Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản nghỉ dưỡng: Mở lối đi riêng

Chủ Nhật, 10/05/2020 - 10:30

Bất động sản nghỉ dưỡng: Mở lối đi riêng; Covid-19 "càn quét" thị trường bất động sản ra sao?; Kích hoạt nguồn lực tư nhân nhìn từ việc đầu tư Cao tốc Bắc - Nam... là thông tin đáng quan tâm 24h qua.

Bất động sản nghỉ dưỡng: Mở lối đi riêng

Hậu COVID-19, nhiều chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị bài bản và hướng đi mới để đón sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng.

Cho đến nay, Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.

Theo đó, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn còn khách quốc tế sẽ có một sự phục hồi chậm nhưng ổn định. Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.

Trong thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tiếp theo là khách du lịch tự do (FIT) và khách MICE, sau cùng là khách du lịch theo nhóm. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, dự kiến đạt 33 triệu vào năm 2020. Do đó nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng và nhà ở sẽ tăng cao.

Xem chi tiết tại đây

Covid-19 "càn quét" thị trường bất động sản ra sao?

Tác động của dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng khó chồng khó. Số lượng doanh nghiệp địa ốc đứng trên bờ vực phá sản gia tăng, thậm chí phải dừng cuộc chơi trên thương trường.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 12%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 94% và doanh nghiệp giải thể tăng 69%.

Theo Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, quý I/2020, thị trường bất động sản ghi nhận tỷ lệ hấp thụ sụt giảm mạnh mẽ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trước đó cho hay, gần như không có khách đặt phòng mới tại các khách sạn đến đầu tháng 6. Công suất khách sạn của thành phố hiện nay chỉ còn khoảng 10 - 20%. Nhiều doanh nghiệp hiện phải đứng giữa hai lựa chọn: Dừng hoạt động hay cầm cự qua mùa dịch.

Trong khi đó, các sản phẩm như condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng... cũng rơi vào tình trạng "bất động" vì dịch. Như báo cáo quý I/2020 của DKRA đưa ra, loại hình condotel ghi nhận 1 dự án mới được mở bán vào thời điểm trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020), cung ứng ra thị trường 82 căn condotel, bằng 3,9% so với quý trước và bằng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 30% (25 căn), bằng 3,7% so với quý trước, thậm chí chỉ bằng 2% so với quý I/2019.

Xem chi tiết tại đây 

Kích hoạt nguồn lực tư nhân nhìn từ việc đầu tư Cao tốc Bắc - Nam

Trong giai đoạn hiện nay, vốn ngân sách cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới xuất hiện từ đại dịch Covid-19 và hướng tới giảm nợ công thì đầu tư theo phương thức đối tác công - tư vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển đất nước. Thực tế vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư hợp lực và đã vượt qua sơ tuyển một số dự án cao tốc Bắc - Nam.

Việc chuyển toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công liệu có giải được triệt để bài toán khó là vốn và nhà đầu tư trong phát triển cơ sở hạ tầng, vẫn được xem là phép toán hóc búa nhiều năm?

Hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, đứt đoạn, kết cấu thiếu đồng bộ là bức tranh toàn cảnh đang đối nghịch với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của nước ta. Vì thế, việc cải thiện cơ sở hạ tầng được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là để cứu vãn sự sụt giảm tăng trưởng, cứu doanh nghiệp (DN) và người lao động trước suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 toàn ngành ước tính khoảng 1.015.000 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD, là nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình giao thông do Bộ GTVT, các tổng công ty Nhà nước quản lý và các công trình chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM). Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và có nguồn gốc ngân sách (vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA) theo dự kiến là khoảng 248 nghìn tỷ đồng, tương đương 28% nhu cầu.

Điều đó cho thấy, nhu cầu cấp thiết về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng yêu cầu phải có đột phá về cơ chế chính sách huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, có như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu quy hoạch đã đề ra.


Vừa qua, trong nhiều dự án BOT đường giao thông, các hợp đồng dự án đã ký có nội dung khá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền và lợi ích cũng như ràng buộc trách nhiệm của các bên, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây khó cho khâu giải quyết tranh chấp. Để khắc phục hiện trạng này, việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực PPP nói chung và từng loại hình của nó nói riêng cho nhân sự của tất cả các bên tham gia rất cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần thành lập một cơ quan chuyên trách hay Trung tâm PPP trong Luật này.

Xem chi tiết tại đây 

“Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng và các doanh nghiệp sáng ngày 9/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

 “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Lộc nói.

Đánh giá trong khó khăn, Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội lớn, chủ tịch VCCI nhấn mạnh để đón nhận cơ hội này, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. Thúc đẩy đầu tư công và các biện pháp để kích thích nền kinh tế.

“Khi tôi hỏi các lãnh đạo doanh nghệp lớn họ cần gì, câu trả lời là họ biết Nhà nước đang khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế”, ông Lộc nói và đề xuất cần tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà để rút ngắn thời gian thực hiện mới là cứu cánh cho các doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng đề cập đến khoảng tới 30 tỷ USD trong các kế hoạch đầu tư công nếu được đẩy nhanh sẽ tạo việc làm, thị trường và tạo sự cộng hưởng với đầu tư tư nhân, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư đối tác công ty.

“Nếu làm được điều này, không có lý gì chúng ta không đạt tốc độ tăng GDP trên 5% như quyết tâm của chính phủ”, ông Lộc nói.

Xem chi tiết tại đây

Đề xuất đầu tư 6.660 tỷ đồng xây 16 km đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Đề xuất dự án thành phần 2 của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc.

Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 16,57 km, gồm đoạn 2A và 2B. Trong đó, đoạn 2A (Km0 - Km5+000) dài khoảng 5 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, có điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, điểm cuối tuyến giao với Tỉnh lộ 25B. Đoạn 2B (Km 16+826 - Km28+383) dài khoảng 11,57 km (trong đó chiều dài tuyến thuộc địa phận TP.HCM khoảng 9,17 km và địa phận tỉnh Bình Dương khoảng 2,4 km) với điểm đầu tuyến giao với đường Lê Văn Việt, quận 9, TP.HCM và kết thúc tại điểm đấu nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Theo đó, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, có tác động lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế như: Hệ thống các trục đường cao tốc, đường vành đai đô thị… trong đó, có đường Vành đai 3 TP.HCM.

Trong số các dự án tại TP.HCM, đường Vành đai 3 đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giao thông khu vực vành đai thành phố với các tỉnh lân cận, qua đó giúp phân luồng từ xa, hạn chế phương tiện giao thông đi qua khu vực đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top