Aa

Biến hộ khá giả thành hộ cận nghèo: Bịt lỗ hổng thực thi chính sách ở địa phương

Thứ Ba, 26/05/2020 - 16:00

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành vi có dấu hiệu trục lợi chính sách, lấy của người nghèo chia cho nhà giàu, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để tránh trường hợp chi trả sai đối tượng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, một số người dân xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có đơn tố cáo về việc cán bộ xã có sai phạm trong việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19. Theo đó, tại thôn Tu Mục 1 và Tu Mục 2, xã Yên Thọ có nhiều hộ được gọi là "cận nghèo", nhưng thực tế lại là hộ khá giả. Những hộ này có tên trong danh sách hộ cận nghèo của xã nên được nhận hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ, với số tiền 750.000 đồng/nhân khẩu.

Trái ngược với cảnh tượng trên, tại địa phương, có rất nhiều hộ dân hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà cấp 4 khá xập xệ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng họ vẫn không được đưa vào diện hộ nghèo, cận nghèo.

Trước thông tin tố cáo nêu trên, UBND huyện Yên Định đã vào cuộc, xác minh vụ việc. Mới đây, cơ quan này vừa ban hành kết luận số 03/KL-UBND về việc xác minh nội dung tố cáo lãnh đạo, cán bộ xã Yên Thọ với nội dung nêu trên.

Qua kiểm tra, UBND huyện Yên Định đã làm rõ có 9 hộ thuộc diện khá giả nhưng lại được nhận hỗ trợ vì là người nhà của cán bộ thôn, xã. Đồng thời, có 6 hộ hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hình vi có dấu hiệu trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để tránh trường hợp lấy tiền hỗ trợ của hộ nghèo chi trả cho hộ khá giả.

PGS.TS Bùi Thị An: "Tôi thật sự rất tiếc!"

Xảy ra chuyện người đi ô tô, ở nhà tầng kiên cố, hay người có quan hệ với cán bộ xã lọt danh sách hộ cận nghèo là điều đáng buồn. Vụ việc có dấu hiệu trục lợi chính sách. Trách nhiệm thuộc về người được giao nhiệm vụ đã không làm đúng, nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ tiền Covid-19 cho các đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng.

Cán bộ được giao quyền, thực thi nhiệm vụ (bình xét hộ nghèo, cận nghèo...) khi lập danh sách chi trả, nếu phát hiện không đúng đối tượng thụ hưởng thì phải gạch tên ngay. Đáng trách hơn là trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ có dấu hiệu tư lợi, không gương mẫu khi “nhét” người có quan hệ họ hàng với cán bộ vào danh sách nhận hỗ trợ.

Những vi phạm này có trách nhiệm của cấp quản lý tại địa phương - nơi được phát giác vi phạm. Đừng đổ lỗi cho người dân trong trường hợp này (chỉ hộ khá giả lọt vào danh sách cận nghèo) bởi trách nhiệm chính thuộc sự thiếu nghiêm túc của cán bộ địa phương khi thực hiện chính sách. Do đó, trong trường hợp cấp xã làm sai thì cấp huyện phải vào cuộc làm rõ. Cấp huyện không làm được thì cấp tỉnh phải xử lý. 

PGS.TS Bùi Thị An.

Tôi thật sự rất đáng tiếc khi thời gian qua tỉnh Thanh Hóa xảy ra một số vụ việc khiến dư luận không đồng tình như chuyện "dê đi lạc vào nhà quan", rồi chuyện hỗ trợ tiền Covid-19... Những sự việc điển hình này đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của người Thanh Hóa nói chung.

Tôi đề nghị Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra thực tế vụ việc và xử lý nghiêm cán bộ một cách nghiêm túc, nghiêm khắc để không lặp lại những chuyện đáng buồn như vậy. Bên cạnh đó, cần tăng cường, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị khác để việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đạt hiệu quả hơn.

Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội: Lỗ hổng từ cơ chế quản lý

Rõ ràng vụ việc nêu trên cho thấy hiện tượng "phân chia lợi ích" (mang tính tiêu cực - PV) khá rõ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung. Điều đau lòng nhất đó là, những đối tượng được cho là “yếu thế” trong xã hội đáng ra phải nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thì lại bị tước đoạt quyền lợi bởi những người thực thi nhiệm vụ.

Đây là hành vi “xâm phạm” chính sách. Nó có thể xuất phát từ lỗ hổng trong quản lý Nhà nước ở địa phương. Bởi, nếu việc Nhà nước quản lý lỏng lẻo sẽ tạo ra các kẽ hở cho nạn tham nhũng, tiêu cực nảy sinh và phát triển. Do đó, một khi cơ chế quản lý có nhiều lỗ hổng thì việc người ta không “ăn” hối lộ mới là điều không bình thường. 

