Aa

Bản sắc Hồ Tây trước cơn lốc đô thị hoá

Thứ Ba, 10/09/2019 - 06:00

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của cả nước, Tây Hồ đang phải chứng kiến quá trình đô thị hoá mạnh mẽ.

Nằm phía Tây Bắc của nội thành Hà Nội, Hồ Tây vốn được bao quanh bởi hành lang xanh với các kiến trúc mềm mại theo lối làng đan xen phố, một đặc trưng của kiến trúc Hà Nội. Từ năm 1995, quận Tây Hồ được thành lập đã ôm trọn Hồ Tây và khu vực xung quanh. Vùng đất này bước vào một quá trình đô thị hóa ồ ạt để trở thành trung tâm mới của Thủ đô trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Biểu hiện rõ nhất cho quá trình đô thị hóa đó có lẽ phải kể đến khu vực Tây Hồ Tây. Theo chủ trương của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực phía Tây Hồ Tây sẽ đón hàng loạt trụ sở bộ, ban, ngành hàng đầu, 13 đại sứ quán và các văn phòng tổ chức phi Chính phủ... 

Đặc biệt, hướng đến khu vực này sẽ là một trong những nơi tập trung khu kinh tế đón đầu thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Do vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là hình thành các khu đô thị mới là điều dễ hiểu. Nhưng để lưu giữ được nét đặc trưng của vùng đất giàu bản sắc trong các khu đô thị đó lại là điều không dễ dàng.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Lê Phước Anh - giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội xoay quanh câu chuyện trên.

TS. KTS Lê Phước Anh

PV: Hồ Tây xưa nay vốn được coi là linh hồn của đô thị Hà Nội bởi giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử qua thời gian. Tuy nhiên, hiện nay đang phải chứng kiến quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Với hơn 20 năm tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Tây, theo ông, nơi đây đã có sự thay đổi, chuyển biến như thế nào?

TS. KTS Lê Phước Anh: Trước hết phải khẳng định rằng với diện tích mặt nước lớn thì Hồ Tây chính là một điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan của quận Tây Hồ nói riêng, đô thị Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, sự tác động của nhiều yếu tố đã dẫn đến sự biến đổi về cảnh quan xung quanh khu vực này.

Từ xưa đến nay, nhắc đến Hồ Tây, chúng ta vẫn luôn nghĩ đến nơi chốn của sự thanh tịnh, nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Dù trải qua không ít những thay đổi, nhưng có một điều chắc chắn là tất cả những gì thuộc về tính “âm” vẫn được lưu giữ đến ngày nay như chùa chiền, đền miếu, làng xóm, vườn hoa, cây cảnh,...

Bên cạnh đó, Tây Hồ có không ít những sự thay đổi tích cực nhằm phục vụ quá trình phát triển của Thủ đô. Nhu cầu về chỗ ở gia tăng, để giảm áp lực cho vùng lõi thì việc hình thành quỹ nhà ở khu vực ven đô là điều đương nhiên. Đặc biệt với chủ trương quy hoạch của thành phố thì nơi đây sẽ thu hút nhiều nguồn lực, nhiều thành phần từ nơi khác đến, người nước ngoài,... nên việc mở rộng, xây dựng mới đều xuất phát từ nhu cầu cần thiết đó.

Không chỉ trong phạm vi quy hoạch xây dựng khu đô thị, mà các khu vực xung quanh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự phát triển, đô thị hóa. Khi đất canh tác trở thành khu đô thị, đồng nghĩa người dân sẽ phải rút về canh tác ở nơi chật hẹp hơn, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Đất đai ăn theo dịch vụ hạ tầng của đô thị mới cũng tăng giá theo, do đó việc chia năm xẻ bảy, nhà mọc lên san sát là điều khó tránh khỏi. Hơn cả là hình ảnh đình chùa, dù được lưu giữ nhưng nay lại lọt thỏm giữa những cao ốc không hiếm gặp, điều này ít nhiều cũng làm mất đi sự thiêng liêng, thanh tịnh.

Hồ Tây là nơi chốn của sự thanh tịnh, yên tĩnh,... Nguồn ảnh: Internet

PV: Hình thành các khu đô thị mới là tất yếu của sự phát triển đô thị. Tiêu biểu phải kể đến khu vực phía Tây Hồ Tây, khi hàng loạt các dự án lớn được triển khai, đón đầu quy hoạch của thành phố. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự xuất hiện của các khu đô thị hiện đại trong bối cảnh phát triển hiện nay của Tây Hồ qua góc nhìn bản sắc bản địa?

