Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng: Qua "cơn bĩ cực" đến "hồi thái lai"

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 31/05/2020 - 05:55

Dịch Covid -19 đã đẩy bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào cơn “bĩ cực” nhưng đây được đánh giá là lĩnh vực có khả năng bật dậy nhanh nhất, mở ra nhiều cơ hội vàng cho các DN đã và đang chuẩn bị sẵn những chiến lược dài hạn.

Lời tòa soạn: 

Đại dịch Covid-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Nội dung: Phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...

Thành phần tham dự: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.

Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

BỨC TRANH SÁNG VÀ ĐẦY ẮP CƠ HỘI

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỉ USD. Bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút dòng tiền ngoại với tổng vốn đăng ký 665 triệu USD.

Sau “cuộc chiến” với dịch Covid -19, xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã “ngày một rõ rệt” và Việt Nam đang trở thành đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã có kế hoạch di dời nhà máy tại Trung Quốc đến một số nước thứ 3 tại Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam và Indonesia đã được nhiều tập đoàn lựa chọn.

Ngoài ra, từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ cũng đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị nạn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì theo kế hoạch cũ. Trong tháng 2, tờ Nikkei (Nhật Bản) cũng thông tin các “ông lớn” như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch. Tiếp đó, hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam; Công ty Sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu vì dịch Covid-19 cũng chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện về Nhật Bản và sang Việt Nam...

Theo các chuyên gia, những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế, tiếp tục là minh chứng cho bình chọn Top 10 nơi làm việc tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài vào thời điểm cuối năm 2019 của HSBC Expat.  

Với những chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân cùng vượt bão Covid -19, các chuyên gia kinh tế tin tưởng vào khả năng phục hồi và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, tăng trưởng du lịch sau dịch. Đó cũng là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục và tiếp tục chặng đường chinh phục các tiềm năng vươn tầm quốc tế.

Những nỗ lực và cách thức Việt Nam chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế, tiếp tục là minh chứng cho bình chọn Top 10 nơi làm việc tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài vào thời điểm cuối năm 2019 của HSBC Expat.  

Nói rõ hơn về điều này, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, với thành công trong phòng chống, dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn cũng sẽ là điểm cộng thu hút FDI trong thời gian tới. Sau đại dịch, khi lòng tin vào Việt Nam đã tăng lên, khi việc đi lại của các nhà đầu tư không bị hạn chế, các kế hoạch đầu tư tạm hoãn sẽ được khởi động trở lại… 

"Các nhà đầu tư dù có thận trọng hơn nhưng sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến".

TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư)

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cũng nhìn nhận, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng rơi vào khó khăn nhưng đây là thị trường vốn được đánh giá là có nhiều tiềm năng và thu hút được dòng vốn đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Do đó, những khó khăn, biến động của thị trường trong ngắn hạn là cơ hội tốt để sàng lọc lại thị trường cho các chủ đầu tư, nhà môi giới. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp rà soát lại nhân sự, quy trình quản trị, tránh đầu tư dàn trải ồ ạt và cũng là cơ hội để kiểm tra, rà soát lại các dự án, lĩnh vực kinh doanh để sẵn sàng bật dậy.

"Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng còn nhiều tín hiệu lạc quan".

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa

Đầu tiên, Việt Nam đã có những biện pháp xử lý tình trạng dịch bệnh tốt. Khi đại dịch đi qua, thì du lịch chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại, bất động sản nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng. Vì nhu cầu du lịch của người dân rất lớn. Sự tăng trưởng du lịch tất yếu sẽ kéo theo bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi trở lại sau giai đoạn gần như “đóng băng” do dịch bệnh.

Nhìn vào cơ cấu khách nước ngoài đến Việt Nam, có thể thấy, khách đến từ Campuchia, Thái Lan, Na Uy, Mỹ, Nga… đều tăng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Đây là lượng khách có thể bù đắp đi sự thiếu hụt của khách du lịch Trung Quốc. Hơn nữa, đây là lượng khách có khả năng chi tiêu tốt, đóng góp cho nền du lịch”, ông Quý nói.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, kiều hối và xu hướng hồi hương tránh dịch của kiều bào cũng mở ra một cơ hội mới cho các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nếu nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của dòng khách này. Hiện Việt Nam có khoảng 5 triệu kiều bào và hàng trăm nghìn người Việt Nam đang định cư và lao động trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước tham khảo cách Việt Nam phòng chống dịch cũng cho thấy Việt nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã gần như vượt qua dịch bệnh sẽ là điểm sáng an toàn về dịch tễ lẫn kinh tế, chính trị thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Đó là những tín hiệu tốt để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón đầu cơ hội đầu tư của các chuyên gia và các doanh nghiệp địa ốc cũng như người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Ngoài điều kiện tự nhiên phong phú, thích hợp phát triển nhiều dòng sản phẩm nghỉ dưỡng mới lạ, cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong top nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam. Đồng thời cũng cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới.

