Aa

Bất động sản 24h: Nhà đầu tư vẫn âm thầm “săn” đất nền có sổ đỏ

Thứ Hai, 18/05/2020 - 10:30

Nhà đầu tư vẫn âm thầm “săn” đất nền có sổ đỏ; Hết dịch Covid-19, người mua "đỏ mắt" tìm nhà dưới 2 tỷ đồng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Nhà đầu tư vẫn âm thầm “săn” đất nền có sổ đỏ

Tại TP.HCM, hiện một số dự án đất nền có giá từ 4-6 tỉ đồng/nền đang được chào bán ra thị trường ngay sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát. Dù chưa thể hiện rõ giao dịch nhưng sự quan tâm của người mua bắt đầu bắt nhịp với hoạt động của CĐT dự án. Ghi nhận tại một dự án đất nền tại Q.Tân Bình, Q.Thủ Đức vào thời điểm cuối tuần lượng khách đi xem dự án đã khá đông. Trong đó có những giao dịch được chốt trong ngày.

Hầu hết các doanh nghiệp triển khai dự án ở thời điểm này là đã sở hữu quỹ đất trước đó khá lâu. Với việc khan hiếm dòng sản phẩm mới ra thị trường nên các nền đất đã ra được sổ ở khu vực TP giá đã ở ngưỡng khá cao. Tuy nhiên, bên cạnh người mua ở thực thì có lượng khách mua đầu tư chờ giá lên, bán lại cho người có nhu cầu ở thực.

Trong khi tại thị trường tỉnh lân cận Tp.HCM, hoạt động mua bán đất nền cũng ghi nhận rục rịch trở lại. Các khu vực như Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ… có giao dịch lẻ tẻ ở thời điểm này. Trong đó, cả NĐT và người mua thực đều ưu tiên đất có sổ.

Một số loại hình khác như đất nông nghiệp giá từ 600-700 triệu đồng/công cũng phát sinh giao dịch ở giai đoạn này. Tuy nhiên, theo các môi giới, dường như NĐT chưa mạnh dạn “xuống tiền” như thời điểm chưa dịch. Đa số vẫn ở trạng thái nghe ngóng, chờ đợi tín hiệu tốt lên của thị trường. Vì thế, có thể phải mất khoảng thời gian nữa thì hoạt động mua bán mới trở lại như bình thường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hết dịch Covid-19, người mua "đỏ mắt" tìm nhà dưới 2 tỷ đồng

Sau thời điểm dịch bệnh, mối quan tâm của người dân lại đang dồn vào những dự án căn hộ có giá bình dân dưới 2 tỷ. Mặc dù nhu cầu tại phân khúc này rất lớn nhưng nguồn cung vẫn khan hiếm.

Dự báo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, năm 2020, nguồn cung các dự án nhà ở bình dân, nhà giá rẻ vẫn thiếu.

Cụ thể, theo JLL Việt Nam, giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn ở mức quá cao, đặc biệt đối với người thu nhập thấp.

Tính riêng ở Hà Nội, nguồn cung mới phân khúc nhà ở bình dân, giá rẻ tiếp tục giảm sút, chênh lệch nguồn cung giữa các dòng sản phẩm được nới rộng. Tỷ trọng nguồn cung sản phẩm được chào bán cao nhất là phân khúc nhà ở trung cấp chiếm 67%; phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25% tổng nguồn cung chào bán; tiếp đến là phân khúc hạng sang chiếm 6%; phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung.

Tương tự, theo Savills Việt Nam, nguồn cung mới ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua bởi các chủ đầu tư thay đổi kế hoạch nhanh chóng ứng phó với đại dịch. Cụ thể, trong quý I/2020, 5 dự án mới và giai đoạn tiếp của 6 dự án hiện tại đã cung cấp khoảng 4.800 căn, giảm 64% theo quý và giảm 50% theo năm. Trong đó, phân khúc hạng B (tầm trung) duy trì nguồn cung lớn nhất với 73% thị phần.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường căn hộ dịch vụ tăng trưởng trở lại sau dịch

