Aa

Bài 1: Chỉ tiêu tài chính chưa bao giờ khó như năm 2020

Mộc Trà
Mộc Trà vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 10/07/2020 - 05:55

So với giai đoạn nền kinh tế sôi động, lợi nhuận các ngân hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ là khác nhau đối với từng đơn vị.

Lời toà soạn

Đến đầu tháng 7/2020, đa phần các ngân hàng trong hệ thống đã họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020. So với thường lệ, năm nay các ngân hàng tổ chức muốn hơn gần 1 quý do đại dịch bệnh. Dù cũng đã đi hết nửa chặng đường nhưng lãnh đạo các ngân hàng lại khá đau đầu đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Trong bối cảnh thị trường "nhuốm màu" bệnh dịch, nhiều ngân hàng chịu ảnh hưởng kép do khách hàng là doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, thị trường bất động sản trì trệ, nếu ngân hàng để con số lợi nhuận quá hấp dẫn sẽ không thức thời, nhưng cũng khó có thể để con số quá thấp vì điều này ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và giá cổ phiếu của ngân hàng đó. Vì thế mới nói, con số lợi nhuận 2020 là câu chuyện đau đầu của lãnh đạo các ngân hàng trước đại hội cổ đông.

Dưới góc nhìn vĩ mô, Reatimes khởi đăng tuyến bài Thấy gì từ mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2020? nhằm phản ánh thông tin về tình hình sức khoẻ của hệ thống tài chính, cũng như tình hình tín dụng cho thị trường bất động sản. 

Muôn màu bức tranh đại hội cổ đông

Các chuyên gia kinh tế tài chính cho biết, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng lợi nhuận tốt dù dịch Covid-19 gây ra tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Lý do là bởi, đối tượng khách hàng cũng như mục tiêu phát triển theo giai đoạn của từng ngân hàng có khác nhau. 

Ngoài kế hoạch kinh doanh, cổ tức, tăng vốn, nợ xấu, chuyển sàn, thay nhân sự,.. cũng là những vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều. Tuy vậy, không phải nội dung nào cũng được đề cập sâu trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay.

Cuộc họp đại hội cổ đông năm 2020 của Vietcombank tập trung vào kế hoạch tổng quan cùng việc chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như chia cổ tức 2019 tỷ lệ 18% để tăng vốn. Trước đó hồi cuối năm 2019, ngân hàng đạt kỷ lục về lợi nhuận với hơn 23.000 tỷ đồng. 

Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu trong hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong đợt dịch bệnh vừa qua. Giới phân tích nhận định, Vietcombank không cần quá bận tâm về lợi nhuận bởi sự vững chắc của ngân hàng này trong hệ thống là điều không thể phủ nhận.

Trong nhóm Big 4, Vietinbank không công bố kế hoạch lợi nhuận 2020 và cũng chưa tiết lộ con số cụ thể. Trong khi BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận 12.500 tỷ đồng, cao hơn gần 20% so với năm 2019.

Các ngân hàng còn lại, ban lãnh đạo cũng chưa xác định được con số cụ thể cho năm 2020 bởi tình hình dịch bệnh vẫn là câu chuyện khách quan. Chẳng hạn như, ngân hàng NCB cũng không công bố rộng rãi tài liệu cổ đông ra bên ngoài mà chỉ phát hành nội bộ. Hồi đầu năm, ngân hàng này họp đại hội cổ đông bất thường để bàn chuyện tăng vốn khoảng 70% lên trên 7.000 tỷ đồng. 

NamABank họp đại hội cổ đông hồi cuối tháng 6 và dự kiến tăng tổng tài sản thêm 23%; huy động vốn tăng 22%; tín dụng tăng 21% và lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng còn dự tính hoàn tất niêm yết cổ phiếu trên HoSE và bán vốn tại công ty xử lý nợ xấu. 

Mới đây, Saigonbank họp đại hội 2020 với kế hoạch tập trung nguồn lực để tái cơ cấu gắn với nợ xấu theo phương án đã được duyệt trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời nâng cao công tác quản trị rủi ro. 

Eximbank họp đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh nhưng có sự điều chỉnh giảm so với kỳ vọng hồi đầu năm. Cụ thể, tại quyết định mới đây, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm chi phí hoạt động, huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng, giảm 4 - 8% so với kế hoạch đầu năm. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2019 nhưng giảm 40% so với dự định hồi đầu năm 2020.

