Aa

Ám ảnh “Thanh Xuân”, thị trường nhà cho thuê mất khách

Chủ Nhật, 03/11/2019 - 10:35

Trong khoảng vài tháng gần đây, quận Thanh Xuân liên tiếp phải đối mặt từ ô nhiễm thủy ngân, ô nhiễm không khí sang ô nhiễm nguồn nước. Cuộc "tháo chạy" của người thuê nhà khiến thị trường cho thuê trở nên ế ẩm.

Ngày 28/8, sự cố cháy Công ty Rạng Đông xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Đến giữa tháng 9, ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air, hơn 40 điểm đo của Hà Nội, trong đó có Thanh Xuân, cho kết quả báo động với lượng bụi không khí cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn hồn vì thủy ngân và bụi mịn, thì người dân lại phải đối mặt với tin “sét đánh ngang tai” - nước sạch được cấp ra từ nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu, có chứa hàm lượng styren cao gấp 1,3 - 3,65 lần bình thường (báo cáo kết quả chính thức từ thành phố, chiều 15/10)

Cuộc tháo chạy khỏi “Thanh Xuân”

Trong một thời gian ngắn, liên tiếp các sự việc ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội, mà có lẽ nằm trong “hố đen” phải nhắc đến quận Thanh Xuân.

Mới đây nhất, trong số khoảng một triệu người dân Hà Nội nằm trên 6 quận và 4 huyện đang dùng nguồn nước từ nhà máy Sông Đà đang bị nhiễm độc styren, thì riêng quận Thanh Xuân là “không trượt” phường nào.

Toàn bộ quận Thanh Xuân sử dụng nước do nhà máy nước Sông Đà cung cấp

Điều đáng nói, việc ô nhiễm không khí và nước có ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trước “cơn bão” ô nhiễm liên tiếp và ở mức độ đáng báo động, người dân không khỏi hoang mang, lo sợ về một “chốn an cư”.

Anh Tiến (khu đô thị Hạ Đình) cho biết: “Tháng trước vợ chồng tôi cùng con nhỏ phải “chạy” sang Nam Từ Liêm ở nhờ nhà người quen vì ô nhiễm thủy ngân. Trở về chưa được bao lâu thì lại éo le hơn vì nhà người quen cũng trong khu vực ảnh hưởng nước nhiễm độc. Giờ cũng chỉ biết xếp hàng đi mua nước đóng sẵn về sử dụng và chờ đợi thôi, chứ biết sao bây giờ”.

Khi hỏi về việc có muốn chuyển đi nơi khác, anh Tiến chỉ biết cười vì chẳng biết đi đâu, mặt khác đây cũng là “căn nhà hai vợ chồng dành dụm bao năm mới mua được nên muốn chuyển cũng đâu phải muốn là chuyển được ngay”.

Người dân Hạ Đình chưa hoàn hồn vì thủy ngân sau vụ cháy, nay phải đương đầu với nước nhiễm độc

Khác với anh Tiến, hay phần lớn các hộ dân có sở hữu nhà tại khu vực Thanh Xuân, thì những người thuê nhà không muốn ở lại đây nữa, chuyển đến nơi khác lại là điều dễ dàng hơn nhiều.

Chị Hoàng Kim Liên, 27 tuổi chia sẻ với phóng viên: “Hiện tôi sinh sống ở Bắc Từ Liêm, không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhà máy Sông Đà cung cấp, tuy nhiên lại đang thuê một văn phòng nhỏ kinh doanh online ở Trung Hòa, Nhân Chính. Ngày nào đi làm cũng phải mang theo nước uống, thậm chí cả cơm trưa tự chuẩn bị. Từ sau đợt ô nhiễm không khí, tôi đã có ý định chuyển địa điểm, tuy nhiên giờ thêm sự việc này nữa tôi phải chuyển đi càng sớm càng tốt, không thể suốt ngày lo lắng rồi chẳng làm ăn gì được”.

“Tôi mới thuê trọ ở đây được nửa năm, nhiều lúc tự hỏi sao mình mất tiền thuê nhà mà suốt ngày lại phải lo ngay ngáy, sống chung hết ô nhiễm này sang ô nhiễm khác? Tôi đang bàn giao lại nhà và sẽ chuyển sang chỗ ở mới - nơi đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt, chứ không thể tiếp tục sống mà không có nước được” - chị Hoàng Minh Thu thuê nhà trên tuyến đường Khuất Duy Tiến bức xúc.

May mắn hơn khi vừa chuyển khỏi Thanh Xuân chưa được bao lâu, Tố Uyên - sinh viên năm cuối cho hay: “Năm trước mình có thuê trọ ở khu vực Khương Đình, Thanh Xuân. Nhưng vì trường học bên Cầu Giấy, khoảng cách khá xa, đi lại rất mất thời gian nên đành chuyển về khu vực gần trường. Hồi đó cũng tiếc lắm, vì bên Khương Đình giá thuê trọ rẻ hơn. Tuy nhiên với những sự việc ô nhiễm gần đây thì mình lại thấy may, giờ có giá rẻ mấy mình cũng không dám quay về đó nữa”.

Khu nhà trọ vắng vẻ...

Theo khảo sát của phóng viên, một số khu nhà trọ quanh trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc quận Thanh Xuân những ngày gần đây vắng vẻ người thuê trọ. Chủ một nhà trọ cho biết, người thuê chủ yếu là sinh viên, mấy ngày nay không có nước sạch để sử dụng cho sinh hoạt, nhiều người đã chuyển đi, hoặc sang ở nhờ nhà bạn bè, người thân, hoặc cùng lắm thì đêm mới về ngủ, chứ không mấy ai ở nhà. Hiện khu trọ gần nửa là phòng trống.

Cũng không mấy khá hơn, nhiều ngày nay, bà Tuyết có ngôi nhà 3 tầng cho thuê tại ngõ 19 Nguyễn Trãi đang phải tìm người thuê nhà mới cho biết: “Trước tôi cho một gia đình thuê, tuy nhiên sau nhiều sự cố ô nhiễm xảy ra gần đây thì họ đã trả lại nhà vì một phần lo lắng cho sức khỏe gia đình, phần nhiều vì nhà có con nhỏ. Mặc dù hết năm nay mới hết hợp đồng thuê, nhưng hoàn cảnh như vậy nên cũng chả bắt ép họ ở thêm được. Giờ thì nhà để không, chưa biết khi nào mới tìm được người thuê mới”.

Có thể thấy qua sự việc trên có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh của người dân Thanh Xuân nói riêng, các địa phương chịu ảnh hưởng bởi nước nhiễm độc nói chung. Chỉ khi sự việc sớm được giải quyết thì thị trường cho thuê hay các giao dịch bất động sản khác mới có thể sớm ổn định trở lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top