Aa

Bảo tồn không gian lịch sử hay là bảo tồn cây xanh

Chủ Nhật, 30/07/2017 - 06:01

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ nhận định: Khái niệm bảo tồn cần được hiểu cho đúng. Bảo tồn không chỉ là bảo tồn công trình mà còn là không gian lịch sử nữa, và đó cũng là không gian thiên nhiên, cây xanh.

Bảo tồn không chỉ công trình mà cả không gian lịch sử

- PV: Ông nhận định thế nào về vấn đề quy hoạch đô thị trong việc bảo tồn hiện nay?

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trước đây người ta chỉ hiểu rằng bảo tồn là bảo tồn công trình, nhưng tôi thấy rằng nó còn là bảo tồn không gian lịch sử nữa. Bảo tồn công trình phải gắn với công năng lịch sử. Vì vậy, nếu muốn xây những công trình cao tầng thì cần phải có khoảng lùi nhất định và có cây xanh cách ly. Như vậy sẽ giữ được giá trị lịch sử của nó.

Tôi giả dụ, tất cả nhà cao tầng bao quanh Nhà thờ Đức Bà hiện nay được để ở Thủ Thiêm thì mình sẽ bảo tồn được bản sắc khu vực này. Tương tự, xưa kia không gian hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) rất đẹp. Với những công trình nhỏ xung quanh, nó là cái hồ, còn khi công trình lớn quá bao quanh thì hồ thành ao. Không gian có tỉ lệ nhất định giữa cái chính và cái phụ, và khi bảo tồn, người quản lý có ý thức, họ sẽ nhìn vào tỉ lệ không gian đó.

Ở Sài Gòn, không dễ tìm đâu ra một nơi có gần 300 cây cổ thụ như ở đường Tôn Đức Thắng.

Ở Sài Gòn, không dễ tìm đâu ra một nơi có gần 300 cây cổ thụ như ở đường Tôn Đức Thắng.

Việc xây những công trình cao tầng xung quanh Nhà thờ Đức Bà hiện đã lỡ rồi, nhưng chúng ta không nên tiếp tục xu hướng này. Điều này cho một bài học, khi bảo tồn công trình lịch sử thì phải lưu ý không gian. Việc làm nhà cao tầng sẽ thay đổi tỉ lệ và làm cho giá trị bản sắc của không gian lịch sử, không gian thiên nhiên bị giảm đi rất nhiều.

- PV: Sắp tới khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, ở đường Tôn Đức Thắng, Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn sẽ bị mất một khu và Đan viện Cát Minh sẽ mất nhà nguyện, cùng với 258 cây xanh sẽ bị đốn hạ, di dời. Có vẻ hiện nay, nhiều công trình, không gian lịch sử đang bị lấn dần bởi các công trình xây dựng đô thị?

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho rằng định hướng làm cầu Thủ Thiêm 2 chưa đúng lắm. Không cần làm cầu lớn và cao như hiện nay, cũng không cần chặt nhiều cây. Chúng ta làm cầu là cần kết nối chứ không cần một cây cầu thật rộng.

Hiện nay, cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn hỗn hợp), có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (quận 1) chạy dọc đường Tôn Đức Thắng vượt sông Sài Gòn và kết nối với đại lộ vòng cung trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Quan điểm của tôi, hiện thành phố đã dời Tân Cảng và xưởng Ba Son rồi, vì vậy độ thông thủy dưới cầu Thủ Thiêm 2 không cần nhiều lắm, nên không cần thiết làm cầu rất cao như cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Vì làm cầu quá rộng, cao và độ dốc kéo dài xuống như hiện nay dẫn tới khoảng lùi phải vào sâu và phải chặt cây xanh quá nhiều. Khoảng cách sông Sài Gòn lớn hơn sông Seine (Pháp) một chút, chúng ta nên lấy thiết kế quy mô tỷ lệ tương tự như cầu Paris bắc qua sông Seine, cầu này cao vừa và tàu du lịch vẫn chạy bên dưới được. Như vậy vừa không tốn nhiều kinh phí vừa có sự liên kết giữa hai bên trung tâm đô thị.

Theo quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 của Mỹ, Thủ Thiêm được nối với quận 1 thông qua kéo dài đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi cho rằng việc làm cầu theo trục Nguyễn Bỉnh Khiêm này là đã có ý không ảnh hưởng đến hàng cây xanh giá trị trên đường Tôn Đức Thắng.