Ngân hàng MB cũng đã tổ chức đại hội thành công với các chỉ tiêu lợi nhuận giảm 10% do tác động của Covid-19, tổng tài sản tăng khoảng 8%, tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng 7%, tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%, vốn điều lệ tăng 18%, chi trả cổ tức tỷ lệ 11 - 15%; chia cổ tức của năm 2019 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu và chia hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông.

Ngày 25/6, LienVietPostBank tổ chức họp đại hội thường niên và đặt mục tiêu giảm gần 20% lợi nhuận; huy động vốn gần như không tăng trưởng, tín dụng kỳ vọng tăng trưởng 10%. Ngân hàng cũng tính tăng 10% vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng tăng trưởng tốt

VIB đặt ra kế hoạch kinh doanh khá lạc quan với lợi nhuận tăng 19%, tổng tài sản tăng 22%, huy động vốn tăng 19% và tín dụng tăng 25%. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ chia 20% cổ phiếu thưởng cho cổ đông. 

Một cái tên khác là OCB cũng khá tham vọng với kế hoạch lợi nhuận 2020 khi tăng tới 36%; vốn điều lệ tăng 43%; huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản tăng trên 20%. Ngoài ra, một nội dung nữa tiếp tục được đưa ra tại đại hội lần này để thảo luận đó là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE. 

Dịch bệnh dù đã được kiểm soát tốt trong nước nhưng diễn biến vẫn khó lường trên thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp khách hàng lại chưa có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng dịch bệnh, lúng túng trong kinh doanh và chưa chắc chắn định hướng sau dịch. Trong khi đó, nội tại các ngân hàng cũng cần được ổn định cho nhiều góc độ: lãi suất, nhân sự, tín dụng, nợ xấu…

PGBank cũng đã họp đại hội cổ đông thông qua lợi nhuận tăng gấp hơn 2 lần thực hiện năm 2019. Tổng tài sản, dư nợ và huy động vốn dự kiến tăng từ 6 - 10%. Ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn chờ thực hiện sáp nhập vào HDBank theo chấp thuận về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước từ năm trước. 

Rất nhiều dự báo cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể phải trải qua một cuộc suy thoái tồi tệ nhất do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào năm 1930.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới năm nay giảm 3% so với năm ngoái. Thực tế cho thấy, phong tỏa biên giới và hạn chế đi lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo nên cú sốc cung cầu; giá dầu lao dốc; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có khả năng tiếp diễn... Trong bối cảnh đó, các nước đồng loạt thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Chính phủ dự kiến GDP 2020 tăng trưởng khoảng 4,5 - 5,4%, giảm 1,5 - 2,5% so với mục tiêu trước đó. Bội chi ngân sách được dự báo tăng do Chính phủ triển khai gói tài khóa giúp bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch.

Các ngành du lịch, vận tải, hàng không, dệt may, công nghiệp sản xuất, chế tạo… chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hộ sản xuất - kinh doanh, cá nhân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng giảm; dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 10 - 12%.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng thực hiện vai trò chính trị, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Từ cuối tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới.

Nhu cầu của khách hàng giảm, cộng với việc các ngân hàng triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh quý I/2020. Trong đó, lợi nhuận của VCB, CTG, BIDV, MB, BacABank, Kienlongbank, Saigonbank, Sacombank đều suy giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đó là chưa kể, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đang là khách hàng tốt của ngân hàng, nay vì dịch Covid-19 mà sức khỏe tài chính suy yếu, tạm thời không có khả năng trả nợ đúng hạn.

Những hệ lụy của dịch bệnh sẽ được phản ánh rõ hơn trong kết quả kinh doanh quý II của các nhà băng. Trước những thách thức đó, ngành ngân hàng một mặt tiếp tục “hy sinh” lợi nhuận nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, một mặt nỗ lực triển khai những giải pháp nhằm củng cố các nền tảng để tạo đà phát triển trong những năm tiếp theo.

Theo thông tin tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia sáng ngày 9/7, mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực. Toàn nền kinh tế chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.

Tiếp tục xem xét giảm lãi suất. Ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top