Aa

Bất động sản 24h: "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển và những siêu dự án "điên rồ"

Thứ Hai, 27/02/2017 - 06:01

BĐS Việt Nam giữ vững xu hướng tăng trưởng ổn định; BĐS TP. HCM: Mảng sáng - mảng tối đầu năm; "Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển và những siêu dự án "điên rồ"; Giá BĐS có nguy cơ giảm mạnh tại các nước phát triển; Quỹ đất tiềm năng giúp TP. HCM làm nhà giá rẻ;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Chúa đảo Đào Hồng Tuyển và những siêu dự án "điên rồ"

Đại gia Đào Hồng Tuyển là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tuần Châu. Ông Tuyển nổi tiếng bởi sự giàu có với vai trò "chúa đảo" Tuần Châu tại Quảng Ninh. Ông được xem là một trong những đại gia giàu nhất Việt Nam với khối tài sản đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, ít ai ngờ ông có được ngày hôm nay là nhờ những quyết định báo bạo, những siêu dự án từng bị cho là điên rồ.

Hiện nay, ngoài sở hữu đảo du lịch quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), ông Đào Hồng Tuyển sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân…

Xác nhận về tài sản của mình, "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển từng không ngần ngại nói rằng, tổng tài sản của ông lên tới 2 tỷ đô la Mỹ.

Tuy sau đó ông đã phủ nhận con số này, nhưng nhìn vào khối tài sản ông đang sở hữu hoặc đồng sở hữu, thì có lẽ con số đó không phải là không có thật.

Làm đường ra đảo Tuần Châu là việc làm động trời nhất, tạo nên thương hiệu chúa đảo cho ông Đào Hồng Tuyển. Dù sau này, không điên rồ nữa nhưng ông Tuyển vẫn ghi tên mình trong danh sách những người "mỗi lần tới đều mang theo ồn ào".

Tháng 1/2015, người ta lại một lần nữa nhắc đến sự "ngông" của ông khi ông Đào Hồng Tuyển đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long). Ý tưởng chủ đạo của phương án là đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa (2 nhỏ và 1 lớn) trên biển.

Và dường như cái ngông của vị chúa đảo này là không giới hạn khi ông từng trải lòng mình về mong muốn mua hòn đảo cho riêng mình rồi xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, tập hợp tất cả những người giàu có trên thế giới để ai cũng có một biệt thự trên hòn đảo này.

Chưa hết, đầu năm 2017 một lần nữa vị chúa đảo Tuần Châu lại khiến dư luận đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bày tỏ ý muốn làm siêu dự án Thành phố Mới New City tại huyện Củ Chi (TP. HCM) có diện tích khoảng 15.000 ha, rộng gấp 22 lần khu đô thị Thủ Thiêm hiện tại.

Xem chi tiết tại đây.

BĐS Việt Nam giữ vững xu hướng tăng trưởng ổn định

Các chuyên gia của Savills đánh giá, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã tạo nên kết quả ấn tượng trên tất cả các phân khúc BĐS.

Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2016 đã chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động trên thị trường BĐS Việt Nam, với sự quan tâm mạnh mẽ đến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

 

Các chuyên gia của Savills cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi, với sự tăng trưởng ổn định trên nhiều lĩnh vực khác nhau bất chấp những biến động lên xuống của nền kinh tế toàn cầu. 

Các công ty bất động sản hàng đầu, đặc biệt là các công ty nội địa, đang chuyển hướng tập trung phát triển các dự án BĐS giá rẻ và hạng trung để thu hút người mua, hướng đến lực lượng lao động trẻ, đối tượng chiếm phần lớn dân số Việt Nam. Xu hướng nhắm đến là các căn hộ nhỏ tại các địa điểm có giao thông thuận tiện, với đầy đủ  tiện nghi, giá cả cạnh tranh và các điều kiện thanh toán thuận lợi. 

“Diễn biến của thị trường sẽ giúp các phân khúc BĐS tại Việt Nam tiếp tục giữ vững xu hướng tăng trưởng ổn định vốn có” – chuyên gia của Savills nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

Giá BĐS có nguy cơ giảm mạnh tại các nước phát triển

Theo nhà kinh tế trưởng Catherine Mann của OECD, các nhóm chuyên gia hiện vẫn đang cố giám sát chặt chẽ các “lỗ hổng trong thị trường nhà đất” để đưa ra những dự đoán về tình trạng lạm phát cũng như triển vọng của các chính sách tiền tệ phân kỳ trong năm tới.

Cũng theo bà Mann, ở một số quốc gia như Thụy Điển và Canada, giá BĐS thương mại và nhà ở đều đang ở mức cao, hoàn toàn không phải là dấu hiệu của một thị trường BĐS ổn định.

Giá BĐS trước nguy cơ giảm mạnh tại các nước phát triển.

Giá BĐS trước nguy cơ giảm mạnh tại các nước phát triển.

