Aa

Tầm quan trọng của bản đồ quy hoạch nhìn từ lịch sử kiến trúc thế giới

Thứ Sáu, 04/05/2018 - 20:00

Từ thế kỷ 25 trước Công nguyên, hai thành phố cổ Mohenjo-daro và Harappa ở vùng thung lũng Indus, Pakistan đã được xây dựng bài bản theo một trong những bản thiết kế quy hoạch đầu tiên trong lịch sử.

Bản đồ quy hoạch thiết kế đầu tiên của Chandigarth, Ấn Độ, được coi là thành phố quy hoạch kỹ càng nhất thế giới

Bản đồ quy hoạch thiết kế đầu tiên của Chandigarth, Ấn Độ, được coi là thành phố quy hoạch kỹ càng nhất thế giới

Việc xây dựng các đô thị theo bản thiết kế quy hoạch dựng sẵn đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều bản quy hoạch thiết kế hai thành phố cổ Mohenjo-daro và Harappa ở vùng thung lũng Indus, Pakistan có niên đại từ thế kỷ 25 trước Công nguyên. Người La Mã, trong công cuộc chinh phục nên đế chế khổng lồ của mình, đã xây dựng nhiều thành phố theo một mẫu quy hoạch chuẩn được tạo nên bởi các nhà toán học và kiến trúc sư hàng đầu khi đó trên khắp châu Âu.

Đến thời kỳ Trung Cổ, trong khi các nước Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục thực hiện thiết kế, quy hoạch đô thị thì các thành phố ở châu Âu lại phát triển hoàn toàn không theo kế hoạch nào cả. Đây là lý do chính vì sao người dân đô thị ở phương Tây khi ấy phải chịu đựng một loạt các tai họa như ngộ độc, dịch bệnh, cháy nhà, lũ lụt,v.v... Đợt dịch hạch giết chết hàng triệu người trong khoảng những năm 1347 - 1351 xảy ra là do hệ thống cống rãnh từ thời La Mã không được sửa chữa và vệ sinh, tạo điều kiện cho số lượng chuột cống bùng nổ.

Phải đến đầu thời kỳ cách mạng công nghiệp, khi mà dân số đô thị bùng nổ, những người nông dân ly hương để vào làm trong các nhà máy, xưởng thủ công, thì các quan chức mới nhận ra tầm quan trọng trong việc xây dựng thành phố theo bản đồ quy hoạch. Giới kiến trúc sư bắt đầu tìm kiếm và phục hồi các quy tắc quy hoạch đô thị có từ thời La Mã, như xây dựng thành phố theo dạng lưới. Khi thủ đô Washington D.C của Hoa Kỳ được đặt nền móng, tổng thống George Washington đã thuê kiến trúc sư người Pháp Pierre Charles L'Enfant thiết kế một bản đồ quy hoạch cho thành phố sơ sinh này. Đến nay, Washington D.C có hệ thống giao thông ít bị ùn tắc so với phần còn lại của nước Mỹ phần nhiều là nhờ bản đồ thiết kế của Pierre.

Việc xây dựng bản đồ quy hoạch đô thị trải qua một đợt thay máu mới vào đầu thế kỷ XX. Nếu như trước kia, kiến trúc của từng tòa nhà vẫn được các nhà quy hoạch tổng thể quan tâm, nhưng phải đến khi kiến trúc sư bậc thầy Le Corbusier khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại, mỗi công trình mới vừa phải hòa nhập với cảnh quan xung quanh, vừa phải phát huy tối đa được sự tiện lợi cho người ở.

Khuôn viên quanh một tòa nhà trong đại học Havard được Le Corbusier thiết kế

Khuôn viên quanh một tòa nhà trong đại học Havard được Le Corbusier thiết kế

Chính nhờ công lao của Le Corbusier cùng lớp kiến trúc sư và nhà quy hoạch kế cận, nhiều thành phố trên thế giới mới trải qua công cuộc đô thị hóa một cách khá ổn thỏa. Trái lại, tại các nước nghèo đang phát triển, khi mà chính phủ bỏ mặc việc xây dựng bản đồ quy hoạch đô thị, chất lượng sống của người dân thành phố giảm rõ rệt. Đây đã và đang là gánh nặng cho việc tăng trưởng kinh tế - xã hội cho các đất nước này khi mà bản thân trung tâm của sự phát triển - các đô thị - không tự tạo được động lực cho mình.

Ngày nay, các bản đồ quy hoạch thiết kế đang được xây dựng theo hướng hòa hợp với các nhân tố tự nhiên và con người. Không chỉ làm sao tối đa được những sự tiện nghi về giao thông, về an ninh, một tấm bản đồ quy hoạch thiết kế phải làm sao cho cư dân đô thị cảm thấy mình được đảm bảo cả về nhu cầu tinh thần, nhu cầu giao tiếp,v.v... và trở thành một phần gắn chặt với thành phố nơi mình sinh sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top