Ngành xây dựng đã đạt tới điểm khủng hoảng. Theo Liên Hợp Quốc, lĩnh vực bất động sản toàn cầu chiếm khoảng 30 - 40% lượng khí thải carbon của thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng, 91% dân số toàn cầu đang sống ở những khu vực có không khí không an toàn. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, có tới 4,2 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí ngoài trời. Bản đồ chi tiết về ô nhiễm không khí trên toàn thế giới của WHO hướng về Trung và Đông Nam Á - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Trong thập kỷ vừa qua, các quốc gia trên thế giới cũng đã thay đổi cách nhìn nhận về ô nhiễm môi trường. Chính phủ các nước đã có những hành động cần thiết để hạn chế khí thải công nghiệp. Thỏa thuận Paris năm 2016 đưa ra một hành động chung cho tất cả 194 quốc gia thành viên và Liên minh Châu Âu để chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Chương trình hành động Addis Ababa cũng được phê chuẩn bởi tất cả 174 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đặt ra một khuôn khổ về tài chính và tăng trưởng kinh tế phù hợp với các ưu tiên xã hội và môi trường.
Trong bối cảnh đó, các chính phủ châu Á đang đưa ra các hướng dẫn và mục tiêu thực sự cho ngành xây dựng. Một số quốc gia thậm chí còn thiết lập các quy định, các điều luật về việc thực hiện các chính sách môi trường.
Trong khi các hướng dẫn nghiêm ngặt của LEED đã tạo thành tiêu chuẩn quốc tế cho các công trình kiến trúc "có ý thức về môi trường", Cơ quan Xây dựng và công trình Singapore (BCA) cũng có riêng một chứng nhận về công trình tiết kiệm năng lượng và được công nhận rộng rãi trên thế giới. Kể từ năm 2005, chương trình Green Mark đã áp dụng các ưu đãi về tiền mặt cho bất kỳ nhà phát triển nào đạt được tiêu chuẩn Vàng trở lên cho các hành động bảo vệ môi trường.
Henry Woon, Giám đốc tư vấn thiết kế môi trường của văn phòng Atelier Tenedom Singapore cho biết, hướng dẫn đấu thầu đất của Cơ quan tái phát triển đô thị và các đánh giá khác nhau của BCA (như chỉ tiêu Green Mark)... rất hiệu quả trong việc thúc đẩy các nhà phát triển triển khai các không gian xanh.
Theo báo cáo của BCA, một công trình gần đây đạt được thứ hạng cao nhất của Green Mark, hạng bạch kim, là nhà kho Yang Kee mới của LOGOS Property. Theo đánh giá của BCA, công trình này tiết kiệm gần 20.000m3 nước, và 1,77 triệu KWh năng lượng mỗi năm. Tòa nhà cũng triển khai hệ thống điều hòa không khí được thiết kế để đáp ứng chỉ tiêu hiệu quả là 0,73KW mỗi tấn lạnh (con số thông thường là 1,22KW). Công trình còn có cả đèn LED hiệu quả cao, vườn trên cao, sân trong...
Đối với các nhà phát triển bất động sản, đạt được thứ hạng cao nhất - thứ hạng bạch kim của Green Mark - nghĩa là giảm được 50% chi phí bảo trì, chi phí năng lượng của tòa nhà. Chi phí này sẽ được BCA chi trả.
Cùng với HongKong và Nhật Bản, Singapore là một trong 3 quốc gia, vùng lãnh thổ của châu Á lọt Top 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (GCI). Chỉ số này xếp hạng các quốc gia trên các chỉ tiêu về năng suất, cơ sở hạ tầng và thị trường lao động... Không phải ngẫu nhiên mà những cái tên có vị trí cao trong GCI lại là những cái tên chủ động nhất trong việc theo đuổi các chính sách và sáng kiến xanh.
Viết trong bài báo nghiên cứu Kinh tế Xanh: Các biện pháp chính sách cho phát triển kinh tế Xanh ở châu Á, ông Daniele Ponzi đã nêu: “Các quốc gia có thu nhập cao, cả trong khu vực và trên thế giới, đang dẫn đầu trên hành trình theo đuổi các sáng kiến tăng trưởng xanh”. Bài báo cũng chỉ ra rằng, dù chính sách môi trường ở các nền kinh tế châu Á vẫn đang chậm tiến độ, không hiệu quả hoặc đơn giản là không được triển khai, nhưng cũng đã có một số quốc gia thu nhập trung bình và thấp cũng bắt tay vào công cuộc này. Họ đang thách thức lại các tuyên ngôn “phát triển trước, môi trường sau” và cũng đã cam kết tăng trưởng xanh.
