Aa

Bài 1 - Linh Đàm: Niềm tự hào ngày ấy, nỗi thất vọng bây giờ

Thứ Hai, 20/03/2017 - 07:21

Linh Đàm chính là một khu đô thị kiểu mẫu, văn minh đầu tiên của Thủ đô, tạo động lực cho sự ra đời của “thị trường nhà ở chung cư”. Nhưng sau 20 năm, những gì người ta nhắc tới Linh Đàm chỉ là nỗi thất vọng về một khu đô thị không còn đáng sống.

Linh Đàm được công nhận khu đô thị kiểu mẫu năm 2009.

Linh Đàm được công nhận khu đô thị kiểu mẫu năm 2009.

Khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô

Cách đây hơn chục năm, một căn chung cư ở Linh Đàm từng là mơ ước của biết bao gia đình trẻ có thu nhập thấp và trung bình mưu sinh ở Thủ đô. Khu đô thị Linh Đàm đã tạo nên một cuộc sống kiểu mẫu với căn chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha thoáng đãng với 74 ha diện tích mặt nước hồ, những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/ người. Một không gian sống thực sự văn minh giữa lòng Thủ đô đất chật người đông.

Khu đô thị Linh Đàm không chỉ là niềm tự hào của những cư dân ở đây mà còn là niềm tự hào của chính chủ đầu tư. Vào những năm khoảng 95-96, khi Bộ Xây dựng chủ trương kiên quyết đưa nhà chung cư quay trở lại theo hình thức mới để thay thế những khu tập thể cũ xuống cấp, lộn xộn, Hud đã được giao nhiệm vụ xây dựng khu đô thị mới Linh Đàm. Hud lúc đó vẫn chỉ là một công ty xây dựng nhỏ với số vốn ít ỏi 2 tỷ đồng và phải tự hoạch toán kinh doanh. Và chính Linh Đàm tạo nên khái niệm “kinh tế bất động sản”, là dự án giúp Hud tạo nên tên tuổi, một dấu ấn thành công khó phai trong thời kỳ hoàng kim.

Và đặc biệt Linh Đàm còn là niềm tự hào của chính đội ngũ kiên trúc sư, những người Việt đầu tiên kiến tạo nên một mô hình chung cư văn minh, hiện đại ở Hà Nội và được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009. Không ai hiểu về khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm này hơn kiến trúc sư trưởng của dự án này. PGS. KTS Nguyễn Hồng Thục chính là một trong những người được mời thiết kế, làm nên hình hài và “linh hồn” cho một khu đô thị xanh Linh Đàm ngày ấy.

KTS Nguyễn Hồng Thục chia sẻ: “Cho tới nay, khu nhà ở Bắc Linh Đàm vẫn là một mô hình rất bền vững. Một khu đô thị vẫn giữ được phố của người Việt trong khu. Dân có phố, vừa có sân trong, khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%.

Chúng tôi áp dụng tính nhiệt đới hóa tức toàn bộ các căn hộ được đón hướng Nam - Bắc, tránh toàn bộ hướng Tây. Nhờ tính nhiệt đới hóa toàn khu, các gia đình ít khi phải sử dụng điều hòa. Chúng tôi tạo thông gió cho các căn hộ rất chu đáo. Mặt nhà quay ra tiếp xúc với thiên nhiên khoảng 10m dài/căn hộ, cho tới bây giờ chưa có căn hộ của chung cư nào phá vỡ kỷ lục của bán đảo Linh Đàm. Đây là khu đô thị đầu tiên của Hà Nội có trang bị thang máy đạt chuẩn xây dựng quốc tế trong các khu nhà ở.”

Toàn bộ khu vực nhà ở Bắc Linh Đàm gồm 20 đơn nguyên với khoảng 1.400 căn hộ được KTS Nguyễn Hồng Thục đi từ bài toán dân sinh: Ai đến ở? Dịch vụ như thế nào? Có tạo ra được đường phố và sinh hoạt cộng đồng?... Với dân số ổn định khoàng 30.000 người, thực sự những cư dân đầu tiên của Linh Đàm đã có một cuộc sống rất dễ chịu trong không gian xanh, cũng như văn hóa sinh hoạt cộng đồng gần gũi với hệ thống giao thông thông thoáng, hệ thống trường học tiện lợi...

Sự thay đổi quy hoạch đã phá nát Linh Đàm

Tuy nhiên cách đây khoảng 5 năm, khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở bán đảo Linh Đàm đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Câu chuyện phá vỡ quy hoạch hay còn có thể gọi là phá nát Linh Đàm bắt đầu từ đây.

