Aa

Bài 2: Nỗi khốn khổ của người dân vùng dự án "treo"

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Năm, 22/08/2019 - 13:00

Đi không được, ở không xong, người dân ven biển Thanh Hóa khu vực dự án "treo" vẫn đang từng ngày gồng mình trong những căn nhà cũ kỹ, xập xệ, oằn mình trước gió bão.

Dân đi không được, ở không xong 

“Chúng ta đang sống giữa thiên đường du lịch "treo” đó là câu nói châm biếm mà nhiều người dân sống tại các xã, phường ven biển từ TP. Sầm Sơn đến xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, thường nói tới. 

Lý giải về điều này, người dân ở đây cho biết từ những năm 1993 - 1994 khi mà đời sống của họ còn vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ dựa vào mấy sào lúa, những chiếc bè mảng đánh cá ven bờ lúc được lúc không, cũng là lúc chính quyền thông báo về việc quy hoạch, thành lập những dự án du lịch nghỉ dưỡng, resort, khu biệt thự cao cấp ngay trên mảnh đất ông cha ở từ nhiều đời. 

Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, những dự án này vẫn còn “treo lơ lửng” đã tàn phá hàng trăm hecta rừng phi lao và đẩy những người dân nơi đây rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vất vả. Họ rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, mất đất, mất nhà, gia đình ly tán, nhà cửa được xây dựng từ hàng chục năm trước cũng không được phép sửa chữa, không được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Con cái lớn đến tuổi dựng vợ gã chồng cũng không được phép xây nhà mới, không được cấp nước sạch dù nguồn nước hằng ngày đang sử dụng bị ô nhiễm.

Ông Lê Duy Từ (xã Quảng Lợi) bức xúc cho biết: “Dự án du lịch là bức tử môi trường, là chặt hạ những dải rừng phi lao phòng hộ, là chia lô bán nền với giá cao, là chiếm đất. Người dân chúng tôi chẳng thiết tha vào những dự án mơ hồ, vẽ vời của những doanh nghiệp chỉ biết lợi nhuận của doanh nghiệp mình mà đẩy hàng trăm hộ dân vào con đường khốn cùng.

Du lịch là khi đẩy những căn nhà ở của chúng tôi xuống cấp không được xây dựng, sửa chữa, con cái lớn lấy vợ không được xây nhà mới ở riêng trên mảnh đất ông cha để lại hàng trăm năm qua, đất đai cũng không được cấp sổ đỏ, hằng năm phải oằn mình gánh chịu những cơn bão lớn, ruộng vườn bị cát xâm thực hay sao? Chúng tôi chẳng còn thiết tha hay dám mơ đến... du lịch nữa”.

Đến với người dân ở vùng dự án này vào mùa mưa bão đang đến gần mới thấy hết được những lo âu, lẫn nỗi bức xúc của họ. Theo người dân sống tại đây, dải rừng phi lao ven biển là “bức tường” rừng phòng hộ che chắn gió, bão, xâm thực và giảm phần nào hơi lạnh từ biển vào khu dân cư phía trong. 

Ngồi trong căn nhà ngói lụp xụp, nứt nẻ và chật chội của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, phường Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn) đôi khi phải giật mình vì tiếng gió rít từng hồi khiến cho căn nhà như muốn đổ ụp xuống.

Ngôi nhà nhỏ hoang tàn của gia đình bà Cúc nhưng có đến 4 thế hệ cùng chung sống.

Cũng như bao gia đình khác, gia đình bà Cúc cũng là một trong những hộ chịu cảnh khốn khổ vì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện. Theo tìm hiểu được biết dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện được lập quy hoạch từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng đến nay, đã hơn 20 năm qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi hàng chục hộ dân chịu ảnh hưởng phải sống trong hoàn cảnh đi không được, ở không xong.