Ông Trần Quốc Thuận.

Câu nói của bà Nguyễn Thị Doan “người ta ăn của dân không từ thứ gì” phần nào cho thấy lỗ hổng về cơ chế quản lý, khiến tham nhũng có đất sống. Người có ô tô, ở nhà lầu mà vẫn lọt danh sách nhận tiền hỗ trợ thì đúng là tham lam không từ thứ gì.

Từ vụ việc nhỏ này ở Thanh Hóa có thể nhìn rộng ra vấn đề thực hiện thanh, kiểm tra chính sách xóa đói giảm nghèo, mua sắm công...  Liệu rằng, việc thực hiện chính sách nêu trên từ trước đến nay có tiêu cực hay không? 

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ: Cần công khai, xử lý nghiêm vi phạm

Dịch Covid-19 tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất co hẹp kéo theo đời sống sinh hoạt của người lao động bị ảnh hưởng. Việc ổn định đời sống xã hội cũng chính là tiền đề duy trì lực lượng lao động, sẵn sàng cung ứng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh. Đây là yêu cầu bức thiết của nền kinh tế, do đó cần phải có chính sách, giải pháp cụ thể trong giai đoạn hiện nay.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhận thức rõ thực trạng trên nên đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đời sống đối với người lao động bằng gói 62 nghìn tỷ đồng. Đối tượng hỗ trợ đã rõ, nhưng, quá trình triển khai thực hiện đang đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn luận. 

Trước hết phải khẳng định chủ trương trên là đúng, nhân văn, nhưng ở một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai hoặc phát hiện vi phạm trong quá trình thực hiện.

Xin được nói rõ, thực tiễn ở Việt Nam, việc xác định cơ sở quản lý đối với người lao động, nhất là lao động tự do vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này còn gặp khó khăn. Nếu làm nhanh dẫn đến chi trả không đúng đối tượng và việc thực hiện chính sách sẽ lệch lạc. Nhưng nếu làm quá chặt, sẽ "đẻ" ra nhiều quy trình để xác nhận đối tượng thụ hưởng, nhưng lỡ mất thời điểm vàng hỗ trợ người lao động trong thời điểm họ đang gặp khó khăn.

Đối với hộ nghèo, hộ chính sách hiện nay đã có cơ sở, có căn cứ rất rõ, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể cho các cấp các ngành thực hiện, chống việc trục lợi chính sách, chi sai đối tượng chiếm đoạt nguồn ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ.

Thời gian qua, một số địa phương đã bộc lộ việc trục lợi chính sách từ gói hỗ trợ này bằng việc đưa người nhà, họ hàng, người khá giả vào diện được hưởng hỗ trợ. Bên cạnh đó, vì bệnh thành tích mà người ta vận động người dân không nhận hỗ trợ Covid-19. Đây là những hành vi không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.

Quay trở lại sự việc trên, tôi xin khẳng định, những đối tượng có nhà lầu, xe ô tô không thuộc diện nghèo. Bất cứ tổ chức cá nhân nào cấp kinh phí từ nguồn 62 nghìn tỷ cho những đối tượng trên là không đúng quy định. 

Người nào làm sai phải bị công khai xử lý. Để làm được điều này, trước hết phải xác định chế độ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực thi chính sách. Bên cạnh đó, cần phải công khai thực thi giám sát quyền lực trực tiếp đối với cơ quan thực hiện nhiệm vụ. Nếu địa phương chưa rõ, chưa hiểu việc thực hiện thì các Bộ, ngành trung ương phải có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, minh bạch. Trường hợp hướng dẫn chỉ đạo rõ rồi mà cấp nào làm sai thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bố công khai. 

Việc này không chỉ có ý nghĩa ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, mà còn có ý nghĩa răn đe cán bộ, để đảm bảo mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách nhân văn, nhân đạo đi vào cuộc sống hiệu quả, thiết thực hơn. Nếu ai đi ngược với những chủ trương chính sách nhân đạo, nhân văn này thì tôi cho rằng đó là hành vi không thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, để khắc phục được những vi phạm này, cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh việc kiểm tra cấp dưới trong vấn đề thực hiện chính sách (thực hiện có đúng đối tượng không? Có kịp thời không?). Đồng thời, đưa ra biện pháp để tháo gỡ một cách kịp thời khi cấp dưới gặp khó.

Ngoài trách nhiệm của cơ quan công quyền thực thi nhiệm vụ, để thực tốt việc chi trả, tránh các hiện tượng tiêu cực, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nếu làm công khai minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan nói trên, thì vấn đề vi phạm, tham nhũng sẽ được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top