ngoại ở mức 30% trong gần 10 năm qua với sở hữu tập trung ở các nhà đầu tư nước ngoài lớn. CTCK dự báo ACB sẽ bán 41,42 triệu cp quỹ để cải thiện hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) trước năm 2020.

Năm 2019, HSC cho rằng, khả năng vay khách hàng của ACB năm 2019 sẽ tăng 14% đạt 307.000 tỷ đồng. NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) ước tăng từ 0,1% lên 3,75%. Thu nhập lãi thuần ngân hàng dự kiến tăng 17% đạt 12.136 tỷ đồng. Mặt khác, thu nhập ngoài lãi dự báo tăng 5,5% đạt 3.872 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 32%. Tuy nhiên, thu nhập từ thu hồi nợ sẽ giảm 15% do mức độ xử lý nợ xấu giảm dần trong năm qua.

Chi phí hoạt động của ACB có thể tăng 12% lên 7.520 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng ở mức 715 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2018, dư nợ xấu sau xử lý tương đương 1%.

HSC ước tính, năm 2019 ACB có thể lãi trước thuế 7.772 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Năm 2018, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6.388 tỷ đồng, tăng 140,5% và tương đương 112,1% kế hoạch đề ra (5.700 tỷ đồng).

ACB đã chuyển một phần danh mục trái phiếu sang cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng danh mục trái phiếu sang cho vay liên ngân hàng từ 20,5% xuống còn 17,8% và tỷ trọng cho vay liên ngân hàng tăng 3,5% lên 6,2%. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top