Aa

Bất động sản 24h: Dự án giao thông kỳ vọng tạo "cú hích" cho BĐS khu Đông TP.HCM

Chủ Nhật, 27/10/2019 - 10:55

Những dự án giao thông kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" lớn cho bất động sản khu Đông TP.HCM trong năm 2020; Những lưu ý khi phát triển bất động sản tích hợp... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Những dự án giao thông kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" lớn cho bất động sản khu Đông TP.HCM trong năm 2020

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết một trong những nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2050 lần này là rà soát, lựa chọn hướng ưu tiên phát triển cho thành phố. Trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển về hướng Đông với trọng tâm: tập trung đầu tư hình thành khu đô thị sáng tạo (nằm trên địa bàn các quận 2, 9, Thủ Đức). Để làm được điều đó, TP.HCM khẳng định rằng đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông quy mô lớn phải đi trước một bước.

Trước kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, TP.HCM sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm gần 190km đường bộ và 46 cây cầu.

Như vậy, cùng với kế hoạch cũ, loạt dự án được ghi vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng, khơi thông ách tắc. Trong đó, TP.HCM đang ưu tiên một nguồn vốn đầu tư khá lớn để mở rộng và nâng cấp các tuyến đường, cũng như xây mới nhiều cầu tại khu Đông (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức).

Hai công trình được mong đợi nhất trong năm 2019 - 2020 là nút giao Mỹ Thủy (quận 2) và nút giao An Phú (quận 2) thi công giai đoạn 2. Đây là những điểm giao của hai trục đường chính của TP.HCM, trong đó có trục đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thiết kế mặt dựng xanh giúp tiết kiệm 40% năng lượng trong vận hành công trình

Ngày 26/10 Tạp chí Kiến trúc và Tập đoàn AGC Châu Á đã tổ chức hội thảo “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại”. Buổi hội thảo có sự tham dự và phát biểu tham luận khoa học của đại diện lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam, Tập đoàn AGC châu Á, các chuyên gia trong ngành kiến trúc trong nước, quốc tế.

Hiện nay, ngành xây dựng đang phát thải đến 39% lượng khí thải CO2 ra môi trường. Để khắc phục hiện trạng trên, trong những năm qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ngành xây dựng Việt Nam đã phát động chương trình kiến trúc xanh với bộ tiêu chí Kiến trúc xanh được công bố nhằm thúc đẩy công trình xanh - sinh thái - tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Với công trình kiến trúc, mặt dựng luôn có vai trò rất quan trọng, chiếm khối lượng tương đối lớn trong công trình. Mặt dựng xanh góp phần tạo dựng tính hiệu quả thành công của công trình kiến trúc xanh. Mặt dựng xanh của công trình kiến trúc không chỉ liên quan đến chất lượng về thẩm mỹ kiến trúc mà còn thúc đẩy hiệu quả nhiều mặt về tiết kiệm năng lượng.

Với kiến trúc mặt dựng công trình tối ưu sẽ giúp tiết kiệm 40% năng lượng trong vận hành công trình. Phát triển các hệ mặt dựng xanh cho công trình sẽ đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Những lưu ý khi phát triển bất động sản tích hợp

Đơn vị nghiên cứu tư vấn bất động sản JLL cho biết khái niệm "đô thị trong đô thị" là một xu hướng trong tương lai của thị trường. Hình thái đô thị này đã trở nên phổ biến khi các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.

Những điểm quan trọng dẫn đến thành công bền vững của những dự án "bất động sản tích hợp" mà các nhà phát triển nên xem xét, theo JLL bao gồm: Chú trọng quy hoạch giao thông; Chia tách giai đoạn phát triển dự án theo không gian và thời gian; Xây dựng và duy trì các tiện ích công cộng; Tiện ích nội khu hài hòa và Thành phần cư dân đa dạng và dung hợp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Từ “khủng hoảng” nước sạch Sông Đà: Mập mờ thương quyền vì nhóm lợi ích?

Gần 20 ngày trôi qua, kể từ thời điểm vụ việc nước sạch sông Đà cung cấp cho TP. Hà Nội bất ngờ bị ô nhiễm chất styren từ dầu thải, những bức xúc của hàng vạn người dân cùng hàng loạt dấu hỏi đã và đang được đặt ra.

Sự kiên trì đi theo nguyên tắc “im lặng là vàng” của chính quyền Hà Nội ở thời điểm xảy ra “khủng hoảng” nước sạch, lời từ chối nhận lỗi của lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Sông Đà đến việc lo lắng cho một chất lượng dịch vụ khó được đảm bảo sau sự cố… đã cho thấy quá nhiều bất cập xảy ra.

Rõ ràng, cung cấp nước sạch – một dịch vụ công đang bộc lộ những lỗ hổng lớn trong quy trình phân phối, kiểm soát. Vì sao thương quyền lại đang bị bỏ qua khâu định giá? Vai trò của Nhà nước nằm ở đâu trong hệ thống phân phối dịch vụ công này khi thiệt hại của người dân thật khó đong đếm? Nếu chu trình này vẫn tiếp tục vận hành thì liệu rằng, một cuộc “khủng hoảng” tiếp theo có xảy ra?

Xin giới thiệu chia sẻ của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá 1 căn hộ nước ngoài mua được 3 căn hộ Việt Nam

Một báo cáo công bố trước đây của CBRE Việt Nam cho biết trong 9 tháng năm 2018, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TP.HCM thông qua đơn vị này đã vươn lên vị trí số 1, với 31% tổng lượng giao dịch. So với các năm trước, đây là một bước nhảy vọt của nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường căn hộ Việt Nam. Không chỉ có Trung Quốc, khách mua đến từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh (năm 2016 - 2017 chỉ chiếm lần lượt là 6-8% tổng số giao dịch qua CBRE).

Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao do sự tham gia của các nhà phát triển có uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Ngoài ra, giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM hiện tại trung bình khoảng từ 5.500 - 6.500 USD/m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho hay: “Tại sao Việt Nam hấp dẫn vậy, những tập khách hàng đã chia sẻ với chúng tôi rằng cùng một số tiền thay vì đầu tư 1 căn hộ tại đất nước của họ thì khi sang Việt Nam họ có thể mua được 3 căn hộ. Như vậy, họ có thể đa dạng hoá được danh mục đầu tư của họ. Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê mang lại tại Việt Nam khá tốt. Với các nhà đầu tư nước ngoài, phần cho thuê hằng năm tính theo tỉ lệ nếu đạt được ngưỡng 4 - 5% tức là đã thành công. Đặc biệt là với những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top