Aa

Bài 1: Lay lắt gần một thập kỷ, Tổng Sông Hồng sắp làm mất trắng vốn Nhà nước

Thứ Ba, 08/10/2019 - 06:00

Không hiểu lý do gì Tổng CTCP Sông Hồng vẫn được duy trì tình trạng chết lâm sàng gần một thập kỷ để đến nay “chốt rằng” có thể mất trắng vốn Nhà nước.

Liên tục những con số "biết nói"

Tổng công ty Sông Hồng ra đời cách đây 60 năm, tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty này đã xây dựng một loạt các công trình lớn như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội) hay các khu chung cư ở Hà Nội như Kim Liên, Giảng Võ...

Năm 2010, Bộ Xây dựng cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng, thu về 61,5 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước còn lại chiếm 49,04% vốn điều lệ.

Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Hồng gần như không triển khai thêm dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới. Cùng với đó là tình hình tài chính ngày càng bết bát.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp này đang vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật. 

Tòa án nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) đang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỷ đồng.

Trong suốt từ năm 2012 tới nay, tổng công ty Sông Hồng không thể tăng vốn, thậm chí đầu năm 2019 công ty phải giảm vốn điều lệ từ 270 tỷ xuống 204,78 tỷ do Nhà nước giảm vốn để Tổng công ty thực hiện chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng. 

Lãnh đạo Tổng CTCP Sông Hồng lo ngại nguy cơ doanh nghiệp này phá sản

Theo số liệu báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Sông Hồng lỗ luỹ kế 940 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 270 tỷ đồng, như vậy Tổng công ty đang bị âm vốn điều lệ 612 tỷ đồng. Các khoản tiền và tương đương tiền của Tổng công ty còn 7 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn 535 tỷ đồng trong khi các khoản phải thu lên đến 321 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn hơn 1.123 tỷ đồng. Công ty đang bị âm vốn điều lệ và kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Doanh thu của Tổng công ty trong 6 tháng đầu năm 2019 mặc dù tăng gấp 3 cùng kỳ năm trước cũng chỉ đạt 26,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế 32 tỷ đồng.

Cũng trong báo cáo soát xét 6 tháng của Tổng công ty Sông Hồng, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 ngày 12/4/2018 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Phải bán vốn gấp nếu không sẽ mất trắng vốn Nhà nước

Tổng công ty Sông Hồng IPO vào tháng 11/2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cp, khi đó nhà đầu tư đã sẵn sàng trả giá 22.290 đồng/cổ phiếu để mua 6,7 triệu cổ phần chào bán. Tuy nhiên sau 10 năm, giá cổ phiếu của Tổng công ty trên sàn Upcom với mã SHG chỉ còn 2.600 đồng/cổ phiếu và bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch do chậm công bố công tin.

Sau hơn 9 năm cổ phần hoá và đã giao dịch trên UpCom, Tổng công ty sông Hồng gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 trước khi chuyển về SCIC vì Tổng công ty này đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 900 tỷ đồng, nguy cơ mất trắng vốn Nhà nước.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, ông Trần Huyền Linh - người thay mặt tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết thêm nợ phải trả ngắn hạn 1.145 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản ngắn hạn của Tổng công ty Sông Hồng chỉ khoảng 586 ty đồng, dẫn tới mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.

Cũng trong văn bản gửi đến Thủ tướng, Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn Nhà nước.

Để "vớt vát" phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua tổ đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Tổ đại diện phần vốn Nhà nước cũng chủ động tìm kiếm nhà đầu tư cùng ngành nghề xây dựng quan tâm, tham gia đấu giá công khai cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, với điều kiện phải thoái vốn ngay trong năm 2019.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái toàn bộ 13.241.200 cổ phần, chiếm 49,04% vốn điều lệ, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.

Khi đánh giá về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Tài chính nhận định Tổng công ty này đã mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu Nhà nước.

Trong năm 2018, công ty mẹ thuộc Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu khoảng 213 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí lên tới 589 tỷ đồng. Chi nhiều hơn thu nên tổng công ty thua lỗ khoảng 376 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo đương thời của SHG. Nguồn Cafef

Bộ Tài chính cũng cho biết Tổng công ty Sông Hồng đang đầu tư tài chính vào 26 công ty con, công ty liên doanh, liên kết với tổng số tiền khoảng 286 tỷ đồng, nhưng không có khoản đầu tư nào đem lại cổ tức, lợi nhuận cho tổng công ty.

Các công ty con này đang thua lỗ dẫn tới Tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho 17 công ty, số tiền 220 tỷ đồng.

Việc Tổng công ty Sông Hồng phải đề xuất Thủ tướng cho bán gấp cổ phần nhà nước tại tổng công ty để "vớt vát" phần nào tài sản, vốn Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là điều vừa không lạ nhưng lại khó hiểu.

