Aa

Bất động sản 24h: Doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế

Thứ Năm, 13/02/2020 - 10:30

Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế; Phía sau tiếng "kêu cứu" của ông lớn bất động sản... là một số tin tức nổi bật trên thị trường 24h qua.

Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế

"Song song với làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội và đầu tự dự án tại nhiều thị trường thế giới".

Đây là nhận định của bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội khi đánh giá về xu hướng đầu tư trên thị trường thời gian qua.

Theo bà Minh, có rất nhiều lợi ích của việc mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường nước ngoài. Chưa nói đến vấn đề về tỷ suất lợi nhuận tương đối ổn định tại các nước phát triển, thì thời gian triển khai dự án nhanh chóng, chất lượng dự án cao, tiến độ thanh toán tiền được kéo dài với tỷ trọng thanh toán thấp giai đoạn đầu, lãi suất thấp đều là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu đối với doanh nghiệp trong nước.

Đại diện Savills cho rằng, đầu tư ra nước ngoài mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản của Việt Nam, đặc biệt trong việc giúp doanh nghiệp bất động sản trong nước đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để mở rộng mạng lưới khách hàng, tìm kiếm tiềm năng đầu tư mới.

Xem chi tiết tại đây

Phía sau tiếng "kêu cứu" của ông lớn bất động sản

Mùng 1 Tết Canh Tý, thời điểm mà người người, nhà nhà đều nói những lời tốt đẹp, kỳ vọng về những điều tươi sáng để mong may mắn cả năm thì Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn lại viết bức tâm thư cầu cứu khẩn cấp tới Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Trước những khó khăn, mong muốn của Novaland là Dự án tiếp tục được triển khai trong thời gian sớm nhất và có nguồn thu để ổn định môi trường kinh doanh và giúp hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư vào Novaland yên tâm.

Rõ ràng trong câu chuyện của Novaland, lỗi nằm ở chính quyền TP.HCM không thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục khi chuyển đổi mục đích dự án mà theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, "TP.HCM đã không thực hiện đấu giá theo quy định và tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất".

Sai phạm đã được chỉ ra, tuy nhiên việc xử lý sai phạm và “hậu quả” sau khi xử lý vẫn còn là một dấu hỏi. Chính quyền tiếp tục tình trạng “dừng - ngâm - đùn đẩy” còn những hệ lụy nhãn tiền đã đổ lên đầu doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra, tại sao lại “đóng băng” dự án một thời gian dài như vậy mà không đưa ra bất cứ một phương án xử lý nào, tiếp tục dừng hay thu hồi.

Xem chi tiết tại đây

Chủ tịch quận Ba Đình: Chưa biết khi nào xử lý xong vi phạm tại 8B Lê Trực

Nhiều câu hỏi liên quan vấn đề chậm xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực được đặt ra tại buổi họp báo, đặc biệt là vấn đề khi nào xử lý xong sai phạm trật tự xây dựng để công trình đi vào hoạt động, không gây mất mỹ quan đô thị như hiện nay… Tuy nhiên, lãnh đạo UBND quận Ba Đình cho hay, không thể trả lời được 1 hay 2, hay 3 tháng nữa sẽ xử lý xong.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho lắp cẩu tháp để triển khai cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực, gồm tầng 17 và 18. Tuy nhiên, chính Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, đến nay chưa có phương án cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình. Thậm chí, việc quyết toán, thanh toán chi phí cho đợt phá dỡ giai đoạn 1 là tầng 19 và tum thang đến nay chưa có cơ sở để thanh toán dù đã qua gần 4 năm.

“Quận Ba Đình vẫn đang tìm kiếm đơn vị có đủ năng lực để thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 là tầng 17 và 18 của công trình 8B Lê Trực. Sau khi tìm được đơn vị lập phương án phá dỡ, sẽ cho thẩm định lại rồi mới ra được phương án phá dỡ cụ thể để phê duyệt. Sau đó mới tìm kiếm đơn vị thi công phá dỡ để thực hiện phá dỡ. Dù tích cực tìm kiếm nhưng đến nay, quận Ba Đình vẫn chưa tìm được đơn vị nhận thiết kế phương án phá dỡ. Do vậy, chưa biết khi nào xử lý xong sai phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực”, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nói.

Xem chi tiết tại đây

Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh giá đất, cao nhất 98,8 triệu đồng/m2

Sở TN&MT Đà Nẵng vừa công bố lại Dự thảo quy định của UBND TP.Đà Nẵng về giá các loại đất trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2024.

Theo đó, dự thảo lần này được xây dựng căn cứ theo Khung giá đất quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019. Giá đất trong bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 (bảy mươi) năm.

Đáng chú ý, dự thảo lần này đề xuất giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới vẫn là mức 98,8 triệu đồng như hiện nay. Đây là thay đổi đáng kể so với dự thảo đã được UBND TP trình ra HĐND TP vào cuối năm 2019 vừa qua.

Theo bảng giá đất này, một loạt các tuyến đường có vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố, gồm: Đường 2/9 (đoạn từ Bảo tàng Chàm đến cầu Nguyễn Văn Trỗi và đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Xô Viết Nghệ Tĩnh); đường Bạch Đằng (đoạn từ Đống Đa đến Nguyễn Du, từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn, từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh là từ đường 2/9 đến cầu Trần Thị Lý).

Xem chi tiết tại đây

Thủ tục hành chính “hành” doanh nghiệp bất động sản

Các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản nói riêng đều chịu sự chi phối của 3 yếu tố cơ bản là: pháp luật, thủ tục hành chính và thị trường. Môi trường lý tưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh là sự ổn định. Các yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh thiếu tính ổn định sẽ dẫn đến hậu quả xấu trong phương án đầu tư, kết quả kinh doanh và mọi hoạt động của doanh nghiệp. Vậy nên, môi trường kinh doanh ổn định luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu và là yếu tố quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp.

Trong các yếu tố chi phối hoạt động kinh doanh nói trên, sự biến động hay ổn định của thị trường là yếu tố khách quan. Để tiếp cận thị trường, ngoài các yêu cầu về khả năng quản trị, tài chính, tổ chức và quản lý điều hành, sự thành công còn phụ thuộc vào năng lực dự báo của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, yếu tố thị trường chỉ chiếm tỷ lệ 30% trong số những yếu tố chi phối trạng thái hoạt động của doanh nghiệp, còn lại 70% là các yếu tố liên quan đến quy định pháp luật và việc thực thi các thủ tục hành chính. Trên thực tế, những yếu tố này đang là sự “ám ảnh” đối với các doanh nghiệp, bởi vì họ không thể đưa ra “dự báo” để có thể tiếp cận sự biến động của những yếu tố này. Trong đó, việc thực thi các thủ tục hành chính đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và mang tâm lý lo ngại nhiều hơn là sự tin tưởng và an tâm.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top