Aa

Ai đầu tư vào "đất vàng" số 4 Trần Hưng Đạo có thể bị mất trắng!

Thứ Hai, 10/06/2019 - 06:00

Luật sư Trần Đức Phượng nhận định, việc thuê đất, hoán đổi đất tại lô đất số 4 Trần Hưng Đạo có “nhiều vấn đề”. Trước khi xây chung cư cao tầng, khu đất này buộc phải thông qua đấu giá.

Đề nghị thanh kiểm tra việc “ưu ái” cho thuê đất?

Trước đó, Reatimes đã phản ánh những bất cập trong việc cho thuê đất, hoán đổi đất giữa Công ty Cổ phần Sông Hồng và Công ty Cơ điện công trình (MESC) tại lô đất số 4 Trần Hưng Đạo (phường Phan Chu Chinh, TP. Hà Nội).

Khu đất số 4 Trần Hưng Đạo có tổng diện tích là 4.382m2. Sau khi MESC thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng thuê đất mới với Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội, thì MESC chỉ còn sở hữu 281m2, số diện tích còn lại 4.086m2 thuộc Công ty Cổ phần Sông Hồng.

Cụ thể, ngày 19/4/2004, UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Sông Hồng, mục đích làm Trụ sở và cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu, cho thuê nhà, dịch vụ vui chơi giải trí. Diện tích đất: 4.121m2, thời hạn 30 năm kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030.

Đồng thời, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho MESC, mục đích sử dụng làm trụ sở làm việc của công ty. Diện tích đất 281m2, thời hạn sử dụng 30 năm kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030.

Sau đó, UBND TP. Hà Nội có quyết định cho phép MESC chuyển đổi sang Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Cơ điện công trình. Tài sản của MESC tại số 4 Trần Hưng Đạo là tòa nhà 4 tầng, trên diện tích 281m2. Ngày 10/6/2015, UBND TP. Hà Nội cho phép MESC hoán đổi lại diện tích nhà văn phòng của mình trên diện tích 281m2 đất tại số 4 Trần Hưng Đạo cho Công ty Cổ phần Sông Hồng, để nhận 1.029m2 sàn xây dựng tại Tòa nhà Sky Tower, với trị giá hoán đổi chỉ hơn 42 tỷ đồng.

Có nhiều khuất tất trong việc cho thuê, hoán đổi khu đất vàng số 4 Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Hà Cường)

Có nhiều khuất tất trong việc cho thuê, hoán đổi khu đất vàng số 4 Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Hà Cường)

Điều đáng nói là, vào cuối năm 2015, Công ty Cổ phần Sông Hồng có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phan Chu Trinh xin phá dỡ công trình tại số 4 Trần Hưng Đạo và xúc tiến triển khai một dự án chung cư cao cấp.

Trước đó, chủ đầu tư dự kiến trên khu đất này sẽ xây dựng tòa cao ốc 21 tầng. Tuy nhiên, hiện có thông tin lan truyền trên website rằng, chủ đầu tư đang xin phép để xây dựng tòa nhà cao 45 tầng.

Trao đổi về những vấn đề xoay quanh việc cho thuê đất, hoán đổi nhà đất trên giữa Công ty Cổ phần Sông Hồng và MESC, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) phân tích: Việc tự nguyện thanh lý hợp đồng thuê và trả lại đất cho Nhà nước đối với người sử dụng đất là đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi Nhà nước nhận và quản lý thì việc giao đất, cho thuê đất phải theo đúng quy định Luật Đất đai.

Ở vụ việc này, Công ty Cổ phần Sông Hồng đã được cổ phần hóa, nên việc cho thuê đất thông qua việc Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội ký hợp đồng thuê ngày 27/8/2003 là “có vấn đề”. Đối tượng cho thuê phải được UBND TP. Hà Nội xét duyệt theo quy định pháp luật đất đai, trước khi Sở Địa chính Nhà đất tiến hành các thủ tục về cho thuê đất.