Nhà nước bỏ tiền vào doanh nghiệp nhưng không thu được lợi nhuận, ngược lại phải chạy theo gỡ vướng cho doanh nghiệp, chỉ mong thu lại một phần vốn. Tổng Sông Hồng đã thua lỗ bết bát gần thập kỷ qua mà lại được cho vướng vào những dự án lớn trong tình trạng đó, khiến việc gỡ rối càng khó. Nếu chỉ nhìn bề nổi và qua các con số, tình trạng của Sông Hồng hiện tại khó có thể bán vốn Nhà nước để có thể thu lời. Nhưng thực tế ở một số góc nhìn của người trong cuộc, Sông Hồng vẫn còn nhiều giá trị được quan tâm. Reatimes sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.

Đủ kiểu thất thoát vốn Nhà nước

Việc phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp bị thất thoát đã từng xảy ra nhiều và không còn là chuyện xa lạ. Đối với Tổng Sông Hồng, chính lãnh đạo công ty cũng đã lên tiếng về việc phải thoái vốn Nhà nước gấp trong năm 2019, nếu không sẽ không chỉ thất thoát mà còn có khả năng mất trắng.

Từ nhiều năm nay, kết quả các cuộc thanh tra cho thấy khả năng thất thoát tài sản Nhà nước ở các doanh nghiệp thường diễn ra tại các khâu thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ.

Chẳng hạn như, việc xác định giá trị doanh nghiệp có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu... làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Công tác định giá cũng có vấn đề như xác định tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản thấp hơn thực tế; áp dụng không đúng đơn giá xây dựng, vật kiến trúc, công trình; không hạch toán phần giá trị tài sản tăng thêm; đánh giá giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất chưa phù hợp giá trị thị trường. Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp hạch toán tăng nợ không đòi được dẫn đến giảm vốn Nhà nước.

Ngoài ra, tình trạng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa và phần vốn Nhà nước bán ra ngoài không phù hợp với đề án tái cơ cấu và phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Đồng thời chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược theo quy định. Chọn nhà đầu tư chiến lược không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Trong khi công tác định giá doanh nghiệp có vấn đề. Người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa thường thiếu thẩm tra mà căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn, không phát hiện thiếu sót gây thất thoát,...

Thêm vào đó, nhiều đơn vị thẩm định giá có vốn điều lệ chỉ vài tỷ đồng nhưng tham gia định giá tài sản có giá hàng trăm tỷ đồng.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy định bắt buộc việc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất đủ để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp khi chuyển đổi đã không đánh giá lại phần vốn Nhà nước đã đầu tư vào các dự án dở dang mà vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách. Trong khi nhiều khu đất giá trị thị trường thực tế tại thời điểm cổ phần hóa đã tăng nhiều lần so với lúc bồi thường. Ngoài ra cũng chưa có quy định về tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp mặc dù trên thực tế giá trị này rất lớn.

Đánh giá về việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước, PGS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, doanh nghiệp tư nhân mua mớ rau tính kỹ nhưng doanh nghiệp Nhà nước ký hợp đồng tỷ đồng rất dễ dàng. Để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, bản thân doanh nghiệp phải có thể chế giám sát và giám sát từ bên ngoài. Từ đó mới có thể giúp việc đầu tư các dự án đảm bảo hiệu quả.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước thiếu công khai, minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, nhất là trong mua sắm, đầu tư, công tác cán bộ, giao dịch với người có liên quan.

Việc thực hiện công bố thông tin còn mang tính hình thức và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp còn thấp. Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế. Có tình trạng cán bộ quản lý Doanh nghiệp Nhà nước vì quyền lợi và lợi ích cá nhân đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành tại doanh nghiệp Nhà nước.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý Doanh nghiệp Nhà nước yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, họ hàng, tham nhũng. Từ đó, gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số doanh nghiệp Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và niềm tin vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện.

Thậm chí, các chuyên gia còn cho rằng, thực tế, quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa phù hợp với sự hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Trong nhiều trường hợp thực hiện “đúng quy trình” nhưng không đúng thực chất; “quy trình” nhiều trường hợp trở thành bình phong cho những sai phạm, vụ lợi, khuất tất trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Tư duy quản lý hành chính và quan hệ thân hữu (kể cả quan hệ lợi ích và không loại trừ các yếu tố tiêu cực, chạy chức, chạy quyền) vẫn chi phối không nhỏ trong việc tuyển chọn, bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước.

Quay trở lại với câu chuyện của Tổng Sông Hồng, liệu có hay không những tình trạng như trên đang xảy ra? Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cấp nào, và thực trạng có phản ánh đúng bản chất thực tế?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top