Aa

Bao

Thứ Hai, 27/08/2018 - 06:00

Cái từ "bao" nó thân thương xiết bao, nó xác tín một niềm tin để rồi từ đó không chỉ người trong nhà tin nhau (tất nhiên) mà lan ra xã hội, bao ngon, bao đẹp, bao rẻ... như một lời hứa bất thành văn mà cứ thế tin nhau, cứ thế diễn ra đúng như thế (tất nhiên không kể gu từng người, như có anh không ăn được sầu riêng mà được bao thơm thì đành chạy làng thôi)...

Xã hội ta nhiều khi nghĩ xấu về từ “bao”, như gái bao hay bao gái, trai bao hay bao trai, phong bao phong bì hàm nghĩa hối lộ vân vân... Nhưng cũng không nhớ nó xuất xứ từ đâu.

Hồi nhỏ sống ở xứ Bắc tôi chưa nghe từ này, hoặc chính xác, nó mang nghĩa khác, ví dụ như cái bao tải đựng gạo bằng đay, mọt bám đen bên ngoài, còn nếu đựng đường Cu Ba thì bằng vải có thể tận dụng may... quần đùi, thậm chí áo sơ mi, còn cái nghĩa như hiện tại thì chưa thấy.

Hồi học tiếng Anh, có cái từ hay chọc nhau: What your name? My name... Thủ Đức? Abao? Tức là... ai bao, là ai mời cuộc ấy? Cái thời bao cấp khó khăn, mời nhau ăn uống đa phần là về nhà, mổ con gà đánh chén, ăn bữa cơm, hoặc bữa bánh, bữa... khoai luộc, rất ít mời nhau ra quán nên cái sự bao nó ít.

Giờ từ “bao” nó phổ biến. Phổ biến nhất là, sáng mai mời cả xóm uống cà phê, tôi bao. Chiều nay mời ông bà đi nhậu, tôi bao. Họp lớp kỳ này, tôi bao hết. Thế là cứ yên tâm xỏ tay túi quần mà đi, chuyện thanh toán tiền đã có người lo. Cũng có khi vào quán ăn nhậu một hồi mới thảng thốt ngẩng lên: "Bỏ mẹ, hôm nay ai bao?".

Thời sinh viên, tôi học ở Huế, bao người yêu là chuyện... hàng ngày, mà là thường bao bằng... thẻ. Vào ăn chè, hoặc sang nữa là ly sinh tố, đến lúc tính tiền thì anh người yêu hùng dũng đứng lên, tiến về phía chủ quán, mắt nhìn thẳng, mồm kêu rất to: "Tính tiền!", nhưng tay rụt rè se sẽ chìa cái thẻ sinh viên: "Cô giữ giúp, mai cháu ra lấy".

Vườn này không chỉ

Vườn này không chỉ "bao ngon" mà còn "bao đẹp" nữa nhé...

“Bao” giờ có rất nhiều nghĩa, nhiều nghĩa rất dễ thương, đa phần là dễ thương. Chả dễ thương sao được khi đương không lại có người... bao. Hôm nọ đi ăn sáng, có cha con ông nọ đến từng bàn trình bày đưa con đi viện bị mất tiền. Giữa những con mắt nghi hoặc của nhiều người trong quán, một tiếng ồm ồm cất lên từ một bộ mặt râu ria trông rất thiếu... thân thiện: "Chủ quán, cho hai tô cho hai bố con ông này, tôi bao". Cái từ “tôi bao” trôi oạch xuống, tôi thấy bộ mặt hầm hố của anh trai dễ thương hẳn. Tưởng như thế là đã quá hiểu quá biết quá thông tỏ từ bao rồi. Té ra đến khi vào Sài Gòn, tôi gặp một từ bao nữa, rất thích. Như con gái thi thoảng gọi: "Quán này ăn bao ngon luôn ba ơi, hôm nào con đưa ba đi". “Bao ngon”, một sự ý nhị, tự tin, một xác tín niềm tin, như chơi mà lại hết sức cụ thể, minh triết.

Hôm khác lại, "Con tặng ba cái nịt, bao tốt luôn". Hôm nữa: "Cái áo này bao đẹp, lọ nước hoa này bao thơm", vân vân... Vào các vườn trái cây miền Tây, cũng có những cái bảng: "Bao no", "Bao ngon", "Bao rẻ"...

Cái từ "bao" nó thân thương xiết bao, nó xác tín một niềm tin để rồi từ đó không chỉ người trong nhà tin nhau (tất nhiên) mà lan ra xã hội, bao ngon, bao đẹp, bao rẻ... như một lời hứa bất thành văn mà cứ thế tin nhau, cứ thế diễn ra đúng như thế (tất nhiên không kể gu từng người, như có anh không ăn được sầu riêng mà được bao thơm thì đành chạy làng thôi)...

Nhớ có lần, cũng ở Sài Gòn, tôi được mời nhậu... bao xe. Là em nhà thơ Trần Mai Hường rủ tôi với mấy bà chị nhà thơ nữa như Nguyễn Bính Hồng Cầu, Hoàng Phương Nhâm... đi ăn thịt dê ở tận... xa lắc. Mỗi người mỗi hướng, tụ được nhau là cả một vấn đề, huống gì chỗ Hường hẹn lại tận Gò Vấp. Nhưng mọi chuyện đều có cách giải quyết hết nếu mình quyết tâm... bao. Trần Mai Hường gọi điện mời và nói; "Em... bao xe". Đúng giờ tôi từ tầng 11 chung cư Tân Hương tụt xuống đã thấy ông xe ôm chờ sẵn, đưa cái mũ bảo hiểm, loại bao... không thơm, mời anh lên xe, thế là vèo vèo ngõ ngách, đưa đến quán đúng giờ. Khi về cũng vậy, một cú điện thoại, anh trai bao xe ôm lại xuất hiện, lại vèo mấy vòng đưa về lại nhà... Thì ra Trần Mai Hường là khách quen của anh xe ôm này, có việc gì đi đâu là kêu anh ta chở. Thay vì chở Hường thì chở khách của Hường, hết sức tiện. Hồi ấy chưa  có Grap. Giờ mời nhau đi đâu cũng hay bao một cú Grap hoặc Uber cà thẻ, thậm chí bao vé máy bay đi chơi, bao trọn chuyến đi du lịch...

Bao, nhiều nhẽ như thế, dễ thương như thế, chứ đâu chỉ gái bao, trai bao và... cao su bao...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top