Aa

Bất động sản cuối năm 2018 liệu có còn biến động?

Thứ Tư, 22/08/2018 - 14:00

Bất động sản cuối năm 2018 liệu có còn biến động?; Giao dịch bất động sản chững lại có phải do “tháng cô hồn”?; Ngân hàng ngoại “đổ bộ”, ngân hàng nội mất gì?; Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Bất động sản cuối năm 2018 liệu có còn biến động?

Thị trường bất động sản đã bước vào nửa cuối quý III/2018, với nhiều sự điều chỉnh khá mạnh trên các phân khúc. Đâu là cơ hội và rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải trong những tháng cuối năm?

Nhận định về thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Asian Holding, cho rằng, về tổng thể, thị trường sẽ không có biến động lớn. Trong đó, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị phát triển. Sản phẩm thuộc phân khúc bình dân của các chủ đầu tư uy tín sẽ giữ mức thanh khoản cao, trong khi khả năng dư thừa căn hộ cao cấp ngày càng lộ rõ khi có nhiều dự án chung cư cao cấp bàn giao nhà.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, xu hướng tăng nhẹ giá bán vẫn tiếp tục đối với căn hộ. Nguyên nhân do chi phí đầu vào từ tiền mua đất, chi phí xây dựng đều tăng, thủ tục hành chính chậm...

Nhìn nhận vẫn có những điểm sáng, tuy nhiên ông Quang cũng khuyến cáo bất động sản không còn thời lướt sóng 3 - 6 tháng nữa, mà nên có tư tưởng đầu tư 2 - 3 năm và người mua cần hạn chế vay vốn.

Xem chi tiết tại đây

Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản liệu có còn biến động? (Ảnh minh họa)

Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản liệu có còn biến động? (Ảnh minh họa)

Giao dịch bất động sản chững lại có phải do “tháng cô hồn”?

Theo khảo sát từ phóng viên cho thấy, lượng giao dịch thành công tại các sàn trong tháng 7, 8 dương lịch năm nay vẫn thấp hơn thời điểm quý II/2018 từ 30 - 40%. Sản phẩm phân phối chủ yếu là căn hộ và nhà phố, biệt thự. Và hầu như rất ít sàn có sản phẩm đất nền phân lô.

Theo đại diện từ sàn giao dịch bất động sản EZ Việt Nam, giao dịch bất động sản nhìn chung đã có sự chững lại từ giữa năm và đến thời điểm tháng 7 âm càng trầm hơn. Nhiều hách hàng có quan tâm nhưng chủ yếu đặt cọc, giữ chỗ, có mua cũng chưa ký hợp đồng bởi tâm lý tránh mua tài sản lớn vào tháng “cô hồn”. Vị đại diện cho biết, hiện tại lượng giao dịch chung cư cao cấp của sàn giao dịch này đang giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 60 - 65%. Đặc biệt, phân khúc nghỉ dưỡng sụt giảm từ 60 - 70%, nhất là condotel khách hàng hạn chế giao dịch. Ngoài ra, phân khúc đất nền ổn định do nguồn cung không có nhiều trong khi lượng cầu tương đối.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết: “Hàng hoá bất động sản khi ra hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, các dự án khi ra hàng vào thời điểm sôi động, đủ điều kiện sẽ lôi kéo khách hàng mua, bởi không mua sẽ hết. Do đó, thị trường những năm gần đây đã ít chịu ảnh hưởng bởi tâm lý tránh “tháng cô hồn” so với những năm trước, giao dịch khoảng thời gian tháng 7 âm lịch cũng khá lớn, các chủ đầu tư vẫn chào bán theo đúng kế hoạch.

