Aa

Bảo hiểm xã hội mới từ 2018: Doanh nghiệp “đau đầu”, người lao động có được lợi?

Thứ Hai, 23/10/2017 - 21:00

Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2018 sẽ căn cứ vào lương và các khoản phụ cấp cố định của người lao động.

Mặc dù không phải đóng trên toàn bộ thu nhập song điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại vì chi phí tăng cao. Còn đối với người lao đông, với mức đóng tăng như vậy họ có được lợi?

3528_sobaohiem_rgrv

Không đóng trên toàn bộ thu nhập, doanh nghiệp vẫn nặng gánh

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi, từ ngày 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Với cách tính mới này, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại sẽ gánh thêm khoản chi phí khá lớn.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã từng đề nghị cơ quan chức năng xem xét giãn lộ trình đóng BHXH theo cách tính mới để doanh nghiệp chủ động trong tính toán chi phí hợp lý.

Theo ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nếu đóng BHXH cho người lao động trên mức thu nhập cộng với phụ cấp, chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên rất lớn, chính sách đóng BHXH theo luật mới ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp.

Có văn bản trả lời về vấn đề này, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Tương tự với khoản bổ sung khác không xác định được ngay với mức lương và phụ thuộc vào kết quả lao động cũng không được tính vào để đóng BHXH. Thông tư 59 đã liệt kê cụ thể ra 14 khoản thu nhập không được tính vào đóng BHXH.Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH không phải là toàn bộ thu nhập của người lao động như ý kiến gần đây của một số doanh nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm cho biết, dù có tới 14 khoản giảm trừ thì doanh nghiệp cũng sẽ phải gánh thêm khoản chi phí khá lớn với cách tính mới này. “Bởi hiện nay doanh nghiệp đang đóng BHXH trên mức lương tối thiểu, song thu nhập thực tế của người lao động lớn hơn rất nhiều, thậm chí gấp 2 - 3 lần”, ông Trịnh nói.

Vẫn theo Tổng giám đốc May Hồ Gươm, hiện nay công ty có khoảng 2.000 lao động. Mỗi tháng, doanh nghiệp trả khoản

g 1 triệu phí BHXH cho mỗi lao động. Dự kiến sắp tới sau khi áp dụng cách tính mới này, tổng số tiền tăng thêm là con số rất lớn.

Trong khi đó, theo ông Trịnh thì mức đóng BHXH của Việt Nam hiện tại đã quá cao. Điều này làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế. “Muốn thúc đẩy được việc sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho dân, tôi cho rằng Nhà nước cần cân nhắc có chính sách riêng đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy họ tạo công ăn việc làm cho người dân.

Còn nếu lương và bảo hiểm cứ tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ cố gắng bằng mọi cách hạn chế sử dụng nhiều lao động. Mặt trái sẽ tạo ra thất nghiệp”, ông Trịnh nói.

 

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, mặc dù đã cắt giảm 14 khoản thu nhập phải đóng BHXH nhưng đối với các nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như thủy sản, dệt may, da giày… chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động nhiều bởi họ chịu tác động kép vừa tăng lương tối thiểu vừa tăng mức đóng BHXH.

“Mức tác động cụ thể mà doanh nghiệp phải chịu như thế nào, thì ít nhất phải chờ tới tháng 6/2018, sau khi cân đối chế độ chính sách, quy mô sản xuất… mới có thể đánh giá chính xác được. Song trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng khó phát triển thành quy mô lớn do chí phí về lao động tăng cao”, bà Minh nói.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội da – giày – túi xách Việt Nam cho biết, hiện nay phí gia công chiếm 30% giá thành sản phẩm. Trong phí gia công thì chi phí lao động chiếm tới 60 - 70%.

Do vậy, với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và tăng mức đóng BHXH (mặc dù đã có 14 khoản giảm trừ) đều có tác động rất lớn tới doanh nghiệp. “Tất cả các chi phí này sẽ được tính vào giá thành sản xuất, doanh nghiệp buộc phải đẩy vào giá thành sản phẩm. Nếu giá thành quá cao sẽ khiến doanh nghiệp không cạnh tranh được, khách hàng sẽ chuyển đơn hàng sang nước khác.

Nếu doanh nghiệp làm ăn khó khăn sẽ phải tính đến việc cắt giảm nhân sự cùng nhiều các khoản phúc lợi khác nghỉ mát, thưởng năng suất... Vậy người lao động cũng chẳng được lợi”, vị này cho hay. Ngoài ra, việc thay đổi cách tính BHXH còn liên quan nhiều tới thủ tục hành chính, hệ thống sổ sách, thang bảng lương cũng phải thay đổi theo.

Doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí cho việc tính toán lại các vấn đề này, đặc biệt ở những doanh nghiệp có tới cả chục nghìn lao động. Đáng lưu ý, theo TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, khi quy định nền đóng BHXH sẽ là tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung thay vì chỉ là tiền lương như hiện nay thì chi phí đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp cũng như người lao động sẽ tăng lên.

Doanh nghiệp có thể giảm cầu lao động khu vực chính thức.“Có thể thấy sẽ có nhiều người lao động bị tổn tương do bị chuyển từ khu vực chính thức theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (công việc bền vững, có hợp đồng dài hạn) sang khu vực phi chính thức (hợp đồng thời vụ…) để lách luật và như vậy các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của họ không còn.

Như vậy, người lao động không được bảo vệ”, ông Tùng nói.Theo con số Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục thống kê) mới công bố, lực lượng lao động phi chính thức (làm việc mùa vụ, tự do, ngắn hạn) tăng từ 16,8 triệu người năm 2014 lên 18 triệu người năm 2016 (chiếm 57% tổng số lao động).

Phần lớn lao động phi chính thức tập trung ở nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể. Tiền lương bình quân của những người này là 3,9 triệu đồng mỗi tháng, trong khi lao động có hợp đồng là 6,7 triệu đồng.

Điều đáng lưu ý, hầu hết lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội (chiếm 97%), đóng bảo hiểm tự nguyện đạt 1,9%.

14 khoản không bắt buộc đóng BHXH:

1. Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012

2.Tiền thưởng sáng kiến

3. Tiền ăn giữ ca

4. Tiền hỗ trợ xăng xe

5. Tiền hỗ trợ điện thoại

6. Tiền hỗ trợ đi lại

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ

8. Tiền hỗ trợ nhà ở

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ

10. Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết

11. Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động

13. Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khách ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top