Theo quy hoạch ban đầu, toàn bộ khu đô thị Linh Đàm rộng 200ha, bao gồm 02 khu dân cư: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm và khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở bán đảo Linh Đàm. Thế nhưng 3 ha đất định làm khu dịch vụ phía Tây Nam bán đã Linh Đàm đã mọc lên Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư cho người thu nhập thấp, mỗi tòa 35 đến 41 tầng. Dự án do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư. Tiếp đó là hai tòa nhà VP3, VP5 với chiều cao 33 tầng cũng của Tập đoàn Mường Thanh xây dựng ngay cạnh.

Sự thay đổi quy hoạch khiến Linh Đàm bị những tòa nhà xây sai phép băm nát. Ảnh: Zing

Sự thay đổi quy hoạch khiến Linh Đàm bị những tòa nhà xây sai phép băm nát. Ảnh: Zing

Theo TS.KTS Khuất Tân Hưng, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội thì những tòa nhà này thực sự đã làm hỏng quy hoạch của khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Với tính toán của KTS Hưng, sau khi các tòa nhà chung cư mới được đưa vào sử dụng, dân số tại đây sẽ lên tới trên 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của một đô thị loại III, trong khi đó, diện tích đường giao thông, bãi đỗ xe, công viên cây xanh ngày một giảm xuống. Số dân trong 3 ha này đã gấp đôi số dân trong 180 ha gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Linh Đàm

Đây chính là nguyên nhân cho câu chuyện ùn tắc, bụi bặm, mất cây xanh (chỉ còn xấp xỉ 4m2/người), hồ Linh Đàm đầy rác, cá chết nổi lềnh phềnh. Giờ nhắc tới mua nhà ở Linh Đàm rất nhiều người ngao ngán. Nhiều cư dân cũ đã phải nói lời chia tay với khu đô thị từng là kiểu mẫu này để chuyển sang những khu đô thị mới khác.

Sự thực là chỉ cần nhìn Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư xây sai phép cả hơn chục tầng đã thấy ngạt thở khi đi qua Linh Đàm. Theo tính toán, chỉ cần 3 nhân khẩu/căn hộ thì 12 tòa chung cư HH có chiều cao từ 35-41 tầng cùng khoảng 20 căn/sàn này sẽ có gần 60.000 người. Với mật độ xây dựng chệch các loại chuẩn này, mỗi m2 đất ở đây sẽ gánh 9 người.

Và con số này thực sự trở thành nỗi ám ảnh của một chuyên gia bất động sản vì chỉ cần một tiếng chuông báo cháy giả có thể dẫn tới thảm cảnh “thất thủ ở Linh Đàm”. Với lượng người khổng lồ này, ai đảm bảo những cư dân ở đây sẽ không dẫm đạp lên nhau để thoát thân.

Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư trở thành nỗi ám ảnh của các cư dân cũ.

Tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư  gây sức ép lên hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của khu đô thị Linh Đàm.

12 tòa HH này luôn nằm trong danh sách “nóng” chung cư không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Mới hồi cuối năm 2016, một căn hộ tại tầng 6 tòa HH2B cháy mà chuông không kêu, chỉ khi chủ nhà mở cửa mới tá hỏa vì nhà cửa đen xì, trần, điều hòa... vẫn đang cháy lộp bộp. Đám cháy diễn ra trong sự ngỡ ngàng của cả chủ nhà, hàng xóm, lẫn bảo vệ...

Trước đó vào tháng 9/2016, cháy đã xảy ra ở tòa HH4a, vụ cháy trở thành nỗi ám ảnh của một cư dân ở tầng 34 khi chị chỉ có thể đứng khóc kêu cứu đầy bất lực vì mắc kẹt mà thang cứu hộ không tới nơi. Chị chia sẻ rằng sau vụ cháy này đi đâu chị cũng lo hỏa hoạn và chỉ chăm chăm tìm cửa thoát hiểm...

Những cư dân ở đây có lẽ là những người lạc quan nhất thế giới vì đang thực sự đùa với thần chết mỗi ngày.

Không giấu được sự tiếc nuối cho khu đô thị Linh Đàm, KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng Linh Đàm được từ Bộ Xây dựng, đến thành phố và người dân xây dựng lên để trở thành đô thị đáng sống. Sự xuất hiện của Linh Đàm giúp thành phố “rửa mặt” khi đưa lại đời sống an bình cho người dân thì tự nhiên lại ấn vào đó 12 tòa nhà xây vượt quy chuẩn, sai phép... Lẽ ra Linh Đàm đã có thể là một trung tâm mới của Hà Nội, tránh cho thành phố mẹ bị bệnh “đầu to”, giảm áp lực cho khu trung tâm.

Thực sự quá tiếc cho một khu đô thị kiểu mẫu nay đã đánh mất “vương miện” chỉ vì những câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thích đáng: Ai đã bất chấp tất cả các quy tắc về thiết kế tổng thể để cấp phép xây tổ hợp 12 tòa nhà ở 25 tầng trên mảnh đất công cộng 3 ha? Những cấp chính quyền nào làm ngơ để Tập đoàn Mường Thanh xây từ 25 tầng lên hơn 40 tầng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top