Với việc trả đất và sau đó Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội ký hợp đồng thuê đất mới, UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thể hiện nhiều vấn đề về quản lý tài sản công là nhà đất và cần phải được thanh kiểm tra làm rõ trong việc “ưu ái” cho thuê đất.

Cần đấu giá quyền sử dụng đất

Ngoài việc cho thuê đất “có vấn đề”, luật sư Phượng còn chỉ ra những bất cập khác trong việc hoán đổi khu đất vàng số 4 Trần Hưng Đạo giữa 2 công ty. “Với vụ việc này, diện tích đất của MESC được hoán đổi cho Công ty Cổ phần Sông Hồng được UBND TP. Hà Nội cho phép bằng văn bản như phản ánh, thì thể hiện khuất tất nhiều vấn đề trong việc chuyển giao quyền sử dụng đất của MESC”, luật sư Phượng bày tỏ quan điểm.

Theo Luật sư Phượng, với trường hợp trên, khi MESC di dời thì phải bàn giao diện tích 281m2 lại cho UBND TP. Hà Nội, vì nguồn gốc đất là tài sản công, chưa được tính giá trị khi cổ phần hóa, đất trước đây được giao để doanh nhiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch.

“Văn bản của UBND TP. Hà Nội không phải là văn bản pháp lý vì Luật Đất đai 2013 không có quy định như trường hợp “hoán đổi” này. Nếu các cơ quan Nhà nước căn cứ vào văn bản cho phép hoán đổi này để công nhận quyền sử dụng 281m2 cho Công ty Cổ phần Sông Hồng là hoàn toàn sai pháp luật. Do đó, UBND TP. Hà Nội cần phải tiếp nhận và quản lý 281m2 này”, Luật sư Trần Đức Phượng khẳng định.

Cùng với đó, Luật sư Phượng cho rằng, với nguồn gốc của lô đất số 4 Trần Hưng Đạo, thì việc thực hiện dự án (như đã phân tích, chủ đầu tư xin xây chung cư cao tầng tại lô đất trên) phải được lựa chọn chủ đầu tư thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013. Tránh những trường hợp thực hiện dự án không thông qua đấu giá, làm thất thoát ngân sách mà Bộ Tài chính đã từng đề nghị Chính phủ thanh kiểm tra.

Do đó, Công ty Cổ phần Sông Hồng muốn thực hiện dự án thì phải chờ UBND TP. Hà Nội đưa ra đấu giá và công ty (ở đây là Công ty Cổ phần Sông Hồng) phải trúng đấu giá đối với khu đất. Nếu kéo dài tình trạng bỏ hoang không sử dụng như hiện nay thì UBND TP. Hà Nội sẽ thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai.

Nói về vấn đề UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Sông Hồng và MESC, với thời hạn thuê đất 30 năm (kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030), luật sư Phượng cho hay: Giấy chứng nhận đang cấp cho Công ty Cồ phần Sông Hồng (thời hạn thuê đất 30 năm) chưa được coi là chủ đầu tư có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở. Để thực hiện dự án nhà ở bắt buộc phải là đất giao với mục đích sử dụng đất ở. Với trường hợp khu đất 4 Trần Hưng Đạo là buộc phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Nếu không thực hiện việc đấu giá, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ dẫn đến hàng loạt những vấn đề sau này, thủ tục này chờ thủ tục kia, vướng mắc của dự án có thể không triển khai được như: không thể tính tiền sử dụng đất ở vì giá đất cụ thể không thay thế cho việc đấu giá, không được cấp giấy phép xây dựng do không phải đất ở,…

“Với những dự án pháp lý về quyền sử dụng đất chưa đúng theo quy định Luật Đất đai, thì người mua rất dễ chỉ được tham gia giao dịch với hình thức bán lúa non, dự án trên giấy để chủ đầu tư huy động vốn. Thế nhưng, khi không thể thực hiện được pháp lý dự án thì người mua sẽ chịu rất nhiều rủi ro, thậm chí là mất trắng”, luật sư Phượng nhận định.

 Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top