Aa

Bảo vật chùa Dâu

Chủ Nhật, 19/08/2018 - 06:00

Ngày bé, tôi đọc truyện Tây Du Ký rồi sau này xem phim, hay thấy ở chùa nào cũng có bảo vật, một món đồ mà sư tăng nào cũng khát thèm. Chùa có linh thiêng hay không là hình như do có món bảo vật nào đó.

Chùa Dâu: Diên Ứng Tự, là một ngôi chùa cổ ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Theo nhiều tài liệu thì đây là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nó gắn liền với đô thành Luy Lâu và dòng sông Dâu xưa. Đô thành Luy Lâu đã từng là lỵ sở của nước Việt thời Bắc thuộc. Hai Bà Trưng khi khởi nghĩa, dân chúng cả miền phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh đã hưởng ứng theo về hạ thành, bắt thái thú Tô Định, lập nên “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...”

Nay vật đổi sao dời. Sông Dâu xưa cạn dòng nên bãi nên làng. Thành Luy Lâu chỉ còn là gò đống ngổn ngang. Thế nhưng Diên Ứng Tự thì vẫn còn. Tuy ngọn tháp chín tầng lừng lẫy trong truyền thuyết xưa, nay chỉ còn ba tầng, nhưng vẫn đẹp đẽ uy phong. Câu ca, “Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu, mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng” vẫn được dân Kinh Bắc truyền tụng như là một chỉ dấu cho việc kết thúc mùa lễ hội hàng năm của vùng này.

Ngày bé, tôi đọc truyện Tây Du Ký rồi sau này xem phim, hay thấy ở chùa nào cũng có bảo vật, một món đồ mà sư tăng nào cũng khát thèm. Chùa có linh thiêng hay không là hình như do có món bảo vật nào đó. Quê tôi thì làng nào cũng có một ngôi chùa, thế nhưng chả thấy mấy nơi khoe có bảo vật. Hay là do tôi không biết? Lớn lên một chút, có dịp tiếp xúc với giáo sư sử học Trần Quốc Vượng khi ông về điền dã vùng này tôi mới hiểu về các bảo vật trong các ngôi chùa cổ quê tôi.

Tiện đây xin kể, thời những năm 80-90 thế kỷ trước, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã về vùng tôi nghiên cứu khảo cổ rất nhiều lần. Có lần ông ở cả tháng trời. Ông còn tranh thủ thời gian đến nói chuyện ở các trường học, cơ quan xí nghiệp nên tôi có dịp được tiếp xúc. Ông là một người am hiểu sâu sắc và mê đắm văn hóa Kinh Bắc. Nhờ ông tôi mới ngộ ra được nhiều điều...

Tượng bà Pháp Vân thờ tại chùa Dâu.

Tượng bà Pháp Vân thờ tại chùa Dâu.

Ông bảo chùa Dâu là ngôi chùa đầu tiên của nước ta là đúng rồi. Ngày xưa khi Luy Lâu là lỵ sở của Giao Châu – Đóng vai trò gần như thủ đô của nước ta khi ấy. Có thành quách, trên bến dưới thuyền. Thương nhân từ Ấn Độ đi thuyền sang buôn bán, đem theo cả các nhà sư. Và chính các nhà sư này đã truyền Phật giáo vào nước ta, trước cả Trung Quốc. Rồi ông hỏi, các cậu có biết chùa Dâu có những bảo vật nào không? Người thì nói là tượng Pháp Vân với tiên đồng ngọc nữ hầu hai bên. Người thì nói là tháp Hòa Phong và con cừu đá. Lại có người nói đó là bộ ván khắc in kinh phật cổ nhất Việt Nam...

Ngài giáo sư thông tuệ cười vang sảng khoái. Ông nói, về cơ bản các cậu gần đúng! Thế nhưng bảo vật quý giá nhất, có ý nghĩa sâu sắc đúng với từ bảo vật, chính là hòn đá có tên “Phật Thạch Quang”, đựng trong cái khán nhỏ, để trước tượng bà Pháp Vân trong thượng điện kia! Còn “Phật Thạch Quang” thực sự là cái gì thì hôm nào có thời gian đi theo tôi ra chùa, tôi sẽ giải thích cho cụ thể.

Sau buổi nói chuyện với cán bộ đoàn thanh niên hôm ấy, tôi mon men theo ngài giáo sư đi cùng vào thượng điện chùa Dâu chiêm ngưỡng và nghe ngài lý giải về cái bảo vật bí hiểm đó.

Ông cho tôi biết, có một ngôi chùa khác ở Nội Hoàng, Yên Dũng bên kia sông Đuống cũng mang tên chùa Dâu và cũng có một “linh thạch” tương tự như ở chùa Dâu bên này sông. Cột đá trên núi Hàm Long của chùa Dạm cũng tương tự... Tất cả đó là sự hòa trộn tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, Phật giáo với tín ngưỡng bản địa: tục thờ “linh thạch”. Linh thạch ở đây chính là cái Linga thần thánh. Tôi bàng hoàng với kiến giải của ngài giáo sư. Làm sao mà một nơi linh thiêng tưởng như không có mùi trần như quan niệm của tôi lúc đó về chùa chiền, lại có thể thờ một vật trần tục như vậy?

Tôi còn nhớ, khi đó ngài giáo sư đã nheo mắt tinh quái hỏi tôi: “Thế cậu đã từng thấy, đọc hay nghe nói về một loại máy móc thần kỳ nào đó có thể sản xuất ra con người không? Không chứ gì? Vậy thì có cái gì thần thánh vi diệu hơn cái vật, từ đó sản sinh ra con người, bảo toàn nòi giống truyền đến mãi mãi về sau? Thế thì Linga cùng với Yoni không là bảo vật quý giá nhất thì còn là gì?”

Tôi thốt nhiên ngộ.

Thảo nào dân tổng Dâu vẫn truyền rằng, chiều mùng 7 tháng tư âm lịch hàng năm, là chiều hôm trước chính hội chùa Dâu,(mùng 8 tháng 4), thường có lệ rước bà Pháp Vân về làm lễ tại quê mẹ là bà Man Nương bên chùa Tổ cách đó khoảng cây số. Rồi lại rước quay trở về chùa Dâu để vào hội. Khi tượng bà Pháp Vân đặt lên kiệu trước cửa chùa, hễ mà không đặt cái khán nhỏ trong có “Phật Thạch Quang” lên thì kiệu sẽ không chuyển mà chỉ quay tít ở sân chùa. Đã có một năm như vậy. Các cụ cao niên thấy kiệu cứ quay tít mãi mà không đi, bèn cho kiểm tra lại và vội mang linh vật đặt lên thì kiệu bà mới chuyển đi. Và hội sẽ tưng bừng. Mưa sẽ thuận. Gió sẽ hòa. Mọi vật tốt tươi.

Thì ra bảo vật là vậy. Là âm dương giao hòa. Là trời đất hòa hợp. Là nam nữ có đôi. Là Linga phải luôn đi cùng với Yoni. Có thế muôn loài mới sinh sôi nảy nở, mùa màng mới tốt tươi. Cuộc sống con người mới ấm no hạnh phúc.

Mà hạnh phúc, chẳng phải là ước vọng vĩnh viễn của con người đó sao?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top