Aa

Bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại “ông lớn” bất động sản Hà Nội Hapro

Thứ Hai, 11/12/2017 - 08:01

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với hình thức kết hợp vừa bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro) là 2.200 tỷ đồng với 220 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.074.000 cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75.926.000 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Hapro là 12.800 đồng/1 cổ phần.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước khi không bán hết cổ phần theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

dự án

Dự án "đất vàng" số 5 Lê Duẩn chưa hẹn ngày "hồi sinh". Ảnh: Trần Kháng.

Hapro thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người, tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người; tổng số lao động dôi dư là 80 người (trong đó có 79 người lao động dôi dư sắp xếp theo Nghị định 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2017 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và 1 viên chức tinh giảm theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế).

Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Trong năm 2016, Hapro đã thoái vốn Nhà nước ở nhiều công ty con và công ty liên kết.  Tuy nhiên, phần lớn các công ty con mà Hapro nắm 100% vốn là những đơn vị nắm quỹ đất và mặt bằng thương mại lớn tại Hà Nội đến nay vẫn chưa hoàn thành cổ phần hóa.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đang quản lý tới 42 khu đất (phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm) tại Hà Nội. Trong đợt thoái vốn ở Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi của Hapro, đã có 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hết 3,1 triệu cổ phần, và cổ đông chiến lược đăng ký mua toàn bộ 20% cổ phần là Nguyễn Kim.

Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên hiện đang quản lý 11 cơ sở nhà đất đang thuê làm thương mại văn phòng làm việc quanh khu vực Gia Lâm, Long Biên: từ 300m2 đến 2000m2 với tổng quỹ đất khoảng 10.000m2. Hiện Hapro đang nắm cổ phần chi phối và có kế hoạch thoái phần vốn nhà nước xuống còn 30% vào năm nay.

Một công ty con khác Hapro Holdings thành lập năm 2007, chuyên đầu tư vào các khu mặt bằng thương mại, dự án bất động sản ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Một số dự án điển hình như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…

Ngoài số bất động sản tại các công ty liên kết, Hapro còn sở hữu khu đất vàng tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội) với hiện trạng là công trình dở dang. Dự án này được Hapro khởi công từ 2010, xây dựng trên khu đất 1.624m2, diện tích xây dựng công trình là 891 m2, mật độ xây dựng 55%, chiều cao công trình là 33 m (bao gồm 09 tầng cao, 03 tầng hầm, 01 tầng tum… làm TTTM và văn phòng cho thuê.

Đặc biệt, đã có thông tin dự án này có sự hợp tác của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, gần đây báo chí đã phản ánh công trình bỗng dưng “đắp chiếu” nhiều tháng qua. Và lãnh đạo Hapro cũng đã lên tiếng cho biết đúng là công trình chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân chính là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc xin điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao nhưng không được chấp thuận, nếu xây có khả năng sẽ lỗ.

Hapro còn có dự án Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh. Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê. Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top