Aa

Áp giá sàn vé máy bay: “Bàn đạp” thúc đẩy thị trường hay phương thức triệt tiêu cạnh tranh?

Thứ Ba, 04/04/2017 - 14:51

Jetstar Pacific cho rằng nên áp giá sàn vé máy bay hạng phổ thông cơ bản nội địa dao động từ 29 - 34% giá trần, Vietnam Airlines lại đề xuất giá sàn là 1,54 triệu đồng. Trong khi đó Hãng hàng không Vietjet Air thì khẳng định việc áp giá sàn vé máy bay là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014, trái với thực tiễn thế giới và không khả thi tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến trái chiều việc áp giá sàn vé máy bay

Những ngày gần đây, dư luận cả nước được dịp xôn xao xung quanh thông tin về việc có hay không quy định áp giá sàn vé máy bay.

Cụ thể, theo nguồn tin của Báo Lao Động, Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014. Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, bộ đang cân nhắc về khả năng áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này.

Trong quá trình lấy ý kiến này, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0 từ phía hãng hàng không Jetstar Pacific.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Jetstar Pacific cho rằng cần thiết phải có giá sàn để xây dựng khung giá, đồng thời đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn. Trong đó, giá chi phí trực tiếp gồm chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… Dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần. Jetstar kiến nghị giá sàn từ 6000.000 - 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Hãng này cũng cho rằng giá vé máy bay thấp hơn giá vé đường sắt đường bộ có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác đồng thời nêu ví dụ về việc Indonesia cũng áp giá sàn để phòng ngừa cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành.

Cũng góp ý về khung giá vé gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng và cao nhất là 4,2 triệu đồng. Vietnam Airlines cũng tính toán nếu tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn như đề nghị thì ước tính doanh thu sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.

Ngược lại với quan điểm của 2 đơn vị kể trên, Hãng hàng không Vietjet Air lại cho rằng việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hơn nữa, trên thế giới hiện nay không có hãng hàng không hay quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách. Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 80 triệu dân, đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam.

Bên cạnh đó, Vietjet cũng cho rằng quy định giá sàn khó khả thi vì khó xây dựng một cơ chế nhất định bởi chưa tìm được sự thống nhất giữa các hãng hàng không.

Áp giá sàn vé máy bay là lạc hậu, triệt tiêu cạnh tranh? 

Nhận định về vấn đề này, báo Lao động trích lời chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng lĩnh vực hàng không được xếp vào doanh nghiệp bán, cụ thể là bán sản phẩm dịch vụ vận chuyển, do đó đối với những DN này không thể quy định giá sàn mà phải quy định giá trần.

Theo ông Long, việc doanh nghiệp cho rằng nên áp giá sàn là bởi lo ngại không thể cạnh tranh được nếu hãng khác tung ra mức giá dịch vụ thấp hơn. Tuy nhiên nếu thực sự áp giá sàn cho vé máy bay thì sẽ làm hạn chế khả năng khuyến khích cạnh tranh, hạn chế khả năng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp.

“Lý lẽ nên quy định giá sàn là hoàn toàn phi kinh tế thị trường, phi thể chế, không phù hợp với cơ chế thị trường, không đúng với Luật Giá đã được quy định. Đây cũng là lý do vì sao hiện nay cơ quan quản lý nhà nước không quản lý giá sàn đối với hàng không”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Là một người có nhiều năm công tác trong ngành hàng không, TS. Lương Hoài Nam cho rằng việc áp giá sàn sẽ khiến cho thị trường hàng không bị “hành chính hoá” thay vì được "thị trường hoá" nhiều hơn nữa theo xu thế chung.

Ts. Lương Hoài Nam

Ts. Lương Hoài Nam

Ông Nam cho rằng phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thế giới và không hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. “Tôi cho rằng cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, “thị trường hoá”, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan nhà nước” - Tri thức trẻ dẫn lời TS. Lương Hoài Nam.

Trước các thông tin này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ vẫn đang xem xét về đề xuất áp giá sàn vé máy bay này.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết việc hãng hàng không kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0, Bộ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khung giá mới. Và trước khi có quyết định này, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến.

Hiện Bộ GTVT đã giao cho Cục hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét đánh giá các yếu tố, như: tính cạnh tranh bình đẳng của thị trường hàng không Việt Nam, quyền tiếp cận dịch vụ của người tiêu dùng, rà soát lại việc thực hiện khung giá cước hiện hành, phân tích đánh giá những yếu tố tích cực/tiêu cực đến thị trường, kinh nghiệm của các nước khác…

Mời quý độc giả đón đọc bài viết "Xin đừng gạt giấc mơ bay của tôi xuống đất" đăng tải trên Reatimes.vn vào 15h chiều 4/4/2017! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top