Bên cạnh đó, báo cáo của OECD cũng lưu ý đến tình trạng BĐS giảm giá tại thị trường Anh. Bà Mann chia sẻ: "Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy một số thay đổi về giá BĐS tại Anh, đặc biệt là ở thị trường London."

Lời cảnh báo lập tức được đưa ra sau khi công ty Countrywide công bố khảo sát về số lượng nhà được bán ra có giá cao hơn so với giá chào bán tại Anh đã giảm đi đáng kể.

Xem chi tiết tại đây.

Tồn kho BĐS giảm còn hơn 29.500 tỷ đồng

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, tồn kho BĐS tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ.

So với tháng 12/2015, lượng tồn kho này giảm 21.316 tỷ đồng (41,89%); so với tháng 12/2016 giảm 1.450 tỷ đồng (4,67%); so với cùng thời điểm của tháng 1/2017 giảm 575 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, tính đến ngày 20/2, tổng số tồn kho trên địa bàn còn khoảng 5.538 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 1.208 tỷ đồng, giảm 17,91%; so với tháng 12/2016 giảm 52 tỷ đồng, giảm 0,93%; so với 20/1/2017 giảm 27 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng giá trị tồn kho tại TP. HCM đến ngày 20/2 còn khoảng 5.518 tỷ đồng, so với tháng 12/2016 giảm 283 tỷ đồng, giảm 4,88%; so với 20/1/2017 giảm 105 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

BĐS TP. HCM: Mảng sáng - mảng tối đầu năm

Kết thúc năm 2016, thị trường địa ốc TP. HCM đón nhận 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là điểm sáng đầu tiên cho thấy thị trường đã đi qua cơn biến động lớn.

Bước vào năm 2017, các doanh nghiệp địa ốc cũng bắt tay tìm hướng đi mới mang tính bền vững. Đơn cử, Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền, thay vì mở bán huy động vốn ngay khi dự án mới hình thành, đã chuyển hướng xây dựng hoàn thiện mới bán. Điều này sẽ giảm bớt  rủi ro cho thị trường ở nhiều góc độ.

Điểm sáng tiếp theo là công tác phát triển nhà ở xã hội năm 2016 cũng đã có sự chuyển biến tích cực khi đã hoàn thành 2 dự án tại phường Thảo Điền và phường Bình An (quận 2), hoàn thành Dự án Nhà lưu trú công nhân tại Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) và triển khai xây dựng 11 dự án nhà ở xã hội khác.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), những điểm sáng kể trên sẽ giúp thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp địa ốc vẫn đang gặp phải không ít khó khăn cần giải pháp khắc phục.

Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn của TP. HCM cho rằng, việc xin thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình trong dự án đã quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt là vô lý và tốn kém cho doanh nghiệp cần được bỏ.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, khi thị trường đang dần bó hẹp quỹ đất, thì doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, dẫn tới nhiều dự án bị dở dang.

Xem chi tiết tại đây.

Quỹ đất tiềm năng giúp TP. HCM làm nhà giá rẻ

Công trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi) do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý hay nông trường Láng Le do UBND huyện Bình Chánh quản lý đều là những địa chỉ phù hợp để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra còn có nông trường Tam Tân do UBND huyện Củ Chi quản lý có tổng diện tích khoảng 8.685 ha, chưa tính quỹ đất các nông trường ở huyện Cần Giờ và một số khu đất được quy hoạch đất dự trữ của thành phố đều có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để dành một phần quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Đất công của TP HCM là nguồn tài nguyên lớn cần được sử dụng hợp lý, hiệu quả để để phát triển các dự án nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ phục vụ người dân đô thị. Ảnh: Vũ Lê.

Đất công của TP. HCM là nguồn tài nguyên lớn cần được sử dụng hợp lý, hiệu quả để để phát triển các dự án nhà ở xã hội, căn hộ giá rẻ phục vụ người dân đô thị. Ảnh: Vũ Lê.

Hiện nay nhà xưởng thuộc quản lý Nhà nước đang sản xuất nhưng gây ô nhiễm, cần phải di dời vào khu công nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn TP. HCM không phải là nhỏ. Lãnh đạo thành phố cần rà soát lại quỹ đất này tại các cơ quan nhà nước thuộc diện sắp xếp lại theo Quyết định 09.

Ngoài ra còn có quỹ đất công của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chủ trương cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước hiện nay. Nếu các quỹ đất này được đấu giá, đấu thầu và có cơ chế thì có thể huy động được thêm một nguồn lực rất lớn để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của thành phố.

Luật Nhà ở và cả Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất kinh doanh để phát triển nhà ở xã hội theo nhiều phương thức tùy vào quy mô. Ví dụ: đối với dự án từ 10 ha trở lên thì phải xây dựng nhà ở xã hội tại dự án.

Đối với dự án dưới 10ha thì có thể lựa chọn phương thức xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoặc hoán đổi bằng quỹ đất, quỹ nhà ở xã hội ở vị trí khác, hoặc quy đổi giá trị bằng tiền nộp vào ngân sách địa phương để phát triển nhà ở xã hội.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top