Trái ngược với những diễn biến có chiều hướng xấu của hầu hết các sản phẩm bất động sản, phân khúc căn hộ cho thuê vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Thống kê từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong quý I/2020, số lượng sản phẩm căn hộ dịch vụ mới được đưa ra thị trường trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng thêm khoảng 2%, giá thuê tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cho thuê trung bình của loại hình bất động sản này đạt 25 - 26 USD/m2/tháng, trong đó phân khúc căn hộ dịch vụ hạng A đang ở mức khoảng 35 USD/m2/tháng và giá cho thuê của căn hộ dịch vụ hạng B và C lần lượt là khoảng 19 USD và 13 USD.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup chia sẻ mô hình căn hộ dịch vụ hiện nay trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ và trên toàn cầu đang có hàng triệu căn hộ dịch vụ được tung ra thị trường, đó chỉ là tính sản phẩm 3 sao trở lên. Trong đó tại Mỹ, mô hình này chiếm 61% còn ở châu Âu chiếm hơn 20% trong khi ở châu Á chỉ chiếm chưa tới 10% căn hộ dịch vụ trên toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam căn hộ dịch vụ có sao chiếm khoảng hơn 2.000 căn hộ trên toàn quốc và nguồn cung dự kiến trong vòng 2 - 3 năm tới ước tính khoảng 4.000 căn. Những đơn vị quản lý căn hộ dịch vụ tại Việt Nam cũng chủ yếu là các đơn vị quản lý nước ngoài. Vì vậy, phí đang rất cao, ít nhất gấp 2 - 2,5 lần so với thuê khách sạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Covid-19 "đốn hạ" nhiều doanh nghiệp lao đao, ngành thép "lội ngược dòng"?

Doanh nghiệp ngành thép chịu tác động kép từ dịch bệnh: Khó khăn chung của nền kinh tế và sự đóng băng của khách hàng trực tiếp là khối bất động sản - xây dựng, tuy nhiên giới kinh doanh cho rằng ngành thép vẫn trụ vững.

Theo phân tích của các chuyên gia, sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 khó có thể phục hồi mạnh mẽ do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, làm thị trường bất động sản chững lại, xuất khẩu bị đình trệ.

Do đó, dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép đang khó khăn lại thêm thua lỗ. Chẳng hạn, CTCP Thép Việt Ý (mã VIS) ghi nhận quý thứ 8 thua lỗ và lỗ 41,7 tỷ đồng trong quý I/2020. Tổng lỗ lũy kế đến 31/3/2020 của Thép Việt Ý lên đến 586 tỷ đồng.

Năm 2020, công ty này cũng đặt kế hoạch sản lượng sản xuất thép 322.300 tấn, giảm 4% so với năm 2019, sản lượng thép tiêu thụ dự kiến ở mức 322.300 tấn. Kế hoạch doanh thu giảm 20% xuống còn 3.634 tỷ đồng và dự kiến sẽ lỗ tiếp 65 tỷ đồng.

Nếu tính thêm quý I/2020, CTCP Thép Pomina thua lỗ 5 quý liên tiếp. Riêng quý I vừa qua, POM lỗ 55 tỷ đồng. Giải trình kết quả kinh doanh, lãnh đạo Pomina cho biết, tình hình tiêu thụ chung của ngành thép quý I đầu năm giảm, dẫn tới lượng thép và doanh thu quý I của Pomina cũng giảm theo. Bên cạnh đó, công ty đang triển khai dự án lò cao, quý II/2020 mới bắt đầu đi vào hoạt động, nên chi phí lãi vay cao.

Xem thông tin phân tích tại đây

Công an TP HCM truy lùng 38 đầu nậu đất

Sáng 17/5, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng lãnh đạo TP, sở, ngành có chuyến thị sát tình hình xây dựng không phép, sai phép tại ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Báo cáo trước lãnh đạo Thành ủy TP HCM, đại diện huyện Bình Chánh cho biết hiện trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A có 38 đầu nậu đất nông nghiệp đang ngang nhiên lộng hành, thậm chí khi nhà bị cưỡng chế, một số đối tượng còn tấn công lực lượng công vụ.

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh nhìn chung không giảm, trong 4 tháng đầu năm 2020 xử lý 114 trường hợp, lập biên bản thì nhiều nhưng xử lý không bao nhiêu và thực hiện cưỡng chế chưa đạt.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top