Aa

Bất động sản 24h: Cuộc "đại di cư" của các đại gia địa ốc vào các tỉnh lân cận TP.HCM

Thứ Hai, 29/06/2020 - 10:30

Cuộc "đại di cư" của các đại gia địa ốc đầu tư vào các tỉnh lân cận Tp.HCM, đâu là nguyên nhân?; Bất động sản công nghiệp Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý cho nhà đầu tư nước ngoài... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Cuộc "đại di cư" của các đại gia địa ốc đầu tư vào các tỉnh lân cận TP.HCM, đâu là nguyên nhân?

Nếu như vài năm trước, hoạt động “đánh bắt xa bờ” của doanh nghiệp bất động sản chỉ thể hiện ở một vài đơn vị thì hiện nay dường như đây đang trở thành xu hướng của thị trường nhà đất khi hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ đều đầu từ vào các tỉnh lân cận TP.HCM.

Bên cạnh câu chuyện quỹ đất nội đô khan hiếm thì còn lý do nào khiến hoạt động này ngày càng thể hiện rõ nét trên thị trường.

Ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia bất động sản từng trả lời trên báo chí trước đó, nguyên nhân sâu xa khiến hoạt động "đánh bắt xa bờ" của doanh nghiệp diễn ra chóng mặt là bởi khoảng hơn 2 năm nay, pháp lý dự án tại TP.HCM diễn ra quá chậm, điều này đã đẩy chi phí đầu vào các dự án tăng vọt, nhưng lại không có sản phẩm để bán hoặc khó kiểm soát chi phí đầu ra. Theo đó, doanh nghiệp BĐS rơi vào thế "bí", tắc nghẽn dòng tiền, biên lợi nhuận không còn được như trước đây.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tung bài “bất động sản tích hợp” về thị trường tỉnh, chủ đầu tư có làm nên chuyện?

Bất động sản tích hợp được kỳ vọng trở thành làn gió mới trên thị trường bất động sản tỉnh lẻ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, quyết định theo đuổi mô hình này giữa thị trường mới, quỹ đất còn dồi dào là một bài toán kinh doanh đầy mạo hiểm.

Thị trường bất động sản tỉnh những năm trở lại đây là điểm nhắm của các nhà phát triển bất động sản nhờ quỹ đất rộng, dư địa tăng tưởng tốt.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường tỉnh lẻ còn đơn điệu. Đa phần các sản phẩm bất động sản tại thị trường tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên chủ yếu nghiêng về cơ cấu đất nền hoặc nhà liền thổ.

Một năm trở lại đây, nhiều nhà phát triển bất động sản đã mạnh dạn tung ra quân bài mới, đó là mô hình bất động sản tích hợp. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, mô hình này sẽ thổi luồng gió mới cho bức tranh thị trường tỉnh lẻ, khi đón đầu làn sóng phát triển hạ tầng và sự dịch chuyển cơ học của lượng chuyên gia nước ngoài, lao động lâu dài.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xây dựng đô thị không phải là bản vẽ trên giấy

Tại Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0” một trong những quan điểm được các chuyên gia thống nhất đưa ra là trong một đô thị, dù có thông minh đến mấy thì quan trọng nhất vẫn là hướng đến người sử dụng, nơi đó có phải là nơi chốn nhân văn hay không? Và muốn có một thành phố thông minh, thành phố nhân văn, đô thị vị nhân sinh thì rõ ràng phải bắt đầu từ những khu đô thị nhỏ, cần những tòa nhà được kiến tạo từ các nhà đầu tư nhân văn cho đến các nhà tư vấn thiết kế, kiến trúc vị nhân sinh và chúng ta cũng cần cả những con người, cư dân sống tại đó là những con người nhân văn.

Thực tế, nhiều dự án khu đô thị trong quá trình triển khai tồn tại một khoảng cách nhất định, không tìm được tiếng nói chung từ khi bắt đầu cho đến hết dự án, dẫn đến thiết kế phải làm đi làm lại rất nhiều lần, gây ra những diễn biến không như mong muốn cho cả 2 bên.

Hệ quả, tạo ra những sản phẩm không mang lại được sự hài lòng cho nhà đầu tư, còn phía tư vấn có tâm lý chán nản, khó đồng hành đến bước cuối cùng… Nhiều dự án làm xong dù được đầu tư các công nghệ rất cao, nhưng lại không được khách hàng ngó ngàng đến, trong khi có nhiều dự án dù chưa ra hàng nhưng đã nhanh chóng được khách hàng nóng lòng đặt.

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch, Giám đốc điều hành Encity (Singapore), cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang có những ảnh hưởng rất lớn tới ngành xây dựng thế giới cũng như tại Việt Nam.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý cho nhà đầu tư nước ngoài

Nguồn cầu trong thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam luôn ở mức cao kể từ cuối năm 2019 và đang trở nên sôi động trong thời điểm hiện tại với sự tham gia của các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế.

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với tỉ lệ lập đầy đạt 70 - 80%. Thị trường trong nước cũng chứng kiến nguồn cầu gia tăng do các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến thay thế. Nguồn cầu này tăng đặc biệt khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện và Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2020, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều lợi thế khi nền kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại, và sự xuất hiện liên tục của các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong khu kinh tế, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Cơ quan chức năng "hỏi thăm" nhiều "đầu nậu" đất ở huyện Bình Chánh

Tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, cơ quan Công an đã tiến hành mời nhiều "đầu nậu" đất lên làm việc. Trong đó đã mời được 32/38 "đầu nậu", còn một số đối tượng khác đã rời khỏi địa phương.

Thông tin từ huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết, địa phương này sẽ tập trung lực lượng chuyên ngành để đấu tranh, trấn áp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A. Qua đó, sẽ huy động lực lượng xử lý dứt điểm tất cả các trường hợp móng gạch, nhà quay tôn, phân lô, bán nền và xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.

Lực lượng chuyên ngành phải tập trung xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng. Sau đó, điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng "đầu nậu", đầu cơ đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, bảo kê, bao che và làm ngơ các hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai cũng phải xử lý nghiêm…

Ngoài ra, huyện Bình Chánh cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng đến từng hộ gia đình, cá nhân… trên địa bàn. Tăng cường thực hiện kiểm tra, tuần tra, kiểm tra khép kín các địa bàn, khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top