Ví dụ như Philippines, quốc gia này chỉ đứng ở vị trí 56 trên GCI, kém Indonesia ở vị trí 36 và Thái Lan ở vị trí 32, nhưng gần đây, họ đã có những bước tiến để theo kịp các quốc gia phát triển nhất về các cam kết bảo vệ môi trường. Jean Philipquelyn Nathania A. de Castro, Giám đốc điều hành của ESCA Inc., một công ty tư vấn thiết kế và kỹ thuật có trụ sở tại Philippines cho biết, Philippines có những điều luật rất mạnh mẽ tập trung vào sự bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong đó, Đạo luật tiết kiệm và tiết kiệm năng lượng đang chờ sự phê duyệt của Tổng thống để trở thành luật tiếp theo được thực thi. Đây là cách để chuẩn hóa hiệu quả năng lượng và các biện pháp bảo tồn, bằng việc điều chỉnh việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà. Đạo luật này cũng ban hành các hướng dẫn về yêu cầu tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà trong quá trình cấp phép xây dựng.
De Castro cũng cho biết, nhiều nhà phát triển bất động sản như Tập đoàn NET và Arthaland là những công ty đang dẫn đầu xu hướng bất động sản xanh ở Philippines. Bên cạnh đó còn có Imperial Homes, đơn vị chuyên cung cấp năng lượng mặt trời tại các dự án nhà ở giá rẻ.
Mặc dù hiện tại, việc giảm đáng kể lượng khí thải carbon sẽ chỉ đạt được kết quả nhờ các điều luật tích cực và được thực thi tốt, nhưng ít nhất trên thị trường bất động sản khắp châu Á ở thời điểm hiện tại đã nhìn thấy những sự chủ động trong các công trình, kiến trúc xanh. Vì yếu tố này đã thể hiện trực quan đối với các dự án và môi trường. Các cảnh quan, dù là những bức tường xanh hay các khu vực công cộng như công viên... đều đã được các nhà phát triển bất động sản chú ý và đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong bất động sản hiện đại.
Ở những thị trường như Indonesia, nơi mà các khu đô thị khép kín thường được phát triển mạnh ở những vùng ngooại ô mới thì công viên và không gian xanh là một phần cốt lõi của bất kỳ dự án nhà ở nào. Một ví dụ điển hình có thể kể đến như Kota Baru Parahyangan, một thành phố mới trải dài ở khu vực Tây Java. Được mô tả là một “thành phố vườn”, dự án này có sức chưa tới 100.000 cư dân trong diện tích 116ha. Dự kiến mất khoảng 20 năm để hoàn thiện toàn bộ đô thị này.
Kota Baru Parahyangan ở Tây Java (Indonesia) là một ví dụ điển hình của mô hình đô thị nơi công viên và không gian giải trí xanh là thành phần cốt lõi của bất kỳ dự án nhà ở nào.
Xét với những môi trường đô thị quá đông đúc và dày đặc, dự án Mount Pavilia của HongKong là một biểu tượng của xu hướng thiết kế chung cư hiện đại. Xen giữa những tán lá xanh, những bãi cỏ xanh mượt là những bức tường uốn lượn màu trắng thanh nhã. Dự án này đã giành được nhiều giải thưởng về thiết kế cảnh quan, bao gồm HK Green Building Award 2016, FuturArc Green Leadership Award 2018, and Asia Property Awards 2018 Best Condo Development (HongKong).
Christian Dierckxsens, Giám đốc Thiết kế cảnh quan tại công ty kiến trúc Atkins Global có trụ sở tại HongKong, cho biết: "HongKong có những cách tiếp cận rất tinh vi và đặc sắc để thiết kế cảnh quan cho các công trình, công tác này còn nhận được sự hỗ trở bởi các viện cảnh quan địa phương. Có một loạt các ràng buộc được xem xét bởi kiến trúc sư cảnh quan của địa phương. Chúng bao gồm tỷ lệ mảng xanh ở các công trình, tỷ lệ bảo tồn các cây xanh vốn có hoặc tỷ lệ tích hợp giữa phần xanh vốn có vào công trình".
Tuy nhiên, Dierckxsens cũng chỉ ra rằng, cảnh quan thông minh rất hiệu quả trong việc cắt giảm tiêu hao năng lượng ở các dự án, nhưng nó đòi hỏi nhiều sự tích hợp của các biện pháp xây dựng xanh hơn so với các dự án bình thường khác, chứ không chỉ đơn giản là trông cây xanh ở khắp nơi.
Các tòa nhà cắt giảm được lượng tiêu thụ năng lượng xuống mức thấp hoặc thậm chí bằng 0 (mức tiêu thụ bằng mức sản sinh năng lượng) chỉ có thể trở thành hiện thực khi nhà phát triển bất động sản nắm bắt được các công nghệ mới nhất. “Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày một tồi tệ, những công trình xanh sẽ trở thành tiêu chuẩn của tương lai”, de Castro khẳng định.
