Aa

BĐS Việt Nam tỏa hấp lực khó cưỡng với "đại gia" Nhật

Thứ Năm, 27/07/2017 - 20:00

“Rót” vốn vào thị trường BĐS Việt Nam đang dần trở thành xu hướng đối với giới đầu tư Nhật Bản và một trong những con đường mà giới này lựa chọn để tiến sâu hơn vào thị trường chính là liên kết với các doanh nghiệp trong nước, mua lại hoặc góp những khoản vốn đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2017, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai trong số 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký là 5,46 tỷ USD, chiếm 24,92% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc. 

Khác với sự e dè, thậm chí vắng bóng khi đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trước kia, trong vòng một năm trở lại đây, giới đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu mạnh dạn tăng cường dòng vốn vào lĩnh vực BĐS, nhất là BĐS nhà ở, khu đô thị.

Cùng nhận định trên, Công ty TNHH Jones Lang LaSalle (Việt Nam) cho rằng, Nhật Bản là một trong những nhóm các nhà đầu tư đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 vừa qua.

Các chuyên gia của JLL đánh giá, so với việc nhanh chóng gia tăng về số lượng dự án đầu tư ở các ngành nghề khác, trong lĩnh vực BĐS, các nhà đầu tư Nhật Bản không tham gia ngay vào thị trường một cách ồ ạt mà đi theo từng bước.

trong vòng một năm trở lại đây, giới đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu mạnh dạn tăng cường dòng vốn vào lĩnh vực BĐS, nhất là BĐS nhà ở, khu đô thị.

Trong vòng một năm trở lại đây, giới đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu mạnh dạn tăng cường dòng vốn vào lĩnh vực BĐS, nhất là BĐS nhà ở, khu đô thị.

Phân tích của giới chuyên gia cho rằng, ban đầu, họ tham gia đầu tư vào các toà nhà cho thuê văn phòng, khách sạn, rồi sau đó mới đẩy mạnh vào dòng sản phẩm xây nhà để bán. Một điểm khác biệt nữa của các nhà đầu tư Nhật Bản đó là không đi theo hướng tự đầu tư toàn bộ dự án, mà bùng nổ theo xu hướng chọn hình thức đầu tư gián tiếp, mua cổ phần từ các công ty, hoặc một phần của dự án đã hoàn chỉnh các thủ tục với cơ quan nhà nước. 

Lý giải về cách đầu tư từng bước một của các “đại gia” Nhật Bản, đại diện Công ty CP Đầu tư Nam Long – Đơn vị vừa đạt được thoả thuận với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty (từ Osaka) và Nishi Nippon Railroad (từ Fukuoka) để triển khai dự án Mizuki Park với quy mô vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng tại quận 7, TP.HCM cho rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng.

“Những thương vụ đầu tiên họ thực hiện thường chỉ mang tính chất thăm dò thị trường cũng như xác thực năng lực của đối tác Việt Nam. Nếu thị trường có triển vọng và minh bạch, đối tác Việt Nam chứng tỏ được năng lực triển khai dự án, thì sau đó, đối tác Nhật Bản sẽ tiến hành các thương vụ tiếp theo một cách hết sức nhanh chóng. Đó không chỉ là cách giúp họ thử nghiệm thị trường mà còn là cach tiết kiệm thời gian và thu hồi vốn nhanh hơn so với đầu tư trực tiếp”, vị này cho biết.

Điển hình cho thực tế này là việc nhiều tập đoàn BĐS hàng đầu Nhật Bản, như Haseko, Fujita, Mitsubishi..., đã đầu tư và đang tiếp tục tìm kiếm các dự án BĐS tại Việt Nam. 

TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ.

TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Có thể kể đến một số thương vụ thu hút sự chú ý của giới đầu tư BĐS Việt Nam với dòng vốn đầu tư đến từ Nhật Bản trong vòng 2 năm trở lại đây đó là việc Tập đoàn Mitsubishi đã đầu tư 290 triệu USD để cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển nhà ở tại Dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội). Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, Mitsubishi và Bitexco thỏa thuận thành lập một công ty liên doanh để cùng phát triển 240 căn nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ.

Tháng 9/2016, Công ty TNHH Kajima Overseas Asia (Nhật Bản) đã chi 500 triệu USD cùng Indochina Capital thành lập Liên doanh Indochina Kajima Development (ICC-Kajima) để đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm tới.

Mới đây nhất, Tập đoàn Maeda công bố đã chính thức có mặt trên thị trường BĐS thông qua hợp tác với Công ty Thiên Đức, thành viên của Công ty Golf Long Thành cùng thực hiện dự án căn hộ cao cấp đầu tay Waterina Suites ở khu Thạnh Mỹ Lợi. 

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, với tiềm năng của một nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, cộng với quy mô gần 100 triệu dân có nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở, nghỉ dưỡng..., Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Đặc biệt, ông Thắng cho biết, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6/2017 và dự Hội nghị “ Tương lai Châu Á”  vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, được tháp tùng bởi gần  200 doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được sự quan tâm lớn từ các Tập đoàn, Công ty của Nhật Bản đối với lĩnh vực BĐS du lịch Việt Nam. Có thể kể đến như Tập đoàn khách sạn Hilton, Worldwide ký thỏa thuận trị giá 680 triệu USD để quản lý 1 khách sạn khép kín có 610 phòng tại Việt Nam; và cũng đã có cam kết khác từ nhà đầu tư Nhật bản về việc sẽ đầu tư vào một chuỗi 20 - 25 khách sạn tại Việt Nam…

Ngoài ra, theo CBRE Việt Nam, phân khúc hạng sang phần lớn đều nằm trong tay của các chủ đầu tư nước ngoài với những cái tên quen thuộc của nhà đầu tư Singapore trên thị trường như Captitaland, Kusto, Keppel Land, sắp tới có thêm Fraser, và nay người Nhật cũng đã chính thức gia nhập vào phân khúc hạng sang tại thị trường Việt Nam.

“Đây là minh chứng cụ thể, thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường BĐS Việt Nam, mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS trong các năm tới”, ông Thắng nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top