Aa

Bất động sản 24h: Đâu là tâm điểm đầu tư tiếp theo của thị trường BĐS nghỉ dưỡng?

Thứ Ba, 16/06/2020 - 10:30

Đâu là tâm điểm đầu tư tiếp theo của thị trường BĐS nghỉ dưỡng?; Bộ Xây dựng đề xuất giảm lãi vay nhà ở xã hội xuống 4%/năm; Gia hạn thời gian hoạt động dự án trong liên doanh: “Tái kết hôn” nhiều trắc trở... là tin tức đáng quan tâm 24h qua.

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đâu là tâm điểm đầu tư tiếp theo của thị trường?

Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam lọt top 10.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mạnh với lượng du khách quốc tế tăng trưởng cao. Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,8%/năm. Không chỉ thế, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017, năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế.

Trong đó, những địa phương du lịch đã làm nên tên tuổi cho du lịch Việt Nam, không thể không kể đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… Những thiên đường du lịch nhiệt đới với lợi thế đường bờ biển dài, biển xanh, cát trắng và cảnh quan du lịch độc đáo. Bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực này ghi nhận sự phát triển rất sôi động trong vòng 5 - 10 năm trở lại đây.

Câu hỏi đặt ra liệu sau Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… đâu sẽ là thị trường triển vọng cho cơn sốt bất động sản nghỉ dưỡng sắp tới?

Thời gian gần đây, vùng đất được nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá cao nhất chính là Quảng Bình, với tiềm năng và bứt tốc mạnh mẽ.

Xem chi tiết tại đây

Bộ Xây dựng đề xuất giảm lãi vay nhà ở xã hội xuống 4%/năm

Qua đánh giá, Bộ Xây dựng cho biết về tổng thể đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản mà chỉ tác dộng đến một vài yếu tố riêng lẻ cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm lực yếu về tài chính.

Trong đó, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở trung, cao cấp vẫn tăng do số lượng dự án đã hoàn thành xây dựng tăng. Cả nước có 71 dự án với 25.734 căn hộ căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tính riêng quý I.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu bất động sản vẫn cao, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Thống kê cho thấy giá bán nhà ở vẫn tăng so với cuối năm 2019 (tại Hà Nội giá bán căn hộ cao cấp tăng 1,02%, nhà ở tăng 3,82%; tại TP HCM giá căn hộ cao cấp tăng 3,5%, nhà ở tăng 8,36%). Ngoài ra giá bất động sản công nghiệp cũng tăng 6,2% trong khi bất động sản du lịch và văn phòng cho thuê giữ nguyên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dịch Covid-19 đã tác động đến một số yếu tố riêng biệt của thị trường, cũng như hoạt động của một số doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ.

Giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn; miễn lệ phí trước bạ cho tất cả giao dịch bất động sản trong năm 2020.

Cơ quan quản lý cũng đề xuất các chính sách tín dụng với người mua nhà, và doanh nghiệp bất động sản như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay đến hạn đến hết năm 2020; cho phép người vay mua nhà ở thương mại giãn tiến độ trả nợ vay, nợ gốc đến hết năm…

Xem chi tiết tại đây

BĐS nghỉ dưỡng Vân Đồn, Phú Quốc: Làm gì để không bỏ lỡ những cơ hội “vàng”?

Với những bước đi chiến lược tại các thị trường tiềm năng, những tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, CEO Group… đang có nhiều đóng góp cho ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với khát vọng nâng tầm du lịch Việt trên bản đồ du lịch thế giới.

Hai khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) có tiềm năng phát triển các ngành dịch vụ du lịch to lớn, đó cũng chính là cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng ở những khu vực này trỗi dậy. Vậy những tiềm năng ấy là gì? Phải làm gì để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó?

