Aa

Bài 2: Phường Hàng Buồm: Xử lý vi phạm trật tự xây dựng... trên giấy?

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 12/09/2018 - 06:01

Câu chuyện về các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ tại phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay. Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên… giấy tờ. Các công trình “khủng” vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ.

Các công trình vượt tầng nằm sát nhau trên phố Ngõ Gạch, phường Hàng Buồm.

Các công trình vượt tầng nằm sát nhau trên phố Ngõ Gạch, phường Hàng Buồm.

Các con phố tại phường Hàng Buồm nằm trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp 1 của quy hoạch kiến trúc bảo tồn khu phố cổ, Hà Nội. Theo đó, trong khu bảo vệ, tôn tạo cấp 1 cần phải giữ gìn hình ảnh và phong cách các khu phố cổ truyền thống. Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của khu phố cổ, tạo thành các dãy công trình thống nhất phong cách. Tuy nhiên, trên hầu hết các con phố thuộc phường hàng Buồm đều đã xuất hiện những công trình cao tầng hiện đại, “nổi bần bật” và nằm xen kẽ giữa các khu nhà cổ kính. Diện mạo các khu phố này nghiễm nhiên trở nên méo mó, lộn xộn.

Điều đáng lo ngại nhất là những công trình sai phạm cũ chưa bị xử lý thì những công trình mới lại mọc lên ngày càng nhiều.

Các phố thuộc phường hàng Buồm nằm trong khu bảo vệ, tôn tạo cấp 1.

Các phố thuộc phường hàng Buồm nằm trong khu bảo vệ, tôn tạo cấp 1.

Xử lý hời hợt, quyết định cưỡng chế ban hành rồi “cất tủ”

Trên con phố cũ Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Hà Nội – con phố có vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô khi giá trị giao dịch trên thị trường lên tới cả tỷ đồng cho mỗi mét vuông mặt phố, hai công trình sai phạm xây dựng “đồ sộ” tại số 52 và 60 vẫn tồn tại trong tư thế hiên ngang.

Công trình số 52 Đào Duy Từ đang được sử dụng làm khách sạn. Tất cả mọi xử lý vi phạm mới chỉ nằm trên...giấy tờ.

Công trình số 52 Đào Duy Từ đang được sử dụng làm khách sạn. Tất cả mọi xử lý vi phạm mới chỉ nằm trên... giấy tờ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình số 52 Đào Duy Từ chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng, song chủ đầu tư đã vượt phép xây dựng lên đến 9 tầng gây xôn xao dư luận.

Sau khi báo chí phản ánh, ngày 22/8/2017, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ký ban hành Quyết định số 3039/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Ngày 4/10/2017, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã ký Quyết định 3501/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng 52 Đào Duy Từ.

Đến thời điểm hiện tại, đã gần một năm sau khi quyết định cưỡng chế được ban hành, thế nhưng phần vi phạm của công trình này vẫn  chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ. Thay vào đó, theo ghi nhận của phóng viên, công trình này đang được đưa vào sử dụng làm khách sạn ALLURE HOTEL và hoạt động khá rầm rộ.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Khánh Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm từng thừa nhận công trình tại số 52 Đào Duy Từ đã xây dựng vượt phép 5 tầng. Vị lãnh đạo này khẳng định, chính quyền phường rất quyết liệt khi xử lý sai phạm của chủ đầu tư và cho biết ngày 10/4/2018 công trình này đã bị  xử phạt hành chính…14 triệu đồng còn việc xử lý cưỡng chế thì cần phải có quy trình.

Công trình tại số 60 Đào Duy Từ

Công trình tại số 60 Đào Duy Từ đã xây dựng lên 7 tầng.

Chỉ được cấp phép xây dựng 4 tầng nhưng công trình tại số 60 Đào Duy Từ cũng đã xây dựng vượt tầng, thậm chí mật độ xây dựng cao gây lún nứt các công trình lân cận, do đó từng bị đình chỉ, ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện tại, công trình này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thi công để đưa vào sử dụng, không có một dấu hiệu nào liên quan đến việc cưỡng chế, tháo dỡ.

Trước đó, để bảo tồn kiến trúc khu phố cổ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ban hành quyết định số 6398/QĐ-UBND  về việc ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Trong đó nêu rõ, hầu hết các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1 - 3 tầng, tương đương 6 - 12m; lớp phía sau từ 2 - 4 tầng, tương đương 10 - 16m. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, các công trình vốn không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai lại có thể ung dung xây vượt tầng, vượt phép, phá vỡ quy hoạch, còn việc xử lý chỉ nằm trên giấy tờ rồi “cất tủ”.

