Aa

Bắt bệnh cho "người khổng lồ" Sông Đà

Thứ Sáu, 22/03/2019 - 14:02

Ngày ông Hồ Văn Dũng lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sông Đà, ít có nhân viên nào ngờ, Sông Đà lại lâm vào tình trạng như hiện nay.

Sóng gió Sông Đà

Trước khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất của Tổng Công ty Sông Đà (mã SJG) hồi tháng 4/2018, ông Dũng cũng đã làm việc tại nhiều công ty con và cũng đã nắm chức Tổng giám đốc phụ trách điều hành mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng từ nhiều năm.

Từ những năm 1983 đến năm 1991, ông Dũng là người phụ trách kỹ thuật, đội trưởng, trưởng phòng tại Công ty Xây lắp vận tải 500 xe thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà. Về sau ông cũng lên làm Giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Sê San 4, rồi dần từ trưởng phòng lên Phó giám đốc và giữ chức vụ cao nhất tại Công ty Sông Đà 9, Công ty Cổ phần 909.

Như vậy, dù không phải có xuất phát điểm cao, chỉ là kỹ sư xây dựng nhưng ông Dũng đã có thâm niên trong ngành với hơn 20 năm gắn bó sâu sắc. Ngày ông Dũng lên chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, các cán bộ nhân viên đều tin tưởng vào tương lai của Tổng công ty vì có lẽ không ai hiểu Sông Đà bằng vị lãnh đạo mới của họ và cũng mấy ai tâm huyết với công ty như ông.

Thế nhưng những năm qua, người khổng lồ của ngành xây dựng – thủy điện, một doanh nghiệp Nhà nước vào nhóm đầu, giờ đang lụi bại. Người xưa vẫn thường nói, con khỏe con vui là do mẹ chăm tốt; con bệnh dù bẩm sinh nhưng có mẹ khéo, bệnh ắt lùi. Với trường hợp của Tổng công ty Sông Đà, căn bệnh trầm kha chẳng biết đã âm ỉ từ bao giờ mà lại phát tác mạnh dưới thời Chủ tịch Dũng.

Chẳng phải, thành lập năm 1961 với vai trò là bên thi công thủy điện Thác Bà - nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam; đến lúc cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Đà đã trở thành nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng thủy điện nội địa, chiếm 85% thị phần.

Quy mô tài sản lên 30.000 tỷ đồng, nguồn vốn 7.500 tỷ đồng, vốn điều lệ 4.495 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Sông Đà lớn hơn một loạt các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Việt Nam như Vinaconex (4.417 tỷ đồng), FLC Faros (4.300 tỷ đồng), Hòa Bình (954 tỷ đồng), Coteccons (770 tỷ đồng)…

Tại buổi gặp mặt đầu Xuân nhân dịp ngày đi làm đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi 2019, trước toàn thể cán bộ nhân viên tổng công ty, Chủ tịch Dũng vẫn cho rằng năm 2018 các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch đề ra, đảm bảo đời sống cho nhân viên.

Lãnh đạo SJG cho rằng các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch đề ra năm 2018

Kế hoạch kinh doanh một năm là do lãnh đạo đặt ra thì việc có hoàn thành chỉ tiêu cũng không khó hiểu. Nhưng nhìn nhận một chuỗi thời gian dưới thời ông Dũng, Tổng công ty Sông Đà ắt chẳng mấy vui.

Nhiều năm qua, lợi nhuận của SJG cũng chỉ quanh mức 500 tỷ đồng dù đó là giai đoạn thị trường bất động sản xây dựng bước vào thời kỳ phục hồi và sôi động trở lại. Trong khi đó, so với năm 2015 thì năm 2018, doanh thu tổng công ty giảm đi một nửa, từ hơn 17.170 tỷ đồng xuống còn hơn 8.000 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn của SJG trong 3 - 4 năm qua không biến đổi, quanh mức 13.000 tỷ đồng. Đáng nói là con số này không chênh lệch nhiều so với tổng tài sản ngắn hạn lưu động của doanh nghiệp.

Việc hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay không chỉ khiến Tổng công ty chịu áp lực chi phí tài chính mà còn tiềm ẩn rủi ro tài chính, nhất là khi 90% tài sản ngắn hạn là phải thu ngắn hạn và tồn kho vốn không phải là những khoản mục có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt. Vốn chủ sở hữu bằng 1/3 tổng nợ hiện tại của SJG khi tổng nợ là hơn 21.400 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính luôn âm ở mức 1.000 tỷ đồng!