Và theo quan điểm của Mỹ lúc đó, cây cầu này không cần quá rộng, chỉ cần kết nối với Thủ Thiêm thôi, chứ không làm một trục lộ giao thông lớn có thể gây tắc nghẽn ngay chân cầu. Nếu chúng ta giữ tinh thần quy hoạch giao thông trước đây của Mỹ cho Thủ Thiêm, thì có thể chọn xây cầu qua trục Tôn Đức Thắng 4 làn xe, nhỏ hơn hiện nay và tĩnh không không quá cao để ít phải chặt cây, và xây thêm cầu tại trục Hàm Nghi, cũng là đi trực tiếp từ lõi trung tâm Thủ Thiêm sang trung tâm hiện hữu, chiều dài tương tự cầu qua trục Tôn Đức Thắng, thì bài toán giao thông xử lý còn tốt hơn.

Không cần phải chặt nhiều cây xanh

- PV: Việc làm các công trình công cộng hiện nay phải chặt nhiều cây xanh là một phương án quá đáng tiếc cho một không gian cần bảo tồn…

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đúng vậy! Cái đó là do trách nhiệm của người làm quy hoạch. Thật ra mở đường làm cầu Thủ Thiêm 2 hay ở Hà Nội không cần chặt cây nhiều như vậy, mà do khi đưa thiết kế duyệt, người ta không đưa ra vấn đề chặt cây, duyệt xong hết rồi, chuẩn bị làm thì mới lộ ra là phải chặt cây.

Cái này cũng cho mình một bài học: những dự án mở đường, làm cầu mà cần chặt cây, nhà tư vấn phải thông báo ngay từ giai đoạn đầu. Còn không thông báo, sau này đã phê duyệt rồi thì phải làm lại.

Tháng 3.2016, một số bạn trẻ Sài Gòn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu, nhà báo… đã thực hiện hoạt động dân sự “Cảm ơn cây – Thank you, Trees” để bày tỏ thái độ phản đối phương án chặt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1).

Tháng 3.2016, một số bạn trẻ Sài Gòn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu, nhà báo… đã thực hiện hoạt động dân sự “Cảm ơn cây – Thank you, Trees” để bày tỏ thái độ phản đối phương án chặt cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1).

Phải thấy rằng, khu đô thị lịch sử có giá trị về công trình lịch sử và công trình cây xanh. Nếu nói vì phát triển mà phải chặt cây, phải bỏ công trình di sản là ngụy biện. Vì khi phát triển, nếu giữ khu lịch sử đừng tăng mật độ thì sẽ không có nhu cầu phải kết nối, phải mở rộng hay chặt cây. Trong khi bây giờ nhìn từ trên máy bay xuống, TP.HCM và Hà Nội còn rất nhiều đất.

Chỉ có điều, muốn phát triển ở đó thì phải làm hạ tầng. Nhưng bài toán hạ tầng thật ra là năng lực của nhà quản lý. Hạ tầng trước sau gì cũng phải làm, phát triển là phát triển ở khu đô thị mới và phải làm hạ tầng đồng bộ. Ở khu đô thị cũ, khi cho phép xây mật độ lên, mình phải đào hạ tầng cũ lên làm lại thì không chỉ tốn kém hơn mà còn ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của thành phố. Điều đó vừa không tốt cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến ngân sách lại vừa phá hoại di sản. Đó là cách quản lý thiếu tầm nhìn, rất đáng tiếc.

- PV: Việc chặt cây xanh để làm cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 8 tới. Liệu thành phố có thể sửa lỗi này kịp không, theo ông?

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho rằng, nếu đưa tiêu chí không chặt cây xanh vào thiết kế – điều mà người ta đã không làm từ đầu – thì mình còn nhiều giải pháp khác để chọn lựa, mà không phải chặt nhiều cây, trong đó xem lại thiết kế từ cầu, tuyến đường, cho đến trạm metro. Ở Sài Gòn không dễ tìm đâu ra một nơi có gần 300 cây cổ thụ như vậy, thành ra đó là nơi nên giữ.

Theo tôi, bây giờ có làm dự án gì đi nữa thì khi nghiên cứu dự án, cần xem cây xanh, công trình lịch sử là một thực thể phải bảo vệ. Đưa ra đề bài như vậy, đơn vị nào có năng lực thì cho làm, không có năng lực thì thôi. Trong thiết kế, bảo tồn cây xanh, bảo tồn di sản mà vẫn hài hòa, vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển là không khó. Ở nước ngoài có thể đưa ra hàng ngàn ví dụ như vậy và người ta làm rất tốt. Vấn đề là ý thức làm dự án như thế nào. Tôi cũng mong mỏi thành phố trưng cầu ý kiến của các kiến trúc sư, thậm chí là tổ chức cuộc thi thiết kế những cây cầu băng qua khu vực Thủ Thiêm 2, để chọn ra phương án giữ lại hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top