Aa

Bất động sản 24h: Phân khúc nào "bật đáy" nhanh nhất sau dịch Covid-19?

Thứ Ba, 28/04/2020 - 10:30

Phân khúc bất động sản nào sẽ "bật đáy" nhanh nhất sau dịch Covid-19?; Bất động sản hút 665 triệu USD vốn ngoại trong 4 tháng đầu năm... là những thoong tin được quan tâm trong 24h qua.

Phân khúc bất động sản nào sẽ "bật đáy" nhanh nhất sau dịch Covid-19?

Chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam đã có 1 quý hoạt động không hiệu quả, các phân khúc đều “ngấm đòn”.

Cụ thể, trong quý 1/2020, hàng trăm sàn giao dịch bất động sản trên cả nước đã phải đóng cửa; các dự án bất động sản không bán được hàng do phải giãn cách xã hội; phân khúc bán lẻ, văn phòng, khách sạn thì không có người thuê,...

Nhận định về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, sự suy yếu của thị trường bất động sản chỉ là nhất thời và sẽ hồi phục ngay lập tức, sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, Chính phủ cũng đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội vào ngày 23/4. Các trung tâm thương mại, sàn giao dịch bất động sản, một số dự án đã bắt đầu hoạt động trở lại. Dù đánh giá đây là tín hiệu tích cực song ông Đính cho rằng, hiện còn quá sớm để nhận định thời điểm hồi phục của thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Doanh nghiệp bất động sản: Vẫn khó vô cùng chuyện tiếp cận đất đai!

Đất đai là nguồn lực quan trọng có tính quyết định tới thành công của một dự án kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc tiếp cận đất đai cho các dự án kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn. Dù doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để phát triển dự án, đặc biệt về vốn và các thủ tục cấp phép đầu tư nhưng việc triển khai dự án vẫn bị ách tắc từ năm này qua năm khác do không tiếp cận được quỹ đất sạch. Tất cả đều xuất phát từ các bất cập chồng chéo ở Luật Đất đai 2013.

Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, doanh nghiệp đã trúng đấu giá đất dự án Dragon City từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Doanh nghiệp đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án Dragon City vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án.

Một dự án với diện tích chiếm đất khoảng 5 - 10ha, nhưng nếu chỉ 1 hộ dân với vài trăm mét vuông đất khiếu nại thì sẽ phải dừng lại toàn bộ. Đó chính là 1 cái khó cho chính quyền địa phương đồng thời cũng là một cản trở đối với doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai để thực hiện dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản hút 665 triệu USD vốn ngoại trong 4 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư lại giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, cả nước có 984 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư tăng là do trong 4 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 59% tổng vốn đăng ký mới. Dự án này cũng đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,9 triệu USD năm 2019 lên 6,9 triệu USD năm 2020.

Bên cạnh các dự án đăng ký mới, có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường chứng khoán điều chỉnh, nhiều cổ phiếu bất động sản đi ngược

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số bị chặn đứng ngay sau đó khi áp lực bán gia tăng đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm trở lại 5,89 điểm (-0,76%) xuống còn 770,77 điểm. Toàn sàn có 186 mã tăng, 175 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,63%) xuống 106,3 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 67 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index đi ngược xu hướng chung khi tăng 0,31 điểm (0,6%) lên 51,97 điểm.

Khá nhiều cổ phiếu lớn đã điều chỉnh mạnh trong phiên hôm nay và tạo áp lực lên thị trường chung. Trong đó, VCB giảm 3%, HVN giảm 2,9%, PNJ giảm 2,5%, BID giảm 2,5%. Chiều ngược lại, đà tăng được duy trì tốt trên một số mã xây dựng và vật liệu xây dựng như CTD, HBC, VCS, VGC hay HSG. Trong đó, CTD tăng đến 5,6%, HBC tăng 4,6%, VGC tăng 3%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản sự điều chỉnh cũng đã diễn ra ở nhiều mã trong đó có cả bộ 3 cổ phiếu họ “Vin”là VIC, VHM và VRE. VIC phiên hôm nay giảm 1,1% xuống 92.000 đồng/cp, VHM giảm 0,8% xuống 64.500 đồng/cp, còn VRE giảm 2,1% xuống 23.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giảm sâu, trong đó, PVL, HU6, E29 và BII giảm sàn. IDJ cũng giảm đến 3,8%, OGC giảm 3,7%...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà nghỉ, khách sạn sang nhượng ồ ạt vì dịch Covid-19

Thị trường khách sạn đang chứng kiến tình trạng chủ đầu tư rao bán và chuyển nhượng quyền kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ do ế ẩm, không thể duy trì trong dịch Covid-19.

Mới đây, chị Trần Hoa, chủ khách sạn Hanoi Passion Suite trên đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã buộc phải sang nhượng gấp khách sạn này với giá 350 triệu đồng do không đủ vốn để tiếp tục kinh doanh. Khách sạn này, chị Hoa mới đầu tư được một năm và đã ký hợp đồng thuê nhà trong 10 năm với giá 2.700 USD/tháng.

Tương tự, khách sạn Saigon Palace trên đường Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy (Hà Nội) quy mô 27 phòng nghỉ cũng được chủ sang nhượng lại với giá 800 triệu đồng, trong đó 420 triệu là tiền cọc cho chủ nhà cho hợp đồng thuê 10 năm.

Cùng với đó, hàng loạt nhà nghỉ quy mô 10-15 phòng tại Hà Nội đang được rao sang nhượng lại với giá 80-100 triệu đồng kèm theo hợp đồng thuê dài hạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top