Aa

Bệnh diễn

Thứ Tư, 16/10/2019 - 06:30

Công tác lựa chọn cán bộ cũng giống như xử lý hạt giống qua bộ sàng lọc tiêu chuẩn cao, cần có bộ lọc chính xác và tinh tường, vận hành lành mạnh để loại trước những tật bệnh, rồi mới có thể nói đến các hy vọng khác.

Nói về những bất cập trong công tác cán bộ ở ta, thì thú thực chẳng ai có đủ thời gian. Vì nó quá nhiều, động vào đâu là thấy vỡ ra những điều nhem nhuốc. Chuyện siêu hài mới đây ở Đắk Lắk liên quan đến một nữ nhân viên làm nghề gội đầu, vụt một phát như ngôi sao sáng trên nền trời tài năng và biến thành Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, thực ra chỉ buồn cười vì tính chất thê thảm, chứ không quá lạ. Trước đó chả hàng loạt lái xe được bổ nhiệm gấp thành cán bộ huyện ở một tỉnh khá gần Hà Nội đó sao? Lái xe hay nhân viên gội đầu hoàn toàn có thể thành tổng thống nếu họ thực sự có tài. Chuyện đó đã xảy ra. Vấn đề ở đây là họ được cất nhắc, đề bạt, giao cho những trọng trách vượt quá khả năng của mình hoàn toàn vì vụ lợi, vì những trò lố bịch, vì quyền lực không bị kiểm soát.

Có vô số nguyên nhân dẫn đến kết cục hài hước vừa kể, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất chính là chúng ta tự biến xã hội thành một cái sân khấu để bất cứ ai cũng có thể diễn trò. Người dân thường, nếu diễn, sẽ chỉ gây cười, nhiều khi còn có giá trị xả stress cho đám đông. Trong khi đó, cán bộ, vì là đại diện cho quyền lợi của một bộ phận dân chúng nào đó, một khi chỉ quen diễn, (ở đây chưa nói đến những nguy hại mà nó gây ra) thì trò diễn đó không chỉ mặc định biến mọi thứ thành trò cười, trò đùa, trò lố, trò hề, mà còn vi phạm về mặt đạo đức. Ấy thế mà lạ thay, chuyện đó lại đang là chuyện thường ngày. Không khó gì để thấy các loại cán bộ của ta luôn miệt mài diễn. Thôi thì đủ cả: Diễn lập trường, diễn quan điểm, diễn lòng trung thành, diễn thái độ, diễn đạo đức, diễn lý tưởng, diễn sự trung thực… không thể nào kể xiết. Nói gọn lại một câu: Họ diễn mọi lúc, mọi nơi, mọi thứ.

Diễn kịch là mượn giả nói thật. Trong khi cán bộ diễn thì thật giả lộn tùng xòe, không biết đâu mà lần. Thứ tưởng thật nhưng hóa ra giả trăm phần trăm; điều tưởng thật nhưng còn xa ngút ngàn mới đến sự thật; tình cảm tưởng thật nhưng chỉ có vài phần trăm là thật… Trong khi đó của giả nhiều phen lên ngôi huy hoàng vì những trò diễn. Từ diễn đến tưởng thật hóa ra không xa như ta tưởng. Nhiều cán bộ cả đời quen diễn đến mức anh ta tưởng đó là thật, ngược lại, sự thật sờ sờ thì anh ta bảo là giả.

Đã diễn thì không còn gì có thể gắn với nghiêm trang, nghiêm khắc, nghiêm túc, nghiêm chỉnh. Đã diễn thì mọi thứ đều có thể bị bóp méo, bị nhào nặn, bị thao túng không ai có thể kiểm soát được.

Nịnh nọt còn dễ chữa, chứ bệnh diễn thì tinh vi, khó chữa hơn nhiều!

Nhưng vấn đề mấu chốt nhất là tại sao chúng ta lại cứ để những trò diễn có đất để sống, thậm chí sống khỏe? Và còn hơn thế, khi nhiều nơi, nhiều lúc, với nhiều người, trò diễn, ngay cả khi nó vô cùng thô thiển, luôn vẫn được đánh giá cao, được khích lệ dưới mọi hình thức và vẫn cho người diễn những thứ bổng lộc, chức tước ngoài cả mong ước của họ? Trả lời câu hỏi này chính là phải xem xét lại bằng tinh thần giải phẫu những tiêu chí về năng lực, phẩm cách đòi hỏi ở một cán bộ. Những đánh giá này hiện nay chủ yếu vẫn chỉ dựa trên những lời đầu môi chót lưỡi

Tức là tin vào chính những trò diễn, nhiều khi rất tinh vi của người được quy hoạch.

Thiển nghĩ công tác lựa chọn cán bộ cũng giống như xử lý hạt giống qua bộ sàng lọc tiêu chuẩn cao. Trước hết cần có một bộ lọc chính xác và tinh tường, vận hành lành mạnh để loại trước những tật bệnh, rồi mới có thể nói đến các hy vọng khác. Chỉ xin lưu ý, diễn là một thứ bệnh rất dễ phát hiện nhưng khó chữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top