Aa

Bất động sản công nghiệp: “Miếng bánh” hấp dẫn năm 2019

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 05/10/2019 - 06:10

Trong năm 2019, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nổi lên như điểm sáng trong khu vực nhờ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và các hiệp định kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn giải ngân cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Có 1.723 dự án mới đăng ký trị giá 7,41 tỷ USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.

Bất ổn địa chính trị chỉ là một phần nguyên nhân của sự gia tăng đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng chính là những động lực tích cực cho sự tăng trưởng. Trong khi đó, nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước khó có thể giảm do tầng lớp trung lưu gia tăng và lực lượng lao động dồi dào.

Theo báo cáo của JLL, các tài sản công nghiệp và đặc biệt là tài sản hậu cần đang được chú ý nhiều nhất khi các công ty tìm cách mở rộng và dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Hoa Kỳ.

Mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95 USD/m2/thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp là chưa bao giờ giảm nhiệt. Từ lâu, các nhà đầu tư đã để mắt đến phân khúc này bởi năng suất làm việc cao và chi phí lao động thấp ở Việt Nam. Và những căng thẳng thương mại gần đây góp phần đẩy nhanh quá trình quyết định di dời của các tập đoàn”.

Đơn cử, Tập đoàn Sharp cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua

Tuy nhiên, các công ty đã có mặt tại Việt Nam cũng đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao, và hàng loạt những yêu cầu trong chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc. Bà Khanh cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam.

“Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới”, bà Khanh nhấn mạnh.

Ông John Campbell, Tư vấn cao cấp Phòng Dịch vụ công nghiệp Savills cho biết: Bất động sản công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê. Bởi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến các khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc. Từ đó, các phân khúc này dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

“Việt Nam trở thành địa chỉ thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tất cả các yếu tố cho thấy môi trường đầu tư khá hấp dẫn”, ông John Campbell nhận định.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê và nhà xưởng xây theo yêu cầu.

Các chuyên gia này cũng cho rằng, với sự lựa chọn các dự án công nghiệp sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top