Xem chi tiết tại đây

Các doanh nghiệp bất động sản còn lơ đãng trong bảo vệ thương hiệu

Sáng 21/8, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Mạng kết nối Doanh nhân Việt (VINET) tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản”.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng nhận định: "Quan trọng là các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động phải tự bảo vệ thương hiệu của mình một cách kiên quyết. Nếu dự án nhỏ thì vài năm kết thúc một dự án đã cần bảo vệ nhãn hiệu thì các khu đô thị lớn kéo dài vài chục năm càng cần bảo vệ. Dự án nhỏ không bảo vệ hay bảo vệ dễ dãi sẽ ảnh hưởng lớn lới hoạt động kinh doanh bất động sản của cả doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng cả thị trường. Có thể nhận thấy doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được thương hiệu của mình. Chỉ riêng trong CLB Bất động sản Hà Nội, tính ra mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp đăng kí nhãn hiệu cho dự án của doanh nghiệp".

Ngoài ra, ông Điệp cũng đề xuất, bên cạnh việc phải có chế tài dành cho các cơ quan quản lý cũng nên thực hiện việc tuyên truyền nhận thức về quản lý thương hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đối với các địa phương để xảy ra tình trạng tranh chấp thương hiệu xảy ra nhiều.

Xem chi tiết tại đây

Khách hàng quyết định sự sống còn của sản phẩm, khi nhu cầu của khách hàng thay đổi, thì sản phẩm chắc chắn sẽ phải thay đổi.

Khách hàng quyết định sự sống còn của sản phẩm, khi nhu cầu của khách hàng thay đổi, thì sản phẩm chắc chắn sẽ phải thay đổi.

Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử

Báo cáo từ CBRE Việt Nam, DKRA Việt Nam đều cho thấy, phân khúc căn hộ thương mại, trung tâm thương mại đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Shophouse hoặc phần diện tích dành cho hoạt động thương mại góp mặt ở khá nhiều dự án bất động sản; giá bán các sản phẩm này cũng cao hơn giá nhà ở thông thường.

Tuy nhiên, phân khúc shophouse đang gặp lực cản từ sự phát triển của thương mại điện tử. Theo TS. Phạm Hùng Thắng, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Tài chính Maketing TP.HCM), với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, xu hướng mua - bán trực tuyến đang ngày càng tăng, tạo ra khó khăn nhất định cho các trung tâm thương mại, nhà phố thương mại…

Ông Thắng đánh giá, Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển thương mại điện tử nhờ vào nền tảng sản xuất, mức độ phổ cập Internet cao. Dự báo, số người sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ đạt gần 60 triệu người trong 4 năm tới và thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 30 - 50% mỗi năm. Đặc biệt, sự phát triển của điện thoại thông minh, ví điện tử đã đẩy nhanh sự phát triển thương mại điện tử.

Xem chi tiết tại đây

Ngân hàng ngoại “đổ bộ”, ngân hàng nội mất gì?

Việt Nam đang có tới 34 ngân hàng thương mại, áp đảo hoàn toàn các ngân hàng 100% vốn ngoại ở nhiều mặt về mạng lưới, thị phần cho vay… Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng 100% vốn ngoại chính là danh tiếng, kinh nghiệm cũng như quy mô và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này. Biểu hiện thấy rõ nhất là hệ số CAR cao, chất lượng dịch vụ, khả năng bảo mật được đánh giá tốt hơn. Điều này cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng nội khi mà thị trường ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi nhiều về tín nhiệm, chất lượng dịch vụ và an toàn bảo mật trong giao dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đánh giá, so với các ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài có 3 lợi thế vượt trội hơn hẳn. Ông Minh cho rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ là những đối thủ tiềm tàng của ngân hàng thương mại trong nước thời gian tới.

Mặc dù thời điểm này không quá lo lắng về việc đánh mất thị phần, tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng nội phải đổi mới phương thức quản trị, điều hành để đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn hơn, chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn, đội ngũ nhân viên cần hoàn thiện để phát triển nâng cao năng suất lao động.

Tuy chưa thực sự ấn tượng, nhưng sự xuất hiện của ngân hàng 100% vốn ngoại thời gian qua là một động lực giúp các ngân hàng nội đẩy mạnh đổi mới, nhất là về công nghệ và quản trị. Làn sóng đổ bộ của nhiều ngân hàng 100% vốn ngoại vừa qua vẫn luôn là áp lực với các ngân hàng nội nhưng đó cũng là cơ hội tương tác để phát triển.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top