Aa

Ai hưởng lợi từ việc Chủ tịch huyện Tĩnh Gia bịa đặt chuyện đền bù đất cho dân?

Thứ Tư, 11/09/2019 - 15:41

Các nhân chứng có liên quan tới vụ việc “Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia bị tố “ăn không nói có” gần 300m2 đất của dân” khẳng định, huyện chưa đền bù diện tích đất nói trên cho gia đình bà Cao Thị Minh.

Năm 2018, UBND huyện Tĩnh Gia thu hồi 566m2 đất của gia đình bà Minh để thực hiện dự án “Đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn, thuộc tuyến đường Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn”.

Ngày 17/12/2018, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ra quyết định số 8328/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của gia đình bà Cao Thị Minh. Điều đáng nói là, tại văn bản này lãnh đạo huyện Tĩnh Gia lại quy kết rằng, gia đình bà Minh đã nhận tiền bồi thường 278,4m2 (trong tổng số 556m2 đất) từ dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1997 nay tiếp tục thu hồi và không được bồi thường. Tuy nhiên, các căn cứ pháp lý và nhân chứng liên quan trực tiếp tới sự việc trên khẳng định, bà Minh chưa nhận được tiền đền bù cho 278,4 m2. Việc này là cơ sở để khẳng định, thông tin Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia nói rằng, "đã đền bù" cho bà Minh là bịa đặt và không có căn cứ?

Người trong cuộc lên tiếng

Hầu hết các nhân chứng là người trong cuộc vụ “Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia bị tố "ăn không nói có" gần 300m2 đất của dân” đều khẳng định rằng, bà Cao Thị Minh, (thôn Hải Lâm, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) chưa được nhận khoản tiền đền bù cho diện tích 278,4m2 đất.

Hay nói cách khác, việc UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định: “Diện tích 278,4m2 không đủ điều kiện bồi thường do Nhà nước đã thu hồi năm 1996, 1997", là không có căn cứ, có dấu hiệu bịa đặt.

Ông Văn Huy Trấn, Phó Chủ tịch xã Mai Lâm, thành viên tổ giải phóng mặt bằng khẳng định, tại xã, không có hồ sơ liên quan tới việc đền bù diện tích 278,4m2 đất cho hộ bà Cao Thị Minh:

“Tại buổi làm việc để thông qua dự thảo kết luận vụ khiếu nại đất đai của gia đình bà Minh, chỉ có hồ sơ bồi thường cho bà Minh năm 1996 (đền bù diện tích 229m2 và cây cối hoa màu để phục vụ dự án mở rộng đường 4, số tiền gần 500.000 nghìn đồng. 

Ngoài ra, không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện việc đền bù đối với diện tích 278,4 m2 đất của bà Minh năm 1997. Số tiền lớn như vậy, nếu bà Minh nhận thì bà ấy sẽ biết. Nếu không có hồ sơ thể hiện việc đền bù diện tích 278,4 m2 thì việc bà Minh phản ánh chưa nhận đền bù là có cơ sở.

Ông Cao Văn Kiên, Tổ trưởng tổ kiểm kê giải phóng mặt bằng huyện Tĩnh Gia cũng khẳng định: “Chỉ có hồ sơ bồi thường đất, hoa màu cho gia đình bà Minh năm 1996, chưa có hồ sơ thể hiện bồi thường đất, tài sản, vật kiến trúc năm 1997”.

Trụ sở UBND huyện Tĩnh Gia.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Anh Cường, Chủ tịch UBND xã Mai Lâm tiết lộ thêm thông tin: “Qua nắm bắt thông tin, một số nguyên lãnh đạo xã thời điểm đó khẳng định, năm 1997, gia đình bà Minh chưa nhận tiền đền bù, cho nên vị trí đường ống nước không “ăn” vào vào vị trí đất của hộ gia đình này. 

Thực ra, chúng tôi chỉ tham gia vào công tác xác minh nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, còn việc huyện nói đã đền bù cho diện tích 278,4m2 thì phải chứng minh bà Minh đã nhận số tiền này. Nếu nội dung này huyện chỉ đạo xã xác minh nội dung phản ánh thì chúng tôi sẽ làm”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó, ông Mai Cao Cường, Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Tĩnh Gia một mực khẳng định, diện tích đất 274,4m2 nằm trong mốc giới giải phóng mặt bằng 2018 và đã được bồi thường năm 1996 cho gia đình bà Minh.

