Ngày 8/10, sự cố đổ trộm dầu thải đã gây nhiễm styrene cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho nhiều quận, huyện của Hà Nội. Tất yếu của hệ lụy nguồn nước bẩn là hàng loạt các vấn đề liên quan tới hỗ trợ cung cấp nước miễn phí, kiểm tra và thanh lọc lại nguồn nước cho cư dân. Vụ việc của Nhà máy nước Sông Đà vẫn còn khiến người dân chưa an tâm, hoang mang về chất lượng của nguồn nước dù đại diện của doanh nghiệp này đã công bố chỉ tiêu an toàn về nước.
Ngay sau đó, thông tin Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư tiếp tục được công bố. Trong khi đó, mức giá mà Nhà máy nước sông Đuống được công bố lại chênh gấp khoảng 2 lần so với giá nước mà Nhà máy nước sông Đà đang thực hiện. Đặc biệt, thông tin từ đại gia Thái Lan mua lại 34% cổ phần của Nhà máy nước sông Đuống cũng trở thành vấn đề nóng được các ĐBQH đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trước lo ngại về an ninh nguồn nước.
Hàng loạt các vấn đề liên tục xảy ra về chất lượng, quy trình sản xuất, giá cả và kiểm soát nguồn nước. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng an ninh nguồn nước của Việt Nam đang bị đe dọa. Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Khâu quản lý nguồn nước có nhiều lỗ hổng
PV: Thời gian vừa qua, câu chuyện “nước sạch” đã khiến dư luận xôn xao. Dư luận cũng đặt ra e ngại về an ninh nguồn nước đang bị đe dọa trước nhiều sự vụ xảy ra liên tiếp. Khái niệm “an ninh nguồn nước” nên được hiểu như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Nước là yếu tố đầu vào quan tọng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người. Nước đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất, tái sản xuất ra hàng hóa, từ thực phẩm thiết yếu đến sản phẩm công nghệ hiện đại. Thừa và thiếu nước đều đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nhân loại, trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, tác động đến tất cả quốc gia, dân tộc
An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước ở đây được hiểu là sự đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; phát triển bền vững và ổn định chính trị sẽ được đẩy mạnh; mỗi người sẽ được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí vừa phải để có được một cuộc sống khỏe mạnh, sung túc và các cộng đồng dễ tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.
PV: Xin bà cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào về an ninh nguồn nước?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm. Trong khi đó, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống… đã và đang đe dọa đến an ninh nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng; BĐKH với diễn biến khó lường gây ra sự xung đột về sử dụng nguồn nước... đây là những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo Hội Tài nguyên nước (TNN) quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Theo báo cáo tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước.
Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng TNN mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về TNN trong tương lai.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, vấn đề quản lý nguồn nước, đặc biệt trong thời gian vừa qua còn bộc lộ rất nhiều lỗ hổng, mặc dù Nhà nước cũng đã đưa ra các chủ trương, biện pháp để kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm. Nhưng công tác kiểm tra giám sát của chúng ta không chặt chẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề đáng tiếc xảy ra mà điển hình là sự cố nước sông Đà gây ảnh hưởng về sức khỏe cho người dân đô thị Hà Nội.
Sự cố nước sông Đà là một trong những bài học để cảnh báo trong công tác quản lý sản xuất cũng như khai thác nguồn nước mặt ở Việt Nam. Bởi vì với tất các lĩnh vực tác động khác thì tác động của nguồn nước được coi là một trong những vấn đề gây nguy hiểm nhất và lan tỏa rộng nhất đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.
PV: Vậy theo bà, vấn đề an ninh nguồn nước của Việt Nam thực tế đang tồn tại những lỗ hổng gì?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Quan điểm cá nhân của tôi, vấn đề an ninh nguồn nước của Vệt Nam làm chưa tốt, thể hiện ở 3 khía cạnh:
Thứ nhất, hiện tại có quá nhiều công ty sản xuất, cung cấp các nguồn nước sạch cho người dân nhưng thiếu cơ chế quản lý, giám sát chéo. Đây là nguyên nhân dẫn đến các lỗ hổng về mặt pháp luật làm cho vấn đề nước đặc biệt là nước sạch cung cấp cho người dân không đảm bảo. Hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, các TP và khu công nghiệp, nhưng tại khu vực nông thôn vẫn chưa được quan tâm.
