Aa

Bên kia bờ rào

Thứ Tư, 13/11/2019 - 06:20

Thông thường, một gia đình nông dân ở làng sẽ có chung bờ rào với ít nhất một gia đình khác. Dù là thân hay sơ thì bao giờ họ cũng dựng lên ở chỗ ráp ranh một cái bờ rào.

Bờ rào ấy vừa để đánh dấu mốc giới có ý nghĩa “chủ quyền”, vừa tạo ra những không gian mang tính riêng tư. 

Ngoại trừ những làng cổ, làng nghề, làng buôn bán, do đất chật hoặc do nhu cầu bí mật nghề nghiệp, người ta mới xây tường ngăn, có chỗ cao lút đầu người, cắm mảnh sành, mảnh sứ, thủy tinh hoặc chằng dây thép gai để chống vượt tường, chống sự nhòm ngó từ bên ngoài... Còn lại về cơ bản, chức năng của bờ rào vẫn không thay đổi suốt cả thời gian dài, cho dù thời gian từng xô đẩy nông thôn vào những cuộc chuyển mình đầy bão táp. Nghĩa là, bờ rào vẫn chỉ là đường vạch ranh giới, nhưng tồn tại trong ý thức nhiều hơn trên thực tế. 

Vì thế hoặc chúng được rào “mắt cáo” con trâu chui lọt, hoặc được trồng bằng những cây không có gai, chẳng hạn như ngải cứu, thài bi (cũng là những cây thuốc có thể chữa bệnh lặt vặt như nhức đầu, sổ mũi…), quá lắm mới là ô rô, loại cây có lá răng cưa. Ranh giới hai nhà nào đó thấy trồng tre hoặc cây có gai, chắc chắn giữa họ có vấn đề về quan hệ. Rào cao, kín như bưng, thêm một cái hào sâu... có nghĩa là không muốn nhìn mặt nhau, còn quá nói thẳng ra rằng nhà nào biết nhà nấy, cấm cửa!

Bởi vì trên thực tế, bờ rào lại là nơi diễn ra những giao hảo thân tình giữa hai nhà. Nơi có thể đối thoại không gò bó, không cần nghi thức (sang nhà người khác tối thiểu cũng phải áo xống cho nghiêm chỉnh). Cứ vắt vẻo bên này nói sang bên kia mà được khối chuyện! Nó vừa đảm bảo chủ quyền về lãnh thổ nhưng lại không quá cách biệt. Nó vừa đủ kín đáo mà không bít mất tầm mắt để hàng ngày, mỗi người tự do trên lãnh địa của mình nhưng không đến nỗi khuất mặt hàng xóm. 

Và nó cũng là cái cớ cho những hàn huyên, thăm hỏi nhau không chính thức, biếu nhau từ bát canh cua, bát cà trở đi, mà người biếu và người nhận không cần quá nhiều rào đón, nghi thức. Bờ rào truyền thống, bờ rào cổ sơ chỉ chia mà không ngăn. Ngược lại nó tạo ra cảm giác gắn bó, ấm áp chứ không lạnh lùng chia tách.

Hàng rào xếp bằng đá ở những bản làng miền núi cao

Nhưng bờ rào hóa ra cũng lại chính là nhân chứng trung thực của những biến đổi ý thức và thời cuộc. Chỉ cần nhìn vào hình thức tồn tại cũng như chức năng của nó có thể biết nhiều về nhân thế, thời thế, thời đại. Có thể nói mà không sợ sai: Bờ rào là chỉ số nhạy cảm nhất cho sự thay đổi của bộ mặt nông thôn qua thời gian. 

Từ chức năng phân định ranh giới một cách tượng trưng, nó chuyển dần sang chức năng an ninh và khu biệt. Từ cách mặt nhưng không tạo ra sự cách lòng, nó chuyển sang ngăn mọi tầm quan sát của nhà nọ với nhà kia. 

Khi chiếc bờ rào chỉ đơn thuần là tường ngăn lạnh lùng và kiên cố thì tình làng xóm cũng thay đổi cả về nội dung và hình thức. Những gì trước kia là thiêng liêng, nhất định không thể thiếu được, thì nay thành phiền toái, cản trở nhau làm ăn, phí thời gian một cách vô bổ, thậm chí mua phiền não vào thân.

Được ở chỗ ấy mà cũng mất ở chỗ ấy. Được nhiều hơn hay mất nhiều hơn thì chỉ có trời mới biết.

Trước kia bên kia bờ rào là hàng xóm, tắt lửa tối đèn có nhau.

Còn nay, bên kia cái vật vẫn được gọi bờ rào chỉ là những người cùng làng ở cạnh mình.

Chẳng biết nên buồn hay nên vui...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top