Aa

Biến tướng của hợp đồng BT: "Biết rồi, khổ lắm..." mà sao vẫn sai phạm?

Thứ Bảy, 16/03/2019 - 06:01

Hơn 10 năm đi vào thực tiễn, BT đã từng được kỳ vọng trở thành hình thức góp phần kiến tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng đất nước. Nhưng đến bây giờ, các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT lại tạo ra những hệ lụy, gây thất thoát tài sản, lãng phí tài nguyên. Song, lạ rằng, dù cơ quan, ban ngành đã vào cuộc, dù dư luận lên tiếng nhưng sai phạm của một số dự án BT vẫn đâu lại hoàn đó.

Trước đó, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Chỉ một trong 12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Nhưng thực chất đều là một người lập và "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp "con". Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoát cho ngân sách.

Trước những vấn nạn nhức nhối đó, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo yêu cầu thanh tra, rà soát, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT. Ngày 24/9/2018, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ nhóm giải pháp để xử lý khoảng trống pháp lý trong việc thực hiện hợp đồng BT.

Nhưng đến hiện nay, những biến tướng từ hợp đồng BT vẫn “hiên ngang” tồn tại, “sai phạm vẫn hoàn sai phạm”, khiến dư luận bức xúc.

Điều bất cập trong những dự án được thực hiện theo hình thức BT có thể kể tới, đó là những quỹ đất đối ứng đã hình thành sản phẩm địa ốc nhưng tuyến đường chính lại vẫn... còn dở dang. (Thực hiện: Thảo Liên)

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, những dự án thực hiện theo hình thức BT vướng phải sai phạm vẫn "dậm chân tại chỗ" mà chưa tìm được giải pháp triệt để. Để làm rõ hơn vấn đề này, Cà phê cuối tuần xin chia sẻ cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.

PV: Không phải đến bây giờ, những dự án được thực hiện theo hình thức BT mới khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, trong năm 2018, Chính phủ đã có những chỉ đạo nhằm xử lý triệt để các dự án sai phạm. Nhưng rồi, đến đầu năm 2019, vấn nạn BT lại một lần nữa “nóng” lên trên các diễn đàn. Thưa TS. Vũ Đình Ánh, tại sao, đã nhiều năm trôi qua, dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nhưng những sai phạm liên quan đến hợp đồng BT vẫn như căn bệnh nan ý khó chữa?

TS. Vũ Đình Ánh: Bản chất BT là một hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Do thiếu nguồn ngân sách nên nhiều địa phương đều thực hiện theo hình thức BT để phát triển hạ tầng.

Trong hợp đồng BT, sai phạm thông thường xảy ra ở cả 3 khâu: Khâu thứ nhất là lựa chọn nhà đầu tư; khâu thứ hai là xác định giá của dự án; khâu thứ ba là xác định giá đất để đổi lấy cơ sở hạ tầng. Chính vì cơ chế đổi đất lấy hạ tầng có nhiều điểm sơ hở như vậy nên khi thực hiện thanh tra, cơ quan quản lý phát hiện rất nhiều các sai phạm.

Tuy nhiên, đây là việc của chính quyền địa phương. Họ thực hiện các hợp đồng BT bởi họ cần xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng thiếu nguồn vốn. Điều này dẫn tới xung đột về quản lý giữa chính quyền địa phương và chính quyền TW. Đó chính là nguyên nhân tại sao các dự án BT cho đến nay vẫn không có một câu trả lời dứt khoát và dứt điểm, kể cả việc tiếp tục thực hiện các dự án BT hay là xử lý các sai phạm liên quan các dự án BT như thế nào.

Năm 2018, Bộ Tài chính có yêu cầu dừng các dự án BT vì bản chất khi đổi đất lấy cơ sở hạ tầng thì đây là sử dụng tài sản công. Mà tài sản công thì được quản lý tập trung, thống nhất từ TW đến địa phương.

Tuy nhiên, các địa phương đặc biệt là các đô thị lớn vẫn chưa thống nhất với ý kiến này. Đó cũng là nguyên nhân khiến các dự án BT cho đến nay, dù có những kết quả đạt được cũng như hạn chế hay định hướng cần phải điều chỉnh, sửa đổi vẫn chưa xử lý một cách dứt điểm.

PV: Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó, với những dự án chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT và đặc biệt nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Song, có dự án, dù Thanh tra Chính phủ đã đưa ra các kết luận liên quan tới những sai phạm trong việc đấu thầu, chậm tiến độ thi công dự án và đưa ra các biện pháp xử lý nhưng thực tế, nhà đầu tư vẫn tiếp tục được thực hiện công trình đó và…có khi còn được gia hạn. Phải chăng là do cơ quan quản lý địa phương vẫn còn thờ ơ, chưa mạnh tay, ráo riết thực hiện?

TS. Vũ Đình Ánh: Ở đây không phải là sự thờ ơ như đã khẳng định mà các dự án BT do chính quyền địa phương thực hiện, quản lý. Trong khi đó, các cuộc thanh tranh của các bộ, ngành TW đã phát hiện ra những sai phạm, thậm chí là các sai phạm rất lớn nhưng chính quyền địa phương sẽ cho rằng, những dự án này đang tiến hành theo hợp đồng nên không thể hủy bỏ.

Thứ 2, các cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động lẫn với các dự án BT đã được chính quyền địa phương thực hiện trong 1 thời gian dài. Bản thân chính quyền địa phương cũng như các cơ quan ở địa phương có liên quan họ lại không chấp nhận các kết luận thanh tra.

Thứ 3, trong một thời gian chúng ta phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các cấp chính quyền địa phương. Do đó khi có các sai phạm xảy ra thông thường không tạo ra được sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương và chính quyền TW, gắn với đó là chưa có các cơ chế để xử lý các sai phạm đã xảy ra, đặc biệt các sai phạm đó không có sự đồng thuận.

Ví dụ, cơ quan thanh tra ở TW khẳng định đó là sai phạm thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, tuy nhiên ở chính quyền địa phương lại cho rằng đó là đặc thù của địa phương hay do hoàn cảnh xây dựng hoặc do nguyên nhân khác nên họ không tiến hành xử lý các sai phạm đó.

PV: Gốc rễ của những biến tướng hợp đồng BT nằm ở đâu, khi vấn nạn này cứ kéo dài như vậy mà rõ ràng, hệ lụy của nó là những “thiệt kép” đang nghiêng về phía Nhà nước?

TS. Vũ Đình Ánh: Hầu hết các dự án BT đều thực hiện theo dạng chỉ định thầu. Cơ chế cách đây hơn 10 năm, khi dùng thuật ngữ đổi đất lấy hạ tầng thì đều là dự án do nhà đầu tư đề xuất, thậm chí họ cũng chỉ ra những khu đất dùng để đổi xây dựng cơ sở hạ tầng.

Do đó, vi phạm các quy định về đầu tư tức là không thực hiện đấu thầu. Bản thân các tài sản sử dụng để đối ứng cho dự án cũng phải định giá và chỉ định mà không sử dụng hình thức đấu giá. Có thể nói cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư cũng như tạo ra khá nhiều dư địa cho cơ quan quản lý có liên quan. Các dự án đa phần có thể vi phạm vì hầu hết là chỉ định.

Ở địa phương có nhiều các công trình BT như