Theo PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị thế giới, cùng với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, Việt Nam có môi trường xã hội tốt, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội được xếp hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế quan trọng đối với thị trường bất động sản du lịch mà không mấy nước có được.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, tập trung phát triển công nghiệp không phải là lợi thế nhất ở Việt Nam, chúng ta nên đi theo con đường hiện đại hóa - ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ cao cấp. Trong đó, mấu chốt chính là khai thác dịch vụ du lịch tại những khu vực trọng điểm, giàu tiềm năng như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang).

Để không bỏ lỡ những cơ hội “vàng” trong việc phát triển du lịch và đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những mảnh đất đầy tiềm năng là các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc, PGS.TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, cần có những giải pháp đột phá để đưa những vùng đất này thành “địa chỉ” du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo đó, PGS.TSKH. Võ Đại Lược đã đưa ra một số các nhóm giải pháp. 

Xem chi tiết tại đây

Gia hạn thời gian hoạt động dự án trong liên doanh: “Tái kết hôn” nhiều trắc trở

Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành tại Việt Nam. Sự ra đời của bộ luật này đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc kêu gọi, thu hút và hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư nước ngoài sau này được gộp chung thành Luật Đầu tư.

Đã hơn 33 năm đi vào thực tiễn, đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án đầu tư trong thời kỳ đầu của thập niên cuối 1980, đầu 1990 đã phải đến thời gian gia hạn. Nhưng việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp liên doanh đang còn nhiều trở ngại.

Theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Chủ tịch Công ty Luật TNHH Legal United Law), Luật Đầu tư nước ngoài năm năm 1987 quy định thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (luật này dùng thuật ngữ “xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”) là không quá 20 năm và có quy định mở là thời hạn này có thể dài hơn 20 năm.

Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi, bổ sung và được ban hành mới các năm sau đó đã có quy định cụ thể hơn và quy định theo hướng kéo dài và xác định rõ về thời hạn thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 đã có quy định “thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh được ghi trong giấy phép đầu tư đối với từng dự án theo quy định của Chính phủ, nhưng không quá 50 năm. Căn cứ vào quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với từng dự án, nhưng tối đa không quá 70 năm” (Điều 17).

Xem chi tiết tại đây

Bất động sản hậu Covid-19: Vẫn nan giải bài toán nguồn cung

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết, từ quý I đến hết quý II năm nay, nguồn cung bất động sản có sụt giảm. Nguyên nhân do các vướng mắc về thể chế và sự chồng chéo của pháp luật.

“Nguồn cung giảm khiến giá bất động sản thời gian qua không giảm dù tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm giảm, giao dịch giảm, thị trường đứng bánh, đầu tư nước ngoài cũng sụt giảm do giãn cách. Hoạt động của doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại, sàng lọc lại”, ông Ninh nói thêm.

Chia sẻ về điểm nghẽn pháp lý dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, khi Đại Phúc Land đầu tư các dự án quy mô lớn tới gần 200ha, doanh nghiệp này đã phải mất 15 năm rất vất vả triển khai thủ tục hành chính. Thời gian từ khi xin thủ tục đến khi triển khai dự án quá lâu, dẫn đến độ "vênh" giữa thiết kế ban đầu của dự án đối với nhu cầu thị trường. Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp cần điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu.

"Đơn cử, cách đây 10 - 15 năm nhu cầu sản phẩm nhà phố đa phần là 4 - 5m nhưng nhu cầu không gian hiện nay cần 6 - 7m hoặc lớn hơn. Việc điều chỉnh này không những không ảnh hưởng tới quy chuẩn chung về mặt quy hoạch mà còn tốt hơn về không gian sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu phải xin phép làm lại quy trình từ đầu thì sẽ rất vất vả cho doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Còn theo ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, để 1 dự án cơ bản hoàn thành và có thể triển khai bán hàng, nhanh nhất cũng hết 1 năm, nhưng hầu hết kéo dài đến 4 - 5 năm. Nhưng đến bước cuối cùng là cấp sổ hồng cho cư dân cũng hết sức khó khăn.

Xem chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top