Aa

Bất động sản núi hút khách

Thứ Sáu, 27/09/2019 - 10:55

Cùng với xu hướng ly tâm diễn ra mạnh mẽ, thị trường bất động sản các tỉnh miền núi phía Bắc cũng nắm bắt cơ hội để chào đón các nhà đầu tư có tiềm lực.

Lào Cai đi trước

Xu hướng ly tâm đang diễn ra mạnh mẽ với các thị trường bất động sản truyền thống như Hà Nội, TP.HCM được coi là thời điểm thuận lợi để các tỉnh vùng ven, vùng cao kêu gọi, thu hút đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận Thị trường JLL Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chủ đầu tư bất động sản công bố kế hoạch phát triển ở thị trường ngoài Hà Nội. Cũng cần hiểu rằng, dù mới công bố, nhưng quá trình chuẩn bị đã diễn ra từ vài năm trước. Nó phần nào cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của các chủ đầu tư, cho thấy khả năng dự báo thị trường và đi tắt đón đầu của những doanh nghiệp có tiềm lực, tầm nhìn.

“Có thể nói, nếu đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp mới thực hiện phát triển quỹ đất thì đã là muộn”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Vài năm trở lại đây, khi quỹ đất Hà Nội ngày càng eo hẹp, nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm kiếm quỹ đất, tích tụ nguồn lực đất đai tại các tỉnh vùng ven, thậm chí cả ở các tỉnh vùng biên để thực hiện chiến lược đánh bắt xa bờ, phát triển bền vững và tăng độ phủ thương hiệu, sản phẩm.

Các tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu có sức hút với các nhà đầu tư bất động sản

Không khó để nhận thấy, Lào Cai đã có sự thay da đổi thịt ra sao với sự góp mặt của các đại gia bất động sản. Sun Group về Lào Cai với tổ hợp Sun World Fansipan Legend, đã nâng hạng du lịch cho Lào Cai nói chung và Sapa nói riêng lên một tầm cao mới.

Ngoài Sun Group, sự góp mặt của những tên tuổi khác như Vingroup hay Bitexco cũng đã khiến bộ mặt đô thị TP. Lào Cai trở nên sáng sủa, khang trang và hiện đại hơn. Việc nhiều doanh nghiệp lớn tìm đến Lào Cai cũng mang lại nhiều hơn cơ hội trải nghiệm các sản phẩm bất động sản cao cấp cho người dân địa phương.

Lào Cai mới đây cũng đã phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP. Lào Cai, với tổng số vốn dự kiến lên đến 14.162 tỷ đồng. Các dự án thuộc nhiều phân khúc như trung tâm thương mại, vui chơi giải trí và nhà ở, khu đô thị mới, công viên văn hóa vui chơi giải trí, thể dục thể thao.

Gần đây nhất, Tập đoàn Alphanam cũng công bố hợp tác cùng “ông hoàng resort thế giới" Bill Bensley để thiết kế Dự án JW Marriott Sapa Resort & Spa.

“Chúng tôi mong muốn kiến tạo một sản phẩm nghỉ dưỡng đẳng cấp, có dấu ấn riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo sự hoà hợp với thiên nhiên, văn hoá và con người để hướng đến sự phát triển bền vững cho Sapa”, đại diện của Tập đoàn Alphanam chia sẻ về sự hợp tác này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này sở hữu vị trí tuyệt đẹp tại thung lũng Mường Hoa, Sapa. Rất có thể, sự hợp tác này sẽ đưa du lịch Sapa nói riêng, Lào Cai nói chung vào bản đồ du lịch cao cấp.

Lạng Sơn theo bước

Giống như Lào Cai, Lạng Sơn cũng là một tỉnh vùng biên. Tuy nhiên, thị trường bất động sản xứ Lạng lại chưa phát triển, thậm chí còn ở giai đoạn sơ khai.

Vào ngày 30/9 tới đây, tại TP. Lạng Sơn, sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019. Theo tiết lộ của ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, sẽ có dòng vốn 80.000 tỷ đồng với 100 dự án chảy về Lạng Sơn trong thời gian tới.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm và đầu tư vào tỉnh, có thể kể đến như Vingroup, Sun Group, FLC Group, TMS Group, Apec Group… với nhiều dự án quy mô.

Ảnh: Thành Nguyễn

“Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư như miễn giảm thuế, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh khâu hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án sau cấp phép”, ông Trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trưởng, Lạng Sơn đang tập trung phát triển các khu đô thị và đô thị sinh thái gắn với du lịch. Hình thức áp dụng là đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án.

Nhìn nhận về tiềm năng của Lạng Sơn, ông Nguyễn Việt Thung, Phó chủ tịch Tập đoàn TMS cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư vào Lạng Sơn bởi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng và cơ hội ở địa phương này. Lạng Sơn hiện có nhiều điều kiện thuận lợi như có đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, trong trương lai gần, chỉ cần 90 phút là đã có thể di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Ngoài ra, quan hệ làm ăn giữa Việt Nam và Trung Quốc đang lên, mà Lạng Sơn là một trong những tỉnh vùng biên giữ vai trò quan trọng”.

Đặc biệt, theo ông Thung, thị trường bất động sản ở Lạng Sơn còn đang sơ khai, nên công tác quy hoạch sẽ tốt và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tiên phong. Lạng Sơn sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ thú với nhiều dãy núi đá vôi và điều kiện thiên nhiên, khí hậu tốt.

“Chúng tôi sẽ đầu tư cả 2 phân khúc là bất động sản nhà ở, khu đô thị quy mô nhỏ (từ 500ha trở xuống) và tổ hợp bất động sản du lịch, sân golf”, ông Thung nhấn mạnh.

“Tấc đất là tấc vàng và Lạng Sơn sẽ cố gắng để biến tài nguyên này thành vàng, thành nguồn thu và tạo sự thay đổi cho bộ mặt đô thị. Lạng Sơn hiện đang nỗ lực để đánh thức, khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có, trong đó có đất đai. 

Thời cơ đang đến, Lạng Sơn như một cô gái trẻ trên đỉnh Mẫu Sơn đang được nhà đầu tư đánh thức. Những con sếu đầu đàn sẽ kéo theo nhiều đàn chim khác đến với xứ Lạng”, ông Trưởng cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top