Bà Cúc bức xúc thốt lên: “Gia đình tôi và những hộ dân khác sống trong khu dự án này còn phải bị đày đọa đến bao giờ nữa?. Nhà tôi có tới 4 thế hệ phải sống chung, chen chúc trong căn nhà ngói cũ kỹ, dột nát được xây dựng từ hàng chục năm trước. Bây giờ con cái đã khôn lớn, xây dựng gia đình nhưng không được xây nhà mới phải đi ở nhờ, ở đợ người ta trong khi đất của gia đình còn rất rộng”.

Dự án "treo" cả chục năm, nhà đầu tư vẫn đang làm tốt? 

Không chỉ người dân không được xây mới, sửa chữa nhà cửa, mà các dự án phủ xanh đất trống đồi trọc vùng ven biển cũng không được thực hiện do vướng quy hoạch dự án nghỉ dưỡng. 

Rừng phi lao bị chặt hạ để lại bãi đất trống hoang hóa.

Ông Trần Văn Son một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án "treo" cho biết: “Cuộc đời của chúng tôi ở đây gắn liền với rừng phi lao ven biển, từ khi có thông tin quy hoạch dự án du lịch chúng tôi sẵn sàng nhường đất, nhường rừng cho doanh nghiệp vì đó là cơ hội để phát triển kinh tế của địa phương và của đất nước. Bây giờ nhà cửa của chúng tôi xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa, xây mới, đất đai của chúng tôi sống qua hàng chục thế hệ cũng không được cấp sổ đỏ, chúng tôi cũng không được cấp nước sạch. Bao nhiêu lần chúng tôi kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng đều không nhận được câu trả lời. Bây giờ các cô, chú thấy đấy, dự án thì "treo" suốt hơn 20 năm qua, rừng thì bị chặt hạ không thương tiếc trong khi doanh nghiệp thì chây ì, cứ như muốn lấy không đất của chúng tôi vì đền bù cho gia đình chúng tôi với mức giá rẻ mạt, tương đương mỗi mét vuông đất chỉ bằng giá một tô phở vậy mà chính quyền còn thông báo cưỡng chế đối với những hộ không chịu di dời”.

Trao đổi với PV, ông Lê Huy Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án TP. Sầm Sơn cho biết: "Hai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh và Khu biệt thự Hùng Sơn tại xã Quảng Hùng (trước đây thuộc huyện Quảng Xương) chính thức được phê duyệt vào năm 2004. Do hồ sơ của hai dự án này lưu tại huyện Quảng Xương bị thất lạc nên đến tháng 4/2018 ban quản lý dự án TP. Sầm Sơn mới tiếp nhận được hồ sơ của các dự án tại Phường Quảng Vinh và xã Quảng Hùng, hiện tại Ban đang khẩn trương rà soát, kiểm tra hồ sơ. Còn việc thực hiện dự án thì nhà đầu tư đang thực hiện rất tốt, chúng tôi đang phối hợp với  nhà đầu tư để tiến hành cưỡng chế những gia đình không bàn giao đất".

Không rõ căn cứ vào điều gì, mà thực tế đã chứng minh dự án "treo" rất nhiều năm, nhưng Giám đốc Ban quản lý dự án TP. Sầm Sơn vẫn nói rằng nhà đầu tư đang thực hiện rất tốt.  Liệu có hay không việc chính quyền các cấp buông lỏng quản lý, dễ dãi với doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của hàng trăm hộ dân đang phải căng mình chống chọi với những khó khăn hiện hữu hàng ngày?

Nhìn lại đường bờ biển với hàng trăm héc-ta rừng phi lao đã biến mất, không thể không thấy rằng, người dân và địa phương đã mất đi bức tường xanh tự nhiên khiến xảy ra trình trạng biển xâm thực, đất đai nhiễm mặn, sạt lở đê kè, các công trình hạ tầng dân sinh và đe dọa đến tính mạng con người. 

Người dân vùng dự án đã không còn chờ vào một tương lai tươi sáng hơn với các dự án nghỉ dưỡng hoành tráng, mà chỉ còn mong có được một lời giải cho bài toán cuộc sống hiện tại của họ. 

Theo điểm i, khoản 1 Điều 64 luật đất đai năm 2013 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top