Lý giải của ông Cường được cho là thiếu căn cứ, bởi hồ sơ tại Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng huyện Tĩnh Gia cũng chỉ ghi đền bù diện tích 229m2 và cây cối hoa màu để phục vụ dự án mở rộng đường 4, số tiền gần 500.000 nghìn đồng cho hộ bà Cao Thị Minh, chứ không có việc đền bù 278,4m2 đất nói trên. Trong khi đó, diện tích thu hồi 229m2 đã đưa vào sử dụng để làm đường.

Hay nói cách khác, đối với diện tích đất 278,4m2 đất của bà Minh (mà huyện Tĩnh Gia nói rằng đã thu hồi trước đó để thực hiện dự án đường ống nước), hoàn toàn không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện việc đền bù. Bà Minh cũng không nhận được bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì về việc kiểm kê, đền bù đối với diện tích đất 278,4m2.

Trên thực tế, diện tích đất 278,4m2 mà huyện Tĩnh Gia nói rằng “đã đền bù” cho dân vẫn được mà Minh sử dụng liên tục, ổn định từ trước đến nay.

Nếu huyện không làm, tỉnh sẽ giải quyết

Điều khó hiểu là, tại Hội nghị dự thảo kết luận vụ khiếu nại đất đai của bà Minh có nhiều ý kiến đề cập đến việc đền bù 278,4m2 đất, nhưng trong kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa không hề có nội dung này.

Cũng thật khó hiểu khi các nhân chứng (các nguyên lãnh đạo xã) thời kỳ nói trên được cho là có vai trò hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp tới vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng ở vụ việc nói trên cũng không được mời, tham gia Hội nghị để đóng góp ý kiến, làm sáng tỏ vấn đề.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần "trưng cầu" ý kiến người dân, đặc biệt là những hộ dân được nhận đền bù dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1997 để làm cơ sở chứng minh bà Minh đã nhận đền bù hay chưa?

“Những người trong diện được đền bù, giải phóng mặt bằng cùng thời với hộ gia đình bà Minh là những người nắm rõ nhất thông tin này. Cá nhân tôi khẳng định, bà Minh chưa nhận bất cứ 1 đồng tiền đền bù nào cho diện tích 278,4m2. Còn nếu nói bà Minh đã nhận đền bù thì cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra căn cứ chứng minh”, ông Lê Tiến Lũy, nguyên Chủ tịch UBND xã Mai Lâm khẳng định.

Một số hộ dân tại xã Mai Lâm, trong đó có hộ gia đình bà Minh khiếu nại việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Trước những băn khoăn chưa có lời giải, ông Phạm Văn Công, Trưởng đoàn xác minh vụ việc (Thanh tra tỉnh Thanh Hóa) đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia đề nghị bà Cao Thị Minh làm đơn khiếu nại việc đền bù diện tích 278,4m2 đất để được xem xét, giải quyết.

Trong khi đó, ông Vũ Đình Quế, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa khẳng định, sẽ thanh tra vụ việc nếu huyện Tĩnh Gia không giải quyết thỏa đáng vụ việc: “Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ quyết khiếu nại lần 2. Trường hợp có khiếu nại chưa được xem xét, giải quyết thì công dân gửi đơn lên UBND huyện Tĩnh Gia để được xem xét giải quyết. Trường hợp huyện không giải quyết, hoặc không giải quyết thỏa đáng thì chúng tôi sẽ vào cuộc xử lý”.

Một cán bộ từng tham gia trực tiếp vào công tác giải quyết khiếu nại vụ việc nói trên kiến nghị, cần phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong vụ việc nói trên: “Nếu mình là cán bộ công chức, bị mất đất giống bà Minh thì tính như thế nào? Do vậy, cần kiểm tra để làm sáng rõ vấn đề. Ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu có vấn đề “chiếm hữu” bất hợp pháp tài sản của công dân thì phải bị xử lý”.

Trong khi vụ việc đang còn ý kiến trái chiều, mới đây, bà Cao Thị Minh tiếp tục có đơn khiếu nại, gửi cơ quan có thẩm quyền, đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia kiểm tra kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top