TS. KTS Lê Phước Anh: Một trong những vấn đề lớn nhất mà các khu đô thị mới quanh Hồ Tây không hề có hoặc phản ánh rất ít, đó là sự kế thừa đặc điểm về tự nhiên, văn hóa, ký ức bản địa nói chung; trong khi chúng ta hoàn toàn có thể lưu giữ chúng để tạo nên một đô thị mới phát triển bền vững, hài hòa.

Trước đây Hồ Tây có 16 làng bao quanh, sinh sống bằng hình thức canh tác nông nghiệp là chủ yếu. Do đó, một trong những điều làm nên đặc trưng của mảnh đất này chính là những cánh đồng quất, đồng đào với hệ thống kênh rạch, thủy văn đa dạng phục vụ tưới tiêu. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những đoạn còn sót lại của con sông Thiên Trù chảy qua phía Tây Bắc Hồ Tây đã góp một phần không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt,văn hóa cũng như canh tác của người dân địa phương.

Khu đô thị Tây Hồ Tây cũng giống như khu đô thị Ciputra ngày xưa đều là những dự án lớn được quy hoạch xây dựng trên đất canh tác của dân bản địa. Tuy nhiên, tất cả các dấu vết về một hình thức canh tác bao đời nay đã bị xóa sạch. Mọi hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị lấp phủ hoàn toàn. Thay vào đó là những khối bê tông thô cứng, hồ nhân tạo với những đặc điểm hình thái chẳng liên quan. 

Hơn nữa, các đô thị mới ngày nay được quy hoạch theo cấu trúc mang tính hình học, trong khi văn hóa truyền thống phương Đông đề cao tính hữu cơ nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với mọi đặc trưng văn hóa, ký ức bản địa đều không còn đất để tồn tại trong các khu đô thị mới.

Như vậy có thể thấy rằng cảnh quan đã thiếu đi sự kế thừa đặc điểm, bản sắc của Tây Hồ, về mặt kiến trúc cũng vậy. Khu đô thị Ciputra và Ngoại giao đoàn theo kiến trúc tân cổ điển, Khu đô thị Tây Hồ Tây theo phong cách Hàn Quốc,... tất cả đều thiếu vắng yếu tố văn hóa bản địa. Vô hình chung những khu đô thị này giống như vật thể tách biệt, không có bất cứ điều gì liên quan hay có sự kết nối các yếu tố địa phương. Thành ra người ta có thể nghĩ rằng những thứ đó có thể dễ dàng có ở bất cứ đâu. Dễ dàng bê từ nơi này đặt qua nơi khác.

PV: Sự xuất hiện của các khu đô thị mới này có tác động, ảnh hưởng như thế nào đến mặt văn hóa xã hội, thưa ông?

TS. KTS Lê Phước Anh: Nếp sống của cư dân địa phương cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ khi các khu đô thị mới được hình thành. Hồ Tây xưa nay được biết đến là những khu đất của những ngôi làng truyền thống, của đình chùa, của thế giới tâm linh. 

Tuy nhiên, khi đô thị phát triển, cũng là lúc hình thành lối sống đô thị chứ không phải làng xã nữa. Điều này chúng ta cũng phải chấp nhận, nhưng cũng có một thực tế là những người dân khi xưa canh tác trên cánh đồng quất, đồng đào nay phải nhường chỗ cho khu đô thị, tức họ không còn đất trong đó. Đồng nghĩa câu hỏi về một công việc mới, kế mưu sinh mới được đặt ra. Bởi lẽ số tiền đền bù chỉ mang tính thời điểm, còn về lâu dài, bền vững thì chưa đáp ứng được.

Không chỉ vậy, việc tiếp cận mảnh đất vốn từng gắn bó bao đời cũng trở nên khó khăn bởi những hàng rào chắn barie, bốt gác bảo vệ,.... Đồng ý là sẽ có những vấn đề về an toàn nhưng cái an toàn không nhất thiết phải tạo ra bởi hàng rào, trạm gác. 

Theo tôi, như thế không phải là mô hình phát triển đô thị bền vững, chưa cần nói đến chuyện bản sắc. Vì phát triển bền vững có nhấn mạnh yếu tố công bằng xã hội, một thứ đặt ở đâu ngoài phục vụ anh thì phải có những đóng góp cho cộng đồng. Mặt khác, lối sống hòa đồng, giao lưu giữa các gia đình vốn là nét đẹp không thể tách rời của xã hội Việt Nam truyền thống, tuy nhiên nhìn vào thực tế hiện nay tại các đô thị cuộc sống cộng đồng ngày một thiếu vắng, khi bị ngắn cách bởi những bức tường thô cứng.

