Aa

Bài 2: Cứ để cổ phiếu Đức Long Gia Lai “rời sàn” như thế?

Thứ Hai, 15/06/2020 - 15:56

Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp tư nhân được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bùi Pháp lèo lái hai thập kỷ qua với bao thăng trầm, đậm màu tính cách người lãnh đạo.

CTCP Đức Long Gia Lai (mã DLG) do ông Bùi Pháp làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất, với số lượng cổ phiếu sở hữu trên 24%. Doanh nghiệp hiện có 20 công ty thành viên, công ty liên kết cùng 13 chi nhánh trong và ngoài nước. 

Từ một xí nghiệp tự doanh năm 1995 chuyên buôn gỗ xuất khẩu và có 9.700m2 đất. Đến nay, Đức Long Gia Lai đã trở thành một doanh nghiệp sở hữu cơ ngơi hoành tráng như những tập đoàn top đầu. Để có ngày hôm nay, đều nhờ một tay ông Bùi Pháp gây dựng suốt 2 thập kỷ qua. 

Sau khi chuyển đổi thành CTCP vào năm 2007, Đức Long Gia Lai sau đó cũng lên sàn vào năm 2010. Cổ phiếu DLG sau 10 năm đã giảm khoảng 20 lần, từ 30.000 đồng xuống còn 1.500 đồng/cổ phiếu. 

Nhiều nhà đầu tư bày tỏ nỗi thất vọng trước diễn biến kém tích cực của cổ phiếu tập đoàn hàng đầu phía Nam. Tuy nhiên, nhiều dấu hỏi đặt ra rằng: DLG có bị làm giá hay không khi lãnh đạo doanh nghiệp này là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính?!

Chủ tịch là nhà đầu tư chính trong đợt tăng vốn

Đức Long Gia Lai đã từng lớn mạnh dưới bàn tay lèo lái của chủ tịch Bùi Pháp

Kể từ ngày 3/2/2017, tổng số lượng chứng khoán niêm yết của DLG trên HOSE là hơn 285 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.850 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nước ngoài nắm giữ gần 391 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,72%.

Đó là số cổ phiếu niêm yết sau khi DLG thực hiện chào bán thành công gần 55 triệu cổ phiếu số lượng cổ phiếu tương ứng ra công chúng.

Trước đó, đầu tháng 12/2016, Đức Long Gia Lai đăng ký chào bán 199,18 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Hết thời gian đăng ký mua, có 16 cổ đông đăng ký với lượng cổ phiếu đăng ký mua hơn 54,91 triệu cổ phiếu, chiếm 27,57% tổng lượng cổ phiếu đăng ký chào bán. Tổng số tiền thu về từ đợt phát hành này 549 tỷ đồng.

Số còn lại chưa bán hết là 144,27 triệu cổ phiếu được HĐQT công ty thống nhất không tiếp tục phân phối vì không tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Hai điểm lạ là, hai nhà đầu tư mua số cổ phiếu trên là 2 cổ đông lớn nhất: Pyn Elite Fund và Chủ tịch DLG. Theo đó, Pyn Elite Fund nâng tổng lượng sở hữu lên 34,17 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 12% vốn điều lệ; ông Bùi Pháp nâng tổng lượng sở hữu lên 54 triệu cổ phiếu, tương ứng 18,65%. Số cổ phiếu này đã tính các giao dịch mua bán thêm, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng trong thời gian phát hành cổ phiếu mới.

Có lẽ chỉ có chủ tịch công ty và nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt thân tín mới bỏ ra 549 tỷ đồng để mua 54,91 triệu cổ phiếu DLG trong đợt phát hành này với 10.000 đồng/cổ phiếu. Vì giá cổ phiếu DLG lúc đó chỉ 3.000 đồng/cổ phiếu. Chưa kể, khi cổ phiếu bị pha loãng thì hẳn nhà đầu tư sẽ hiểu giá DLG còn tiếp tục đi xuống.

Những nhà đầu tư lâu năm sẽ rõ hơn hết chuyện lạ xảy ra tại DLG khi liên tục chào bán cổ phiếu, mở rộng quy mô, bất chấp việc cổ phiếu dưới mệnh giá sau 5 năm lên sàn.

Cổ phiếu DLG mất giá vì nợ quá hạn?