Mặt khác, các vấn đề mang tính liên ngành như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý với Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP. Nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, tổng thể, dài hạn về vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Thứ hai, do tác động của vấn đề đô thị hóa dẫn đến việc hệ thống nước ngầm của chúng ta bị ảnh hưởng. Chính tác động của đô thị hóa đã trở thành một trong những nhân tố làm cho môi trường thay đổi. Hiện tượng nước biển xâm mặn vào nội đô, đặc biệt khu vực TP.HCM và Đồng bằng sông Cửa Long là một trong các yếu tố chịu ảnh hưởng của tác động của vấn đề đô thị hóa.
Thứ ba, vấn đề kiểm soát, an ninh nguồn nước của chúng ta chưa được đảm bảo do chưa chủ động được nguồn nước. Công tác quản lý TNN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc lập quy hoạch TNN còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao.
Đồng thời, tình trạng ô nhiễm nước trên các lưu vực sông, tại khu đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm ngày càng nghiêm trọng. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về TNN chưa được thường xuyên; bộ máy quản lý nhà nước về TNN ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, người dân chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước…
Pháp luật đầy đủ nhưng lại thiếu cơ chế giám sát
PV: Hiện nay, nước sạch đang được phân phối theo hình thức dịch vụ công. Có ý kiến cho rằng, khi Nhà nước không trực tiếp tham gia vào dịch vụ công mà để chủ thể tham gia là tư nhân, nhưng khối doanh nghiệp này lại đặt lợi ích lợi nhuận lên đầu. Điều này có thể khiến chất lượng nguồn nước không được đảm bảo. Quan điểm của bà thì sao?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Thực ra, phân cấp cho các chủ thể quản lý là một trong những biểu hiện của mô hình quản lý thị trường nhưng phải có điều kiện: Nhà nước có cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ. Đặc biệt sau khi phát hiện các vấn đề, những tiêu cực xảy ra đối với các vụ việc buộc xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Liên quan đến các chính sách, pháp luật Việt Nam, tôi thấy tương đối tốt, chặt chẽ. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về TNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm TNN; chủ động thích nghi, ứng phó với những diễn biến của BĐKH, nước biển dâng; đẩy mạnh quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát TNN, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn TNN.
Tuy nhiên lỗ hổng của chúng ta ở đây là cơ chế giám sát chưa có. Vì thế, để quản lý tốt an ninh nguồn nước, chúng ta vẫn có thể giao cho các chủ thể kinh tế, thậm chí khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình kinh doanh, cung cấp nước, đặc biệt là nguồn nước sạch nhưng phải có một cơ chế giám sát rất chặt chẽ, quy định rất rõ ràng để cho các chủ thể hoạt động. Hơn nữa, chúng ta phải có một cơ chế hậu kiểm tốt, bởi nếu không, những tình trạng tương tự sẽ tiếp tục xảy ra.
PV: Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh diễn ra sáng 7/11, đã có đại biểu quốc hội e ngại về vấn đề an ninh nguồn nước khi Nhà máy nước sạch Sông Đuống bán 34% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan. Bà nghĩ sao về điều này?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Trong tiến trình mở cửa, hội nhập, chúng ta phải chấp nhận khi thiếu vốn thì phải kêu gọi. Bởi muốn đảm bảo tạo ra quy trình an toàn cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng tốt.
Trong khi đó, điểm yếu của một số doanh nghiệp Việt là thiếu vốn đề đầu tư cho những trang thiết bị khoa học tiến bộ, chủ động nguồn nước. Chính vì vậy, chúng ta dễ phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn nước ngoài và dẫn tới phụ thuộc vào việc điều hành của họ. Nên lo lắng của ĐBQH về an ninh nguồn nước là đương nhiên. Nhưng nếu như chúng ta có một cơ chế giám sát tốt, việc để doanh nghiệp ngoại tham gia là lẽ thông thường. Hiện nay, một số quốc gia vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ các đối tác bên ngoài nhưng họ vẫn kiểm soát và chủ động được nguồn nước.
Cơ chế phân bổ không rõ ràng sẽ tạo nhiều hệ lụy
PV: Theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung quy hoạch các nhà máy nước mặt đã có sự phân định rõ cho 3 doanh nghiệp: Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Hồng và Nhà máy nước Sông Đuống. Điều này cho thấy doanh nghiệp khác khó có cơ hội để tham gia vào thị trường vốn được coi là "màu mỡ". Bà nghĩ sao về điều này?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Vấn đề này liên quan đến câu chuyện phân bổ nguồn lực. Nếu chúng ta xây dựng một cơ chế hành lang pháp lý lành mạnh, rõ ràng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào quá trình cạnh tranh cho việc cung cấp nguồn nước sạch cho người dân thì bản thân người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Nếu như cơ chế phân bổ không rõ ràng, giống như chỉ định thầu thì sẽ có lợi cho doanh nghiệp nhiều hơn với người tiêu dùng, bởi họ phải trả tiền sử dụng nước đắt hơn mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo.
