Aa

Bất động sản giải trí - xu hướng đầu tư của các đại gia

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 11/03/2018 - 21:00

Thời gian vừa qua, nhiều nhà phát triển bất động sản lớn, như Vingroup, Sun Group, BRG, Empire Group…, đã bắt đầu chú trọng đầu tư vào phân khúc bất động sản giải trí. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây sẽ là xu hướng đầu tư vượt trội trong năm 2017.

Nguồn tài nguyên nhiều tiềm năng

Bất động sản giải trí là một khu tổng hợp bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng đi kèm với các khu vui chơi giải trí, mua sắm và các chuỗi tiện ích khép kín. Điểm khác biệt với bất động sản nghỉ dưỡng là giải trí có sự kết hợp hài hòa 3 yếu tố du lịch - giải trí - văn hóa để phù hợp cũng như đáp ứng được mong chờ của mỗi khách hàng.

Mô hình này hiện đang phát triển mạnh ở nhiều nước, như Mỹ, Hong Kong, Tây Ban Nha. Trong khu vực Đông Nam Á, bất động sản giải trí cũng tạo được thương hiệu tại một số nước, như Pattaya (Thái Lan), Genting (Malaysia), Manila (Phillipines), với lượng khách du lịch trung bình đổ về lên tới hàng triệu người mỗi năm.

Trong khi đó tại Việt Nam, dọc từ Bắc vào Nam, các khu vui chơi giải trí người dân thường xuyên ghé thăm nhiều nhất là các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, công viên nước Đầm Sen, công viên nước Hồ Tây. Ngoài ra, các địa điểm truyền thống, như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ…, cũng không kém phần đông đúc.

Khu giải trí Sun Word Hạ Long

Khu giải trí Sun Word Hạ Long

Khu giải trí Sun Word Hạ Long

Vòng quay mặt trời ở Sun Word Hạ Long

Vòng quay mặt trời ở Sun Word Hạ Long

Tuy nhiên, có một thực tế là các khu vui chơi này đang càng ngày dần trở nên nhàm chán. Ngay cả những khu vực vui chơi rộng và gần gũi với thiên nhiên cũng không có nhiều dịch vụ để lựa chọn. Mãi cho đến những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, phân khúc bất động sản giải trí mới đón nhận được nhiều dòng vốn để đầu tư khai thác.

Bên cạnh đó, mặc dù phát triển song song nhưng bất động sản nghĩ dưỡng tại Việt Nam phần lớn vẫn chú trọng đầu tư vào nhu cầu để ở và kinh doanh mà bỏ qua yếu tố giải trí và mua sắm, tiện ích. Trong khi đó, dù là khách đi du lịch nội địa hay khách quốc tế, ngoài chuyện tới ngắm cảnh đẹp và nghỉ dưỡng, họ cũng có nhu cầu rất lớn về vui chơi giải trí.

Các chuyên gia bất động sản đánh giá, so với các loại hình khác thì mô hình bất động sản giải trí có tính đột phá hơn hẳn bởi sự mới mẻ, đa dạng tiện ích. Tại Việt Nam, bất động sản giải trí có nhiều tiềm năng để phát triển khi ngành du lịch còn chưa khai thác hết, sự xuất hiện của các lễ hội vui chơi giải trí, nhu cầu về các trò chơi dân gian truyền thống, casino... cũng ngày càng tăng.

Vinpearl Safari chính thức khai trương năm 2015

Vinpearl Safari chính thức khai trương năm 2015

Bên trong Vinpearl Safari Phú Quốc

Bên trong Vinpearl Safari Phú Quốc

Những đại gia tiên phong trong lĩnh vực bất động sản giải trí

Nhìn lại thị trường bất động sản giải trí Việt Nam trong những năm gần đây, Sun Group là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này cùng nhiều dự án trải từ Lào Cai, Đà Nẵng đến tận Phú Quốc với số vốn đầu tư tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đơn vị này ngoài đầu tư lớn vào dự án cáp treo còn được biết đến khi đổ lượng vốn lớn vào các công viên, cụ thể như công viên giải trí Fantasy, Asia Park tại Đà Nẵng (10.000 tỷ đồng), Sun World Halong Park tại Hạ Long (6.000 tỷ đồng); Kim Quy tại Hà Nội (4.600 tỷ đồng – giai đoạn 1).

Bên cạnh Sun Group là “gã khổng lồ” Vingoup, với các quần thể kết hợp nghỉ dưỡng – giải trí gắn với các thương hiệu Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc. Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu vườn thú Safari rộng 500ha và đầu tư một dự án vui chơi giải trí tại Phú Quốc.

Tiếp bước chân hai đại diện này, thị trường bất động sản giải trí còn nhận được nguồn vốn từ một số nhà đầu tư khác như FLC cũng đặt viên gạch đầu tiên là một công viên giải trí ngang tầm Disneyland tại Vĩnh Phúc, với quy mô diện tích 250ha. Ngoài ra, tại Quy Nhơn, đơn vị này đã đầu tư xây dựng một vườn thú Safari có quy mô 200ha. Tuy nhiên, nổi bật nhất có lẽ là Empire Group, với siêu dự án Cocobay tại Đà Nẵng, rộng 31ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.

Một điểm nhấn trong mảng này, sau khi Chính phủ đồng ý cho xây dựng casino tại Vân Đồn và Phú Quốc, một số nhà đầu tư đã bắt đầu dập dình khai thác mảng này với một số dự án khác. Tiêu biểu có dự án Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án casino tại Đà Nẵng, Hải Phòng…

"Bất động sản giải trí là một mô hình kinh doanh khá mới mẻ, đòi hỏi dòng vốn lớn và thách thức tính sáng tạo cũng như phải có công nghệ cao. Song, đây cũng là kênh đầu tư đầy tiềm năng, là “con gà đẻ trứng vàng” nếu khai thác đúng mạch ngầm”, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top