Cách đây một năm, tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, DLG vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, thậm chí lợi nhuận trước thuế còn đạt mức tăng 158% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, kiểm toán đã cho ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu của Tập đoàn Xây dựng, cầu đường, thủy lợi, XNK Daohuensong và Công ty TNHH Đầu tư phát triển MTV Lào liên quan đến thanh toán hợp đồng xây dựng 5 cây cầu bê tông tại Lào với giá trị 125 tỷ đồng. Đáng lưu ý, câu chuyện này xảy ra trong bối cảnh hầu hết các khoản nợ của công ty đều đã quá hạn thanh toán, trong đó có nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu.

Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân. Hoạt động của Đức Long Gia Lai phụ thuộc vào việc kinh doanh có lãi trong tương lai hoặc thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi.

Quý I/2020, DLG lỗ 47 tỷ đồng. Đây cũng là quý hiếm hoi DLG thua lỗ, có thể một phần do tác động của dịch bệnh. Những năm trước đó, mắc dù lợi nhuận của doanh nghiệp này có đi xuống nhưng vẫn lãi sau thuế vài chục tỷ đồng. Trong quý đầu năm 2020, chi phí lãi vay trong quý hơn 80 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 50 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu quý I/2020 của DLG

Trước diễn biến đó, cuối năm ngoái, Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp đã lên tiếng về những vấn đề liên quan đến giá cổ phiếu và việc ngân hàng ngừng giải ngân do các khoản nợ quá hạn.

Vị lãnh đạo này cũng khẳng định, mọi hoạt động của Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đều diễn biến thuận lợi. Công ty đang làm việc với ngân hàng, chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay nhằm đảm bảo cho công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, để củng cố niềm tin với các nhà đầu tư, ông Pháp đã đăng ký mua vào đủ 10 triệu cổ phiếu DLG nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, củng cố hoạt động điều hành. Ông Pháp hiện nay là cổ đông lớn nhất của Đức Long Gia Lai.

Ngoài ông Pháp, ban lãnh đạo DLG cũng có nhiều giao dịch chứng khoán đáng chú ý. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, có lúc còn rơi xuống vùng giá 1.200 đồng/cổ phiếu, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Trung Kiên đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 26/12/2018 - 10/1/2019. Nhưng, ông Kiên chỉ mua được 340.000 cổ phiếu do chưa thu xếp được tài chính.

Ngay sau khi kết thúc, ông Nguyễn Trung Kiên đã tiếp tục đăng ký mua thêm 9,66 triệu cổ phiếu DLG trong khoảng thời gian 16/1 - 14/2/2019. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch vẫn chưa có cổ phiếu nào được mua.

Sau đó, ông Kiên bất ngờ thay đổi quyết định khi đăng ký bán gần hết 2,45 triệu cổ phiếu nắm giữ trong thời gian 23/7 - 21/8/2019.

Nói về dự án bất động sản, ngoài dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court đang vướng về pháp lý thì 4 dự án còn lại của DLG cũng đã “thoát xác” thành công, đó là: Đức Long Newland, Đức Long Golden Land, Western Park và Elysium. Đồng thời dự án năng lượng mặt trời cũng hoàn thiện và dự tính sẽ đem lại nguồn thu tốt cho doanh nghiệp.

Theo giải trình cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau kiểm toán -1,3 tỷ đồng, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, sẽ tăng quản lý hiệu quả doanh nghiệp, tăng mức thu phí theo lộ trình tại BOT Gia Lai và BOT Đăk Nông (3 năm tăng 1 lần 18%), làm việc với ngân hàng xin giảm lãi suất cho vay, cắt giảm chi phí vận hành doanh nghiệp. Theo đó, mục tiêu doanh thu năm 2020 là 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận 80 tỷ đồng.

Về các khoản vay, DLG cho rằng, khoản vay 2.398 tỷ đồng vẫn dưới mức 35% tổng tài sản doanh nghiệp.

Nếu các hoạt động công ty vẫn diễn ra bình thường thì các khoản nợ quá hạn tại các ngân hàng thực hư ra sao? Cổ phiếu DLG có trượt về vùng đáy là do cổ đông mất niềm tin vào ban lãnh đạo công ty hay là chủ ý của ông Bùi Pháp? Dù lý do là gì thì người thiệt thòi trong “game” này là các cổ đông nhỏ lẻ. Và, nếu như ngay từ đầu cổ phiếu DLG được giám sát, quản lý trên sàn thì cổ đông sẽ không giống như “con bạc” như lúc này!

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về các dự án của DLG./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top