Bà cũng phác thảo ra 3 biện pháp mà các quốc gia châu Á cần áp dụng nếu muốn việc tiêu thụ năng lượng tại các công trình bằng 0 trở thành hiện thực, trong đó có việc Mô hình hóa thông tin tòa nhà (BIM – Building Information Modelling).
Thực tế từ những năm 1980, (dù không được biết đến với cái tên Building Information Modelling), BIM đã cho phép các nhà phát triển bất động sản đăng nhập và quản lý tất cả các mô hình thông tin của tòa nhà. Ngay từ thời điểm đó, năng lực quản lý năng lượng của nó đã rất lớn. Ngoài việc cung cấp các mô hình động cho phép cộng tác giữa các nhà thiết kế, kỹ sư và nhà xây dựng, BIM còn có thể giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng của tòa nhà thông qua giám sát và kiểm soát các tiện ích hoặc xác định và thông báo về các lỗi bảo trì, từ rỏ rỉ nước đến việc tiêu thụ năng lượng quá mức.
Nhiều nền kinh tế phát triển nhất châu Á đã bắt đầu ứng dụng BIM từ rất lâu trong tất cả các công trình do chính phủ phát triển. Ví dụ như Singapore, Nhật Bản đã tích hợp chiến lược BIM của riêng mình từ đầu những năm 2010. Những quốc gia khác cũng đang bắt đầu tham gia vào quá trình này. Kể từ tháng 1/2018, HongKong đã chỉ đạo rằng tất cả các dự án của chính quyền có tổng mức đầu tư trên 3,8 triệu USD phải kết hợp BIM. Trong khi đó Malaysia cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 cho chương trình phát triển BIM giai đoạn 2 trong Chương trình chuyển đổi ngành xây dựng 2016 – 2020.
Công nghệ liên quan đến BIM luôn đi đầu trong các hoạt động phát triển xanh.
“Các tòa nhà luôn nên được theo dõi các số liệu chính về hiệu suất sử dụng năng lượng, tính an toàn, tính đảm bảo sức khỏe cho cư dân… để chủ đầu tư nắm được và có các biện pháp điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân cũng như khách thuê”, Chungha Cha, người đồng sáng lập Tổ chức Korea’s Re-Imagining Cities Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy phát triển bất động sản xanh chia sẻ quan điểm. Cũng theo ông Cha, nếu các tòa nhà vượt ra ngoài các phạm vi về năng lượng, tài nguyên và các chỉ số sức khỏe thì cần phải chịu hình phạt nghiêm khắc.
90 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở châu Á
Dù nói vậy, nhưng phải nhìn nhận rằng, hiện tại mới chỉ có rất ít các nhà phát triển bất động sản trong khu vực nắm bắt được tiềm năng của công nghệ để giảm thiểu lượng khí thải carbon. Theo ông Cha, chỉ có cách thông qua các chính sách, các điều luật thì mới có thể thúc đẩy được quá trình xanh hóa các công trình.
Trong khi các quốc gia châu Á vẫn đang khá chậm chạp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng như LEED và BREEAM, thì các khu vực khác trên thế giới đang chứng minh rằng việc xây dựng các tòa nhà có mức tiêu thụ năng lượng bằng 0 là hoàn toàn khả thi. Ở California (Mỹ), mục tiêu năm 2020 sẽ có 100.000 ngôi nhà không năng lượng đang rất khả thi. Nếu điều này được hiện thực hóa sẽ trở thành tấm gương cho sự phát triển trong tương lai.
Ông Cha chia sẻ: Chúng ta cần làm theo cách California đang làm, bằng cách yêu cầu tất cả các chung cư, tòa nhà phải đạt được mức tiêu thụ năng lượng bằng 0. Chúng ta phải giảm lượng khí thải GHG phát ra từ các tòa nhà để chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Các tòa nhà cũng phải được trang bị các hệ thống công nghệ, kỹ thuật để đạt được mức không tiêu thụ nước và không lãng phí năng lượng.
Trong khi đó ở châu Á, các biểu đồ bụi mịn PM2.5 của Tổ chức Y tế thế giới đang vẽ lên một viễn cảnh đáng sợ. Tất cả 90 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở lục địa này. Sự phát triển của các công nghệ và giải pháp xanh ở các quốc gia đang phát triển sẽ quyết định tương lai môi trường của khu vực. Việc các chính sách ngày càng được áp dụng chặt chẽ, từ các quốc gia phát triển đến đang phát triển, đều cho thấy các phong trào xanh đang phát triển và được đón nhận. Nhưng tất cả những điều này chỉ có tác dụng khi được thực thi nhất quán.