Quan điểm cá nhân, tôi thiên về mở rộng cho chủ đầu tư, các doanh nghiệp được quyền tham gia vào quá trình cạnh tranh cung cấp nguồn nước vì chỉ có cạnh tranh mới phát triển được. Và nếu kiểm soát được quá trình cạnh tranh tốt, người tiêu dùng và rộng hơn là Nhà nước sẽ được hưởng lợi.
Tôi thiên về mở rộng cho chủ đầu tư, các doanh nghiệp được quyền tham gia vào quá trình cạnh tranh cung cấp nguồn nước vì chỉ có cạnh tranh mới phát triển được. Và nếu kiểm soát được quá trình cạnh tranh tốt, người tiêu dùng và rộng hơn là Nhà nước sẽ được hưởng lợi.
- TS. Nguyễn Thị Thu Hoài.
PV: Cùng trên một thị trường Hà Nội nhưng những hộ dân sử dụng nước sinh hoạt của Nhà máy nước sạch Sông Đà lại chịu một mức giá thấp hơn hộ dân sử dụng nước của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Những tranh luận về mức giá nước đến hiện tại vẫn chưa dứt. Thưa bà, giá nước có phải là một trong nhân tố “đe dọa” tới anh ninh nguồn nước?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Giá nước chịu sự tác động cung cầu. An ninh nguồn nước cũng tác động đến giá nước. Nếu như cơ chế cạnh tranh không tốt thì lập tức ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Nếu như sự phân bổ cho các đối tượng sử dụng và cung cấp dịch vụ nước sạch cho người dân không có thị trường lớn hay nói cách khác là không có môi trường cho các chủ thể kinh doanh dẫn đến hiện tượng cung cấp nước độc quyền.
Như PV vừa trao đổi, quy hoạch đã phân bổ thị trường cho các nhà máy sản xuất nước. Khi đã phân bổ thị trường cho các nhà máy nước, bản thân người dân ở từng khu vực sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp của đơn vị đó. Điều này dẫn tới giá cả sẽ bị phụ thuộc vào điều hành chính bản thân chủ thể cung cấp nước.
Để tránh biến động giá cả nguồn nước bắt buộc phải có bàn tay điều hành vĩ mô của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực và định giá đối với mặt hàng này, bởi đây là mặt hàng liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
PV: Nếu bài toán về giá cả không tìm được lời giải thì điều gì sẽ xảy ra?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Nếu cuộc cạnh tranh về giá cả không được giải quyết triệt để thì:
Thứ nhất, bản thân những doanh nghiệp cung cấp nguồn nước cho người tiêu dùng sẽ có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. Khi đó, hệ lụy có thể gây tác hại cho người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm nước không đảm bảo chất lượng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước.
Thứ hai, nước là một trong lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh môi trường theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng là nguồn sản phầm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân. Chính vì thế an ninh nguồn nước không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến phát triển sản xuất, đến đời sống xã hội của người dân và việc tiêu dùng đặc biệt sinh hoạt người dân hằng ngày. Từ những ảnh hưởng đó dễ dẫn đến những xung đột trong xã hội và có những ảnh hưởng khác nằm ngoài dự đoán.
PV: Giải pháp nào cần đưa ra để bảo bảo an ninh nguồn nữa, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài: Bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là đối với nguồn nước các sông liên quốc gia với Việt Nam là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời, có cơ chế hợp tác, thuyết phục, đấu tranh, hạn chế rủi do, đồng thời, cũng phải có các phương án, giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu cơ chế hợp tác hợp lý để bảo đảm việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện lớn ở quốc gia thượng nguồn, nhằm điều tiết hài hòa dòng chảy cho hạ du cả trong mùa lũ và mùa cạn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo về TNN song song với việc xây dựng cơ chế điều tiết, điều hòa, phân bổ nguồn nước; thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là vận hành điều tiết của các hồ chứa nước lớn. Mặt khác, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả TNN, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm TNN. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức và hành động ở các cấp, ngành, người dân trong bảo đảm an ninh nguồn nước.
Chính phủ cần xây dựng chiến lược để quản lý an ninh nguồn nước và tính toán để làm chủ được việc cung cấp nước, làm chủ cả được nguồn nước mặt, nước ngầm để có thể tránh được tất cả các tác động xấu từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có cơ chế rõ ràng cho các doanh nghiệp trong quá trình tham gia cạnh tranh cung cấp, khai thác nguồn nước, cung cấp nước cho người dân.
- Cảm ơn chia sẻ của bà!