Về hiệu quả hoạt động, trong trường hợp hoàn thành kế hoạch 2018, hiệu suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng được giới phân tích cho rằng thấp, lần lượt đạt 1,12% và 4,58%. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần (ROS) là 3,62%.

Còn nhớ năm ngoái, khi lên sàn vào tháng 2/2018, cổ phiếu SJG cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, sự quan tâm đó nhanh chóng "tắt lịm" khi mà "ông tổng" lên sàn gần như chẳng ai mua, bán gì cổ phiếu. "Game" cũng nhàn nhạt khi mỗi sóng chỉ 10 - 15% và thanh khoản có vài trăm, vài nghìn cổ phiếu. Đến nay cổ phiếu chỉ còn vỏn vẹn 5.000 đồng/CP và tất nhiên gần như không có giao dịch.

Năng lực quản lý tài chính yếu kém hay gian dối?

Khi kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Sông Đà lẹt đẹt, nhiều người đã bán tín bán nghi về năng lực quản lý tài chính của Chủ tịch Dũng khi ông xuất thân là dân kỹ sư đơn thuần.

Đến khi Kiểm toán Nhà nước công bố lãnh đạo của Tổng Công ty Sông Đà – CTCP và 12 công ty con – liên kết đã để nhiều vấn đề về tài chính tồn tại khiến nhiều cán bộ nhân viên giật mình.

Tính đến 31/12/2017, Tổng công ty Sông Đà và các công ty có liên quan có dư nợ phải thu 10.786 tỷ đồng, trong đó số quá hạn 1.907 tỷ đồng. Công ty gặp phải khó khăn trong việc thu hồi nợ, do các công trình xây lắp thi công kéo dài nhiều năm, chậm quyết toán, chậm thanh toán.

Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 3.225 tỷ đồng chưa phù hợp với quy định. Trong khi, về quản lý hàng tồn kho, nhiều dự án nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại nhưng chưa được thanh quyết toán.

Ghi nhận phí ủy thác vào giá trị vốn góp của khoản đầu tư chưa phù hợp, phần lớn khoản đầu tư tài chính vào công ty con không hiệu quả, trích lập dự phòng đầu tư tài chính cũng chưa phù hợp…

Có lẽ do hoạt động của Tổng công ty có nhiều bất ổn mà Chủ tịch Dũng cũng không công bố cáo cáo tài chính năm 2017. Các báo cáo tài chính năm 2018 hoặc một số năm trước đó cũng khá sơ sài so với quy mô nhiều công ty con, nhiều dự án của Sông Đà. Mục đích là để giấu nhẹm thông tin chăng?

Chủ tịch Dũng có lẽ cũng khó nói về sự minh bạch thông tin cũng như việc mập mờ để việc sự dụng đất liên quan đến pháp luật. Sông Đà quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2. Trong đó có 44 khu đất được giao. Tuy nhiên, thường xuyên có chuyện dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý như 2.193m2 tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; khu đất diện tích 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội,…

Đặc biệt, Khu đô thị Hồ Xương Rồng có diện tích 45ha tại thành phố Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Sông Đà 2 thuộc Tổng Công ty Sông Đà được UBND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn là Chủ đầu tư năm 2009 gây bất bình trong dư luận.

Từ lâu, biệt thự liền kề Hồ Xương Rồng đã được giao bán trên mạng với giá gốc chủ đầu tư 8,5 triệu/m2, thanh toán linh hoạt theo tiến độ. Chẳng hiểu chủ tịch Dũng “mắt nhắm mắt mở thế nào” để người dân tố câu kết với Cty Đô thị mới Hà Nội (ĐTM Hà Nội) bán nhà khi chưa giải phóng mặt bằng, đất đã bị chuyển nhượng cho người khác.

TAND tỉnh Thái Nguyên đã từng đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Người dân đa phần căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Cty Sông Đà 2 và Cty ĐTM Hà Nội (có lộ trình góp vốn và thời hạn bàn giao đất cụ thể) và biên bản bàn giao đất ngày 24/5/2013, từ đó yên tâm thực hiện giao dịch với chủ đầu tư cấp II.

Đến nay, tương lai dự án chưa rõ về đâu nhưng trách nhiệm chắc chắn thuộc về lãnh đạo SJG. Vậy là, những bê bối tại SJG thời gian qua chắc không nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo cao nhất tổng công ty là ông Hồ Văn Dũng?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top