Aa

“Bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần”

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 09/07/2018 - 06:01

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, thị trường bất động sản 2018 đã đi được nửa chặng đường với những dấu ấn mạnh mẽ. Đáng chú ý, bất động sản sẽ vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần.

Bất động sản Việt Nam thu hút nhà đầu nước ngoài

Ông Troy Griffiths nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có mối quan tâm đặc biệt đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Có được kết quả này là bởi quy mô nới lỏng định lượng (QE) lịch sử cho thấy mức sinh lợi vẫn còn tương đối thấp. Khi QE giảm xuống thì chắc chắn những thị trường mới nổi sẽ chịu một số áp lực, trong đó đặc biệt là hệ thống tiền tệ. Do đó, bất động sản sẽ vẫn là một kênh đầu tư an toàn trong tương lai gần”.

Bên cạnh đó, các hoạt động mua bán và sát nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra khá sôi động trong thời gian qua. Điểm khác biệt chính với Việt Nam vào thời điểm này là hoạt động trên thị trường chứng khoán, với hơn 1 tỷ đô la Mỹ thu về từ IPO trong quý I/2018. Trong khi chỉ số HOSE gần đây đã tạm ngừng giao dịch thì vẫn có một số kênh đầu tư đặc biệt lớn vào các danh mục bất động sản trong tương lai gần.

“Trong lịch sử, không có nhiều cổ phiếu bất động sản niêm yết, trong khi đó các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lại hỗ trợ tính thanh khoản rất tốt cho nhà đầu tư, dù thực tế vẫn còn nhiều quan ngại trong việc định giá. Quản trị tốt, hệ thống chuẩn mực kế toán cải tiến và thị trường chứng khoán ổn định luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với cổ phiếu bất động sản”, ông Troy Griffiths cho hay. 

Nhìn chung, khi so sánh thị trường Việt Nam với khu vực, mức sinh lợi cao luôn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỷ lệ lợi tức cho thuê trên tổng tài sản hợp lý cùng với hệ số lãi vốn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, việc giảm thiểu tình trạng “rủi ro quốc gia” sẽ thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam đang có lợi thế rất tốt để thực hiện bước nhảy vọt từ thị trường truyền thống thông qua các nền tảng, ứng dụng công nghệ tài chính nhằm mang đến những lợi ích to lớn cho ngành bất động sản. Việc không sở hữu hệ thống di sản công nghệ và có một nền văn hóa khởi nghiệp trẻ trung, am hiểu, đầy hứa hẹn giúp các cơ hội để nắm bắt những tiến bộ về công nghệ là vô cùng mạnh mẽ. Do đó, chính phủ đã có một loạt những sáng kiến, nghị định và thông tư mới nhằm hỗ trợ lĩnh vực này. Tuy nhiên, đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các "đồng môn" trong khu vực cũng là một vấn đề lớn.

Cùng với chất lượng tăng trưởng cải thiện của nền kinh tế Mỹ, theo ông Troy, phản ứng của các quốc gia trong khu vực đối với mức nới lỏng định lượng và đà tăng lãi suất của Fed là khá thú vị. Điều này có khả năng thúc đẩy một lượng vốn lớn vào thị trường bất động sản.

Ông Troy đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nội địa đang có nhu cầu đầu tư bất động sản nhà ở, từ đó góp phần tạo dựng đà tăng trưởng kinh tế phát triển sâu rộng hơn. Hệ thống quản trị tốt đã và đang được thiết lập nhằm tiếp tục cải thiện chất lượng kinh doanh, xúc tiến thương mại quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ nhiều lĩnh vực thương mại. Theo đó, trong giai đoạn du lịch có những bước phát triển ngoạn mục, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn sẽ tiếp tục chứng tỏ tiềm năng, cơ hội và đón đầu thị trường”.  

Nhà ở vẫn chiếm ưu thế

Đánh giá chung về từng kênh đầu tư, ông Troy nhận định: “Giai đoạn năm 2013 – 2017 đã chứng kiến mức tăng giá trung bình khoảng 9%/năm ở phân khúc thị trường căn hộ TP.HCM. Đặc biệt, khi tốc độ đô thị hóa cao cùng những giải pháp đẩy mạnh cơ sở hạ tầng đã góp phần mạnh mẽ vào đà tăng trưởng chung. Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực đã dẫn đến nguồn cung căn hộ đều đặn và nhờ đó, thị trường tăng trưởng tương đối ổn định mà không gặp bất cứ bài toán cung vượt cầu đáng kể nào”.

Theo chuyên gia dự báo, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm 2018, đặc biệt là khi thị trường tìm về mức giá trị hợp lý thỏa mãn nhu cầu chủ sở hữu để ở hợp pháp. Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh sẽ tác động đến tất cả phân khúc và đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng. Nhìn chung, giá bán căn hộ ở TP.HCM vẫn thấp hơn so với các thành phố khác như Kuala Lumpur hay Bangkok, mặc dù tốc độ phát triển ở TP.HCM lại cao hơn những thị trường này. Cụ thể trong năm 2017, giá bán căn hộ cao cấp ở TP.HCM chỉ bằng khoảng tầm 90% so với Kuala Lumpur và xấp xỉ 20% so với Singapore.

Mức giá bán trung bình trên diện rộng của thị trường dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm rãi hơn. Giá bán tăng cũng đi liền với những dự án tiêu chuẩn phát triển chất lượng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường nhà ở tiếp tục tăng mạnh bởi những yếu tố tác động như đô thị hóa, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu cũng như quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới trong thời gian tới.

Chưa có dấu hiệu khủng hoảng

Vừa qua, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng thị trường bất động sản có thể xảy ra bóng bóng, có thể là năm 2019. Bà Nguyễn Hoài An, giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, trên thực tế, bong bóng bất động sản đã diễn ra vào các năm 1989, 1999 và 2009. Quy luật là 10 năm 1 lần. Theo đúng chu kì, năm 2019 sẽ rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để khẳng định điều này. Câu hỏi năm 2019 có xảy ra bong bóng hay không cần phải nhìn vào các yếu tố vỹ mô của nền kinh tế như tăng trưởng GDP, lạm phát, FDI, chỉ số phát triển của doanh nghiệp...

Theo đó, bà An phân tích, tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của quý I, GDP trong quý II của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,79% so với cùng kỳ, nâng mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 7,08%, cao nhất trong 8 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) đang ở mức vừa phải là 4% (10 năm trước - thời kì khủng hoảng, lạm phát lên tới 15%).

Bà An nhấn mạnh: "CBRE cho rằng, từ những cơ sở trên, hiện tại chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy thị trường đang đối diện với khủng hoảng và cũng chưa thấy thị trường hội tụ đủ các yếu tố để có thể kết luận là có khủng hoảng vào năm 2019”.

Cũng nhận định về câu chuyện có khả năng xảy ra bong bóng bất động sản hay không, bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam cho hay: "Câu chuyện lo ngại khủng hoảng thị trường là mối quan tâm không chỉ của các nhà đầu tư mà còn của cả Chính phủ. Ở góc độ quản lý vĩ mô, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp điều chỉnh nhằm ngăn chặn khủng hoảng từ bài toán về tài chính, tín dụng đến pháp lý. Tất cả nhằm điều chỉnh sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định và bền vững, tránh để kịch bản khủng hoảng của 10 năm trước bị lặp lại. Về phía nhà đầu tư, họ đã có sự chuẩn bị kĩ khi đưa các sản phẩm mới ra thị trường. Còn phía người mua cũng đã cân nhắc lựa chọn kỹ hơn khi mua sản phẩm".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top