Hàng loạt các dự án khu đô thị mới xuất hiện

Tóm lại dù nó đặt ở khu vực Tây Hồ nhưng những khu đô thị mới lại giống như một “dị vật”. Không hề có sự kết nối gì với xung quanh từ mặt xã hội đến kiến trúc cảnh quan. Nó sẽ làm suy giảm bản sắc theo nghĩa đó, hoặc có thể hiểu như bị biến chất, từ nơi dành cho tất cả mọi người, bây giờ chỉ dành cho người giàu.

PV: Theo ông, chúng ta có thể cân bằng, hài hòa được yếu tố bản sắc bản địa với sự hiện đại, ồn ào của khu đô thị mới hay không? Nếu có thì sẽ phải thực hiện như thế nào?

TS. KTS Lê Phước Anh: Dù thay đổi nhiều về cảnh quan, kiến trúc, nhưng bản sắc là thứ luôn luôn tồn tại, vấn đề ở chỗ bản sắc đó có giống như chúng ta mong muốn hay không. Chúng ta có muốn làm, muốn giữ lại nó hay không, và muốn nó phát triển theo hướng nào?

Việc phát triển là tất yếu, chúng ta không phản đối việc xây dựng khu đô thị, chung cư, cao ốc. Nhưng mô hình nào? Ở đâu? Và hình thức như thế nào mới là điều quan trọng?

Khi xây dựng những cái mới, hiện đại không có nghĩa chúng ta phải xóa hết tất cả những cái cũ đi, tùy vào trường hợp cụ thể vẫn có thể lưu giữ lại tinh thần của địa điểm qua nhiều cách thức khác nhau, và đó có thể là những yếu tố làm giàu thêm, thú vị hơn cho các khu đô thị mới.

Tôi tin rằng, nếu thực sự muốn thì việc cân bằng, hài hòa văn hóa bản địa với tính hiện đại, mới mẻ là điều không khó. Giữ lại những đặc trưng của vùng đất đó, biến nó thành yếu tố tạo cảnh quan trong mô hình mới, không nhất thiết mới là xóa bỏ cái cũ.

Nếu thực sự muốn thì việc cân bằng, hài hòa văn hóa bản địa với tính hiện đại, mới mẻ là điều không khó. Giữ lại những đặc trưng của vùng đất đó, biến nó thành yếu tố tạo cảnh quan trong mô hình mới, không nhất thiết mới là xóa bỏ cái cũ.

Cụ thể như đối với Tây Hồ, hệ thống kênh mương hoàn toàn có thể giữ lại phần nào và phát triển nó như một ý tưởng cảnh quan chủ đạo, thay vì đào hồ nhân tạo với hình dáng, vị trí chẳng liên quan. Có thể để những làng xóm, đình chùa xung quanh tham gia vào tổng thể quy hoạch, như vậy sẽ làm thú vị hơn cho khu đô thị. Thậm chí một số đất canh tác có thể giữ lại, để vừa canh tác vừa làm yếu tố tạo cảnh, hình thành mô hình nông nghiệp đô thị. Đây cũng là một trong những xu thế hướng đến phát triển đô thị bền vững hiện nay tại các nước phát triển trên thế giới.

Chưa kể một yếu tố quan trọng trong bản sắc đô thị Việt Nam nói chung là nông thôn và thành thị không bao giờ tách rời nhau, nên việc đan xen hai yếu tố đó sẽ rất thú vị nếu như những nhà quy hoạch, nhà thiết kế biết tận dụng, kết nối. Có như vậy, những công trình mới, dù hiện đại nhưng vẫn có thể phản ánh được bản sắc, tinh thần của địa điểm, của vùng đất đó. Và đó mới là giá trị thực sự mà chúng ta mong muốn.

Vậy nên, để làm được điều đó, cần phải có sự sàng lọc, phân tích trên cơ sở tôn trọng, cái gì giữ cái gì không, cái giá của từng thứ, khi giữ thì được gì, mất gì? Đồng ý rằng chúng ta không thể nào giữ hết được, nhưng cần có sự quan tâm đến bối cảnh hơn, còn cái cách mà người ta làm bây giờ nhiều khi không phải là không biết, không muốn mà là do chỉ nghĩ đến đến lợi nhuận trước mắt.

Đặc biệt, một trong những điều quan trọng là cần phải có tiếng nói, sự tham gia của cộng đồng trong việc hình thành các khu đô thị mới, thay vì nó biến nó thành của riêng, tách biệt hoàn toàn với xung quanh.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top