Aa

Ai là chủ nợ lớn nhất của "chúa chổm" Vinachem?

Thứ Ba, 19/09/2017 - 03:00

VDB hiện đang là quán quân chủ nợ của Vinachem với tổng giá trị cho vay lên đến 10.700 tỷ đồng. Tiếp sau là VietinBank, BIDV và Vietcombank với giá trị cho vay mỗi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2017. Điểm nổi bật nhất trong báo cáo, như thường lệ, vẫn là tình hình nợ như “chúa chổm” của một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Việt Nam này.

Cụ thể, tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Vinachem lên đến 38.137 tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay của tập đoàn lên đến 29.165 tỷ đồng, bao gồm 11.404 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 17.761 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Với vốn chủ sở hữu 19.208 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinachem đến hết ngày 30/6/2017 lên tới 1,99 lần; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 1,52 lần.

Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - một trong những đơn vị làm ăn kém hiệu quả nhất của Vinachem

Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - một trong những đơn vị làm ăn kém hiệu quả nhất của Vinachem

Thống kê các khoản vay của Vinachem cho thấy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hiện là chủ nợ lớn nhất của VDB với tổng giá trị cho vay lên đến 10.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, VDB chỉ cho Vinachem vay vỏn vẹn 6 khoản nhưng đều có giá trị rất lớn, trong đó khoản vay lớn nhất lên tới 3.957 tỷ đồng.

Á quân chủ nợ của “chúa chổm” Vinachem thuộc về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với tổng giá trị cho vay 5.674 tỷ đồng. VietinBank được ví như “ngân hàng thân quen” của Vinachem khi cho tập đoàn này vay tới 35 khoản – số khoản vay cao nhất trong tất cả các chủ nợ.

Ngoài các khoản vay đối với riêng VietinBank, Vinachem hiện cũng vay tới 2.659 tỷ đồng từ các chủ nợ do VietinBank làm đầu mối.

Vị trí thứ ba thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 5.441 tỷ đồng nợ vay, xấp xỉ á quân VietinBank. Khoản cho vay lớn nhất của BIDV đối với Vinachem trị giá 3.700 tỷ đồng, đối tượng vay là Công ty mẹ - Vinachem.

Mặc dù cho Vinachem (bao gồm Công ty mẹ và các công ty con) vay tới 22 khoản vay nhưng tổng giá trị cho vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ ở mức 2.324 tỷ đồng. Toàn bộ các khoản cho vay của Vietcombank không có khoản nào có giá trị cho vay vượt 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thống kê các khoản nợ trên của Vinachem chưa kể đến khoản vay của Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) – công ty con của Vinachem, do Vinachem và CSM đều không liệt kê cụ thể danh sách chủ nợ trong báo cáo tài chính.

Theo tìm hiểu, hiện Vietcombank đang cho CSM vay 476 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (tương đương khoảng 333 tỷ đồng). 

Nhiều ngân hàng khác hiện cũng đang là chủ nợ của Vinachem nhưng số nợ không đáng kể, đều dưới 400 tỷ đồng. Có thể kể đến như HSBC (320 tỷ), VIB (190 tỷ), Agribank (179 tỷ), Shinhan (167 tỷ), MB (158 tỷ), Standard Chartered (90 tỷ), Eximbank (81 tỷ), ACB (72 tỷ), Hong Leong (57 tỷ), HDBank (37 tỷ), LienVietPostBank (26 tỷ), ANZ (25 tỷ). Thấp nhất là OCB với 4 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 16 diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về các vi phạm tại Vinachem.

Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo; buông lỏng giám sát; có nhiều sai phạm để các đơn vị thành viên thua lỗ nhiều năm. Ban Thường vụ cũng thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Các lãnh đạo của Vinachem đều bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra những vi phạm khuyết điểm trong công tác điều hành. Đặc biệt ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem, bị xác định là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Trước câu hỏi rằng việc kỷ luật đối với ông Dũng và các cựu lãnh đạo Vinachem đã được tiến hành thế nào, hình thức kỷ luật cụ thể ra sao, Bộ Công Thương khẳng định: “Đối với những sai phạm tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, quan điểm của Bộ Công Thương là cần xử lý nghiêm minh, không bỏ sót vi phạm, xử lý đúng pháp luật, có lý có tình các tập thể, cá nhân vi phạm”.

Bộ Công Thương cho biết từ đầu năm 2017, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm điểm các tập thể, cá nhân sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ của Vinachem.

“Sau khi công việc kiểm điểm và thực hiện kết luận, yêu cầu của Uỷ ban kiểm tra Trung ương và các cấp có thẩm quyền hoàn thành, Bộ Công Thương sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin chi tiết”, Bộ này cho hay.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top