Aa

Bất động sản 24h: “Dài cổ” chờ sổ hồng chung cư: Luật đã có, vẫn khó thực thi

Thứ Năm, 02/01/2020 - 10:30

“Dài cổ” chờ sổ hồng chung cư: Luật đã có, vẫn khó thực thi; Năm 2019: Tín dụng tăng thấp nhất 5 năm, nợ xấu còn 1,89%... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

“Dài cổ” chờ sổ hồng chung cư: Luật đã có, vẫn khó thực thi

Theo quy định tại Luật kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư nhà chung cư phải có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày, kể từ ngày bàn giao căn hộ.

Thế nhưng, trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện quy định này.

Bức xúc vì bỏ ra tiền tỷ để mua chỗ an cư nhưng sau nhiều năm, pháp lý căn nhà vẫn chỉ là “Hợp đồng mua bán căn hộ”, cư dân tại các dự án đã tìm đủ cách để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Tháng 10 vừa qua, cư dân tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (Hà Nội) đã treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng.

Theo phản ánh của người dân, họ đã dọn về chung cư ở gần 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Một trong những lý do là vì HH Linh Đàm chỉ được cấp phép xây dựng 27 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây từ 36 - 41 tầng, vượt quá nhiều so với quy hoạch được phê duyệt.

“Cực chẳng đã chúng tôi mới phải căng băng rôn đòi quyền lợi như vậy. Chủ đầu tư đã có văn bản cam kết quý 4/2019 sẽ bàn giao sổ hồng nhưng đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì”, một cư dân tòa nhà HH1A cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản 2020: Vẫn đầy ắp cơ hội cho các nhà đầu tư

Năm 2019, bất động sản vẫn là lĩnh vực đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 3.1 tỷ USD.

Theo đánh giá của Savills Hà Nội, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực. Hàng loạt các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội dịch chuyển dòng vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Kinh tế tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, nhu cầu mua bất động sản lớn… nhưng phông nền chung của thị trường năm 2019 là trầm lắng, kể từ quý III/2019, thị trường bắt đầu chứng kiến sự giảm tốc.

“Tắc nghẽn” nghiêm trọng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã tác động đến nguồn cung và giao dịch nhà ở. Tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán giảm 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn hộ trong năm 2019.

Năm 2019 cũng chứng kiến nốt trầm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, khi những khoảng trống pháp lý cho các sản phẩm mới như condotel chưa được lấp đầy. Cuối năm, thị trường condotel lại nhận cú sốc từ vụ vỡ cam kết lợi nhuận của Dự án Cocobay.

Năm 2019, ngân hàng tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản từ 150% đến 200%, dòng vốn vào bất động sản bị siết chặt hơn. Doanh nghiệp loay hoay tìm nguồn vốn mới.

Hướng đi nào cho thị trường bất động sản 2020 trước những tín hiệu tốt xấu đan xen?

Xem thông tin chi tiết tại đây

Năm 2019: Tín dụng tăng thấp nhất 5 năm, nợ xấu còn 1,89%

Sáng 31/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019, định hướng nhiệm vụ năm 2020.

Tại đây, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, với việc triển khai các giải pháp quyết liệt, ngành ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.

Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13%, mức thấp nhất 5 năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Ước đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Được biết, theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 được nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).

Về xử lý nợ xấu, số liệu được ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng công bố ước tính đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% hồi đầu năm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sau cam kết lợi nhuận... đến “cuộc chơi” của doanh nghiệp lữ hành

Cùng với sự ấm lại của thị trường bất động sản sau giai đoạn đóng băng, mô hình căn hộ khách sạn xuất hiện, giải “cơn khát” về một dòng sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chí “sang, xịn” và nhiều công năng.

Nếu như giai đoạn 2017 - 2018, căn hộ khách sạn đã “làm mưa làm gió” trên thương trường, thì đến năm 2019, lực hấp thu của dòng sản phẩm này đã có phần giảm tốc. " Miếng bánh ngon" từ lời cam kết lợi nhuận cũng đã hết thời khi tiêu chí này không còn là tấm vé đảm bảo chắc chắn cho khoản tiền đầu tư sinh lời của khách hàng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Lộc Sơn Hà Land cho rằng, dù thị trường có biến động nhưng căn hộ khách sạn vẫn là mô hình sinh lời đầy hấp dẫn bởi ưu thế tự thân của nó. Thay vì bó hẹp bởi một phòng khách sạn đơn điệu như trước đây thì căn hộ khách sạn lại mang đến nhiều lựa chọn tiện ích hơn khi tạo ra một chốn nghỉ dưỡng đáp ứng sự trải nghiệm của đa thế hệ.

"Khả năng đáp ứng xu hướng du lịch trải nghiệm, đa thế hệ là lợi thế lớn của căn hộ khách sạn. Trong khi đó, đây lại là xu hướng của du lịch Việt Nam và thế giới", ông Hà nhấn mạnh.

Phân tích về điều này, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng giám đốc Crystal Bay cũng cho rằng, nhu cầu tăng trưởng của du lịch trên toàn thế giới đang có xu hướng gia tăng. Nhu cầu chi tiêu của du lịch toàn cầu tăng thì bất động sản du lịch vẫn còn giàu tiềm năng. Vị lãnh đạo của Crytal Bay nhấn mạnh, xu hướng du lịch hiện nay là trải nghiệm đa thế hệ. Trong khi đó, sản phẩm căn hộ khách sạn vẫn là mô hình tối ưu đáp ứng được xu hướng đó.

Để gia tăng sự đáp ứng trải nghiệm đa thế hệ, một số dự án căn hộ khách sạn còn được đầu tư bài bản để trở thành một quần thể tiện ích với các dịch vụ hiện đại. Đây được đánh giá là yếu tố góp phần tạo ra giá trị sinh lời cho căn hộ khách sạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cơ đồ đất nước và khát vọng dân tộc hùng cường

Nhìn lại năm 2019, chúng ta vui mừng với những kết quả toàn diện đạt được trên hầu hết các lĩnh vực, và niềm vui ấy đang lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo... Với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, quyết tâm không ngừng nghỉ, không lùi bước trước khó khăn, chúng ta đã có năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu phát triển được Quốc hội giao. Trong đó, quy mô nền kinh tế năm 2019 đã đạt hơn 262 tỷ USD; quy mô xuất nhập khẩu đã vượt mốc 500 tỷ USD (hơn 517 tỷ USD); cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD; dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD,… đây là “những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được”, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào những ngày cuối năm vừa qua.

Đáng phấn khởi là, quy mô nền kinh tế lớn nhưng chúng ta vẫn giữ được đà tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới (7,02%). Chúng ta cũng không chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định kinh tế vĩ mô khi giữ được lạm phát ở mức rất thấp (2,79%), ngân sách thặng dư, tỉ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh, xuống mức 56% và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định (65%),… Chúng ta cũng không đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững,...

Những thành tựu chúng ta đã đạt được không phải là “chúng ta tự khen nhau, động viên nhau” mà là sự thật được bạn bè quốc tế ghi nhận và như đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên công bố ngày 17/12: “Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”.

Nhớ lại khi phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trgf  ước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quyên trên vòng nguyệt quế”. 

Và trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cũng với tinh thần ấy, Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp: “Không được thỏa mãn non” và trong Hội nghị với các địa phương vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại: "Năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top