Quy định về chiều cao cho phép xây dựng của các khu phố nằm trong quy hoạch theo quyết định 6398/QĐ-UBND.

Quy định về chiều cao cho phép xây dựng của các khu phố nằm trong quy hoạch theo quyết định 6398/QĐ-UBND.

Công trình vượt tầng như nấm mọc sau mưa

Dường như việc xử lý các vi phạm quá hời hợt và “nhẹ tay” nên bất chấp các quy định của pháp luật, các công trình xây mới vẫn cứ vô tư vượt phép, vượt tầng và đang dần phá vỡ quy hoạch phố cố từng ngày.

Theo khảo sát của phóng viên Reatimes, tại phường Hàng Buồm còn có 8 công trình khác có dấu hiệu xây dựng vượt tầng, vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, phải kể đến công trình “khủng” đang hoàn thiện thi công tại số 1 Ngõ Gạch. Theo tìm hiểu, phố Ngõ Gạch cũng nằm trong khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1, chỉ được phép xây tối đa 3 tầng mặt phố và 6 tầng lớp trong, tuy nhiên công trình tại số 1 đã xây lên 8 tầng và 1 tum. Hiện tại, công trình vẫn đang thi công những hạng mục cuối để đưa vào sử dụng. Cách đó không xa, hai công trình hoành tráng tại số 5 và 7 Ngõ Gạch cũng xây vượt tầng.

Công trình số 1 Ngõ Gạch đang hoàn thiện thi công.

Công trình số 1 Ngõ Gạch đang hoàn thiện thi công.

Tại phố Nguyễn Siêu, công trình tại số 23 - 25 với quy mô 6 tầng, đang chuẩn bị hoàn thện và đưa vào sử dụng làm khách sạn. Bên phía đối diện là công trình tại số 26 cũng xây dựng vượt tầng khi đã đưa vào sử dụng 5 tầng và 1 tum. Tiếp đó, tại phố Hàng Buồm, công trình tại số 33 và 55 cũng vi phạm trật tự xây dựng khi xây vượt tầng so với quy định. Tại số 6 Lương Ngọc Quyến, công trình vi phạm khi xây dựng 5 tầng và mật độ xây dựng 100%...

Công trình số 23-25 Nguyễn Siêu đã xây xong, chuẩn bị đưa vào sử dụng làm khách sạn.

Công trình vượt tầng tại 23 -25 Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm.

Công trình vượt tầng tại 26 Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm.

Công trình vượt tầng tại 26 Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm.

Được biết, trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký công văn số 6175 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Văn bản này nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, thông báo đến lực lượng chức năng để kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cấp có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết.

Chỉ thị số 08-CT/TU của Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 2016 cũng đã nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn.

Vào cuối tháng 04/2018, UBND quận Hoàn Kiếm cũng  đã ban hành Công văn số 553/UBND-VP về chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận.

Theo đó, để xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, đảm bảo kỷ cương hành chính và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, UBND quận Hoàn Kiếm giao Chủ tịch UBND 18 phường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đình chỉ tuyệt đối, giám sát chặt chẽ không để tiếp tục phát sinh vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Có thể khẳng định rằng, chúng ta không thiếu chế tài để quản lý cũng như xử lý vi phạm nhưng pháp luật lại đang không được thực thi một cách nghiêm túc. Dường như sự buông lỏng quản lý, sự không cương quyết của chính quyền trong việc phát hiện và kịp thời xử lý sai phạm đã dẫn đến tình trạng các công trình sai phạm cứ việc ung dung tồn tại vì đã “lỡ sai” rồi thì tiếp tục hoàn thiện cho xong, sau đó... nộp phạt. Và cứ thế, vì không được răn đe, các công trình mới lại tiếp tục mọc lên ngày càng nhiều.

Lợi ích từ việc xây thêm tầng, vượt tầng là quá lớn do đó các cá nhân vi phạm  sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật. Trước thực tế quy hoạch phố cổ đang dần bị “băm nát”, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền có đang “bật đèn xanh”cho các công trình xây vượt tầng, sai quy định? Trong khi đó, theo nhiều người dân tại phố cổ, chỉ cần họ có dấu hiệu xây dựng, sửa chữa nhà ,thanh tra xây dựng  sẽ đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt ngay. Nhưng không hiểu vì lý do gì, những công trình đồ sộ nói trên lại bị phớt lờ, cho qua một cách dễ dàng?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top