Từ “cơn bão” lên đặc khu kinh tế
Cuối năm 2017, khi thông tin Phú Quốc sẽ nằm trong quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế tương lai, thị trường bất động sản nơi đây đã bắt đầu dậy sóng. Còn nhớ thời điểm đó, chưa bao giờ, chưa khi nào, 2 từ “đảo Ngọc” lại được nhắc đến nhiều như vậy trên bản đồ bất động sản. Giá đất tăng gấp 2, gấp 3… gấp 10 lần chỉ sau một tháng, một ngày rồi tính theo giờ. Câu chuyện kiếm hàng tỷ đồng sau một lần giao dịch đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc khi nhắc về Phú Quốc.
Thời điểm đó, Phú Quốc rơi vào “tâm bão” của cơn sốt đất. Sự đổ bộ của hàng loạt các nhà đầu tư đến từ TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác đã biến một Phú Quốc từng hoang sơ, bình dị trở nên ồn ào và sôi động.
Tất yếu, kỳ vọng về một viễn cảnh tương lai nơi đây sẽ trở thành một đặc khu kinh tế nổi bật về du lịch đã nhen nhóm lên niềm tin của giới đầu tư. Hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc đã đổ bộ vào đảo Ngọc. Phú Quốc khi ấy đã trở thành chiến lược mũi nhọn phát triển của không ít doanh nghiệp. Trong một cuộc đại hội đồng cổ đông, một doanh nghiệp địa ốc có tiếng đã nhấn mạnh tới định hướng phát triển của mình bằng việc lặp lại 3 lần: “Đặc khu, đặc khu và đặc khu!” khi xác định đổ vốn vào Phú Quốc.
Thế mới thấy, giới đầu tư đã đặt vào Phú Quốc niềm tin và sự kỳ vọng như thế nào!
...đến đề xuất “tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu”
Cơn bão Phú Quốc bắt đầu trở nên im lặng kể từ quyết định tạm dừng thông qua Luật Đặc khu vào tháng 5/2018. Cũng từ đấy, Phú Quốc được nhắc nhiều hơn với tiềm năng du lịch sẵn có, một bãi biển dài và thơ mộng, 4 mùa thích hợp để du lịch. Và Phú Quốc vẫn được nhen lên những kỳ vọng về một bức tranh tương lai sáng trong lĩnh vực du lịch.
Dù thị trường Phú Quốc không còn “sốt xình xịch” như thời điểm trước nhưng giới đầu tư vẫn chờ đợi những thông tin tốt lành như xây casino, quy hoạch Phú Quốc thành khu du lịch…
Mới đây, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Thông tin này lại tiếp tục dấy lên những e ngại về sự sụt giảm của thị trường bất động sản nơi đây.
Nhưng, nhìn nhận khách quan rằng, thông tin đó có lẽ chỉ là tác động tạm thời bởi giới đầu tư vẫn cho rằng, ở Phú Quốc, tiềm năng vẫn còn rất nhiều cơ hội.
Chưa kể, ở thời điểm bất động sản nghỉ dưỡng đang lên ngôi, Phú Quốc vẫn có “sức nặng” trong thu hút dòng tiền đầu tư.
Như nhận định của ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản đặc khu, đề xuất của Chủ tịch tỉnh Kiên Giang sẽ giúp thị trường Phú Quốc trở nên thanh lọc. “Về lâu dài, đề xuất này sẽ tác động tích cực đến thị trường. Bởi khi tỉnh chủ động quản lí được thị trường rồi thì sẽ tháo gỡ những nút thắt, thậm chí sẽ cho phép phân lô, chuyển mục đích sử dụng đất… Điều này sẽ kích cầu thị trường”, nhận định của ông Giới với báo chí.
Trước đó, Phú Quốc cũng được Tạp chí CNN bình chọn là là một trong 19 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019. Giới chuyên gia cho rằng, thành tích đó vẫn chưa tương xứng tiềm năng của Phú Quốc bởi hạ tầng du lịch chưa phát triển mà khoảng trống lớn thuộc về các loại hình bất động sản du lịch với chức năng cung cấp dịch vụ lưu trú, mua sắm, giải trí…
Rõ ràng, dù giấc mơ chạm đến đặc khu của Phú Quốc có thể không thành, song, đảo Ngọc vẫn sẽ là điểm sáng mà các nhà đầu tư muốn rót vốn. Bởi cơ hội trở thành điểm du lịch trọng điểm của Phú Quốc sẽ không còn là khoảng thời gian dài.