“Khi thế giới kiềm chế được dịch, các lệnh cấm được gỡ bỏ thì khách du lịch quốc tế sẽ quay trở lại và chọn Việt Nam làm điểm đến an toàn. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sớm phục hồi và trở thành một trong những thị phần có mức tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều kiều bào nước ngoài cũng lựa chọn trở về nước và tìm mua bất động sản như ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng. Ngay khi dịch kết thúc, sẽ có một làn sóng đầu tư từ thương nhân Việt kiều và người nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

"Ngay khi dịch kết thúc, sẽ có một làn sóng đầu tư từ thương nhân Việt kiều và người nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam".

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Trong vai trò kết nối hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đồng tình, việc kiểm soát Covid-19 hiệu quả đang tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp nước này. Với ưu thế tài nguyên tự nhiên, nhiều bãi biển, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là một trong những thị trường được giới đầu tư Hàn Quốc quan tâm, nhất là các khách sạn, resort, sân golf... Tuy nhiên hiện các chuyến bay nối hai nước vẫn đóng băng, nên nhà đầu tư vẫn đang chờ xúc tiến.

PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường này sẽ phục hồi theo 3 giai đoạn. Đầu tiên, du lịch nội địa bùng nổ, các sản phẩm nghỉ dưỡng được hưởng lợi. Giai đoạn hai, các thị trường lân cận khống chế dịch bệnh, mở lại các đường bay Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... mang theo dòng vốn FDI. Tiếp đó, toàn cầu đẩy lùi đại dịch, địa ốc Việt tiếp tục thu hút nhờ ấn tượng chống dịch hiệu quả.

TẬN DỤNG KHÁCH NỘI ĐỊA VÀ ĐÓN ĐẦU DÒNG KHÁCH QUỐC TẾ QUAY TRỞ LẠI

Đó là giải pháp mà nhiều chủ đầu tư đang đặt ra nhằm đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ trong cơn “bĩ cực” đến “hồi thái lai”, nắm bắt những cơ hội khi bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Ngay sau khi lệnh cách ly toàn xã hội được gỡ bỏ, dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, ngành du lịch đã lập tức “thức tỉnh” sau hơn 2 tháng đóng cửa “ngủ đông”. Do chưa thể mở cửa với khách quốc tế nên một cuộc kích cầu nội địa khổng lồ trên diện rộng đã được kích hoạt nhằm khai thác thị trường đang chiếm tới 82,5% trong tổng số khách du lịch hiện nay.

Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu du lịch đang bắt đầu tăng trở lại và sẽ có sức bật lớn trong thời gian tới. Trong đó, nhóm khách nội địa là thị trường chính, sẵn sàng chi trả để giải tỏa tâm lý sau thời kỳ giãn cách xã hội. 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) mới đây đã phối hợp với các địa phương phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, triển khai từ 1/6 - 31/12/2020. Chương trình còn xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút khách.

“Sau khi đỉnh dịch đi qua, thị trường du lịch nội địa đang hồi phục mạnh mẽ từ nguồn khách trong nước không thể di du lịch nước ngoài và chiến dịch “giải cứu du lịch nước nhà” – kêu gọi người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch nhận định.

Ngay từ thời điểm đầu tháng 5, các khách sạn và resort tại các điểm du lịch đã điều chỉnh lại chính sách giá cũng như đưa ra các ưu đãi để đón đầu và đáp ứng nhu cầu của nhóm khách nội địa và khách nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam. Lượng khách tại các điểm du lịch đã nhộn nhịp hơn dù chưa bằng thời điểm hàng năm.

Mặt khác, những năm gần đây, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, kéo theo sự gia tăng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, trong đó có du lịch trải nghiệm. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong vòng 5 năm, lượng khách du lịch nội địa đã tăng gấp đôi từ 38,5 triệu lượt khách năm 2014 lên 80 triệu lượt khách năm 2018. Đến năm 2019, con số này là 85 triệu lượt. Sự tăng trưởng ấn lượng của lượng khách du lịch nội địa với nhu cầu ngày càng cao này chính là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã có những chiến lược dài hạn, cho ra mắt những tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo ra sự khác biệt rõ nét trên thị trường, góp phần nâng cao bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả. Ảnh: Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của CEO Group tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Theo CBRE, sau dịch bệnh, hiện người dân quan tâm những tiện ích nâng cao sức khỏe, đi du lịch theo nhóm nhỏ, chọn các địa điểm dễ dàng di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Do đó, một số địa phương ít phụ thuộc nguồn khách quốc tế như Vũng Tàu, Phan Thiết, Hòa Bình... sẽ phục hồi trong 3 - 6 tháng.

Bên cạnh những gói kích cầu nhằm thu hút dòng khách nội địa, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị những kế hoạch để đón đầu dòng khách quốc tế khi các đường bay trên thế giới được mở cửa trở lại. Và như đã phân tích, Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời của khách du lịch khi hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi và tiếp tục được đánh giá cao trong con mắt của du khách quốc tế nhờ vào nền tảng chính trị ổn định, cùng tiềm năng từ các kỳ quan thiên nhiên, lợi thế vùng biển kéo dài.

Thực tế, thời gian qua, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã có những chiến lược dài hạn, cho ra mắt những tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp, tạo ra sự khác biệt rõ nét trên thị trường, góp phần nâng cao bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả. Có thể kể đến dự án tổ hợp nghỉ dưỡng đã và đang được triển khai xây dựng của tập đoàn CEO. Được xây dựng trên quy mô 358.3 ha tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO là dự án tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế, khu nghỉ dưỡng riêng trên đảo Sonasea Island Retreat, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời từ không gian nghỉ dưỡng vô cùng đẳng cấp, chất lượng.

“Hậu Covid-19, yếu tố an toàn sẽ được du khách đặt lên hàng đầu với nhu cầu gia tăng trải nghiệm nhiều hơn ở các dự án gắn với yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, sở hữu môi trường trong lành. Đây chính là cơ hội tốt cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cao lấy lại đà tăng trưởng trước đó. Dĩ nhiên, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cần một khoảng thời gian để hồi phục hoàn toàn nhằm tạo điều kiện cho số đông các nhà đầu tư tiếp tục trở lại với thị trường vốn nhiều tiềm năng này”, một chuyên gia bất động sản nhận định.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch rất cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và địa phương thời gian qua.

Không chỉ vậy, sự kết hợp của các thương hiệu vận hành quốc tế với những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng cũng sẽ trở thành chất xúc tác giúp quảng bá các sản phẩm nghỉ dưỡng của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

So sánh của Vietnam Capital Partners cũng cho thấy, giá bất động sản nghỉ dưỡng như căn hộ hướng biển hay villa hướng biển ở Phuket hay Bali cao gấp hàng chục lần so với những nơi như ở Đà Nẵng, Phú Quốc hay Nha Trang ở Việt Nam. Đây là những yếu tố giúp bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được dự báo sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.

Đánh giá về tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng trong tương lai, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam nhìn nhận, khi hoạt động du lịch khởi sắc và sôi động trở lại thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Đặc biệt, nếu cơ quan chức năng sớm ban hành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ ràng về quyền sở hữu, loại hình sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Du lịch giữ vai trò là môi trường và nền tảng, còn yếu tố chính sách pháp lý sẽ là cú hích cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới.

"Không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này nên dễ hiểu tại sao thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa bao giờ hết nóng".

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để chủ động dòng vốn, các doanh nghiệp nên tìm cách tiếp cận các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đại diện CBRE đánh giá, số doanh nghiệp huy động được số vốn lớn này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, "doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ ấn tượng, thể hiện triển vọng phát triển và minh bạch giấy tờ mới vượt qua quy trình kiểm duyệt gắt gao của tổ chức tín dụng quốc tế”.

Do đó, nếu được tháo gỡ khó khăn nguồn vốn, khung pháp lý và việc cấp phép dự án mới, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam bứt phá các tiềm năng và sẽ là cơ hội đầu tư lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top