Aa

“Bán đấu giá đất phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch”

Thứ Sáu, 15/09/2017 - 20:00

Xung quanh việc Hà Nội dự tính sau khi di dời các sở, ngành về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công sẽ bán đấu giá đất tại các trụ sở cũ để xây dựng thêm một khu mới, trao đổi với Reatimes, TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội nói: “Phải xác định chức năng sử dụng với chỉ tiêu xây dựng của từng khu vực một, rồi mới bán đấu giá. Không nên bán đấu giá đất không mà phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch và các chức năng sử dụng đất”.

PV: Thưa ông, Hà Nội đang xây hai khu liên cơ để bắt đầu từ cuối năm nay sẽ dồn các sở, ngành về làm việc. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Việc tập hợp các cơ quan quản lý của tỉnh, thành vào một khu vực là chủ trương đã được đề ra từ rất lâu. Đây là một cách tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời giảm chi phí cho từng sở, ban, ngành.

Ví dụ, trước đây chúng ta đã từng đặt ra vấn đề xây dựng trụ sở ở khu vực Nhà máy Rượu Hà Nội, rồi xây dựng trụ sở, ngành ở khu vực đối diện Big C, đoạn đầu đường Đại lộ Thăng Long.

Việc này đã đặt ra rất nhiều rồi nhưng đến gần đây nhất, dân số phát triển gia tăng, phương tiện gia tăng, cơ chế dân số mới, đòi hỏi phải có sự thuận lợi cho điều kiện làm việc của các sở, ngành thì việc tập trung các cơ quan quản lý nhà nước vào một hai khu vực cho mỗi tỉnh, thành là xu thế nhiều tỉnh của Việt Nam đã làm.

Hà Nội cũng đã có chuẩn bị từ lâu nhưng chưa quyết liệt thực hiện thì bây giờ nên quyết liệt thực hiện. Làm như vậy không chỉ góp phần tạo diện mạo mới mà còn góp phần giảm áp lực về giao thông cho TP. Hà Nội và phân bố lại dân cư hợp lý trong khu nội đô.

Vấn đề đặt ra là khi anh làm các khu tập trung thì nên suy nghĩ một cách đồng bộ những điều kiện. Thí dụ như bài học kinh nghiệm của Kualumpur chẳng hạn. Họ làm khu tập trung mới, họ gắn luôn cả những khu nhà ở lân cận để giảm bớt giao thông đi lại. Khu đó chủ yếu phục vụ cơ quan quản lý, người dân với những chính sách ưu đãi. Mỗi cấp có chính sách ưu đãi riêng thì sẽ giảm được.

Bài học của Kualumpur là bài học thành công. Rồi Seoul khi chuyển thủ đô, thực hiện như vậy cũng đã thành công. Các nơi khác thực hiện như vậy cũng đã thành công. Bình Dương hiện nay làm cũng tương đối tốt. Phải chăng Hà Nội cũng nên suy nghĩ đồng bộ không chỉ về trụ sở mà tạo điều kiện thực hiện được đa dạng lợi ích khi chuyển đổi cơ quan.

Trong nội đô hiện nay đang thiếu vắng rất nhiều không gian công cộng cho nên khi chuyển trụ sở đi phải có cơ chế thu hồi thuận lợi để phát triển không gian công cộng, không gian xanh chứ không phải tiếp tục làm gia tăng dân số. Cái này cũng giống di dời các bộ, ngành.

TS. Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: PLVN

TS. Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: PLVN

PV: Về việc xây dựng khu liên cơ ở Hà Nội đang có một số ý kiến cho rằng, TP nên xây dựng một khu liên cơ tập trung thay vì dự tính xây dựng hai khu như hiện nay, như thế sẽ tập trung và thuận tiện hơn. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Việc này cần xem lại các vị trí. Hiện nay, Hà Nội là đô thị có diện tích rộng nhất cả nước, với 3344km2. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải ở vị trí thích hợp nhưng việc một hay hai khu liên cơ phải phù hợp với quy hoạch.

Ví dụ, việc xây dựng ở khu Tây Hồ Tây là rất phù hợp. Đó sẽ là một trung tâm mới của TP. Hà Nội. Kể cả những vị trí họ đề xuất cũng là phù hợp nhưng vấn đề đặt ra là bên cạnh trụ sở, anh phải xây dựng các công trình kèm theo để giảm áp lực giao thông.

Bài học của các nước Kualumpur, Malaisya đã làm trung tâm hành chính mới rất tốt, có cả nhà ở, nhà thờ, trường mẫu giáo... bán với giá rẻ thì lập tức cán bộ, công chức người ta sẽ ra đó. Do đó, nếu làm được như vậy mà lại có trường học, nhà trẻ, mẫu giáo thì sẽ giảm được ách tắc giao thông ở Hà Nội ngay.

PV: Theo quan điểm của ông là cần xây dựng những khu nhà ở kèm theo các khu liên cơ để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay khu vực dự định xây dựng các khu liên cơ của Hà Nội đều có mặt bằng chật hẹp. Vậy phải giải quyết sao với việc này?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Thiếu gì những khu vực gần đó có. Bây giờ phải dành lại những khu đất 20% nhà ở xã hội. Hiện TP có rất nhiều dự án, đã có quy định, mỗi khu đô thị mới phải để 20% quỹ đất cho nhà xã hội, mà nhà ở cho cán bộ công chức là một trong 10 loại nhà ở xã hội. Do đó phải khẳng định lại chỗ này.

Ví dụ như khu liên cơ ở quận Tây Hồ bây giờ đã có một khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức của quận gần khu đó. Rõ ràng là sẽ giải quyết hợp lý.

PV: Ở trên ông có nói việc xây dựng các khu hành chính tập trung đã được một số tỉnh, thành áp dụng. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Hiệu quả thì phải khẳng định là rất tốt. Việc tập trung sẽ giảm dân số, áp lực giao thông. Đồng thời, khai thác được công trình phục vụ chung, như hội trường, nhà ăn, không gian để xe..., hoàn toàn có thể kết hợp được. Nó không xé lẻ ra từng cơ quan một và người dân khi đến gặp, mặc dù hiện nay có chính sách một cửa nhưng cũng sẽ thuận tiện hơn. Bộ phận phục vụ giảm đi rất nhiều.

PV: Về các trụ sở cũ, Hà Nội dự định sau khi thu hồi sẽ bán đấu giá để lấy tiền xây dựng thêm một khu liên cơ nữa. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Bán đấu giá là xu thế cần nhưng cần xác định nó là các chứng chỉ quy hoạch, các chỉ tiêu quy hoạch từng khu vực trước khi bán đấu giá. Chứ đừng để bán đấu giá đất không, vì với cơ chế xin cho như hiện nay lại làm tăng áp lực dân số, hạ tầng giao thông.

Phải xác định chức năng sử dụng với chỉ tiêu xây dựng của từng khu vực một, rồi mới bán đấu giá. Không nên bán đấu giá đất không mà phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch và các chức năng sử dụng đất.

PV: Vậy ông có lưu ý gì với Hà Nội khi thực hiện việc dồn các sở, ngành về các khu liên cơ?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Cái lưu ý lớn nhất là bây giờ anh phải tạo ra sự đồng bộ không phải chỉ trụ sở cơ quan mà phải đồng bộ các công trình tiện ích, nhà ở để đảm bảo tránh ùn tắc giao thông, tránh giao thông con lắc.

Thứ hai, phải giải quyết được cái tồn tại của Hà Nội hiện nay là đấu giá đất cũ nên xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở ưu tiên phát triển không gian công cộng và các công trình công cộng trước rồi mới đấu giá. Đừng để đấu giá xong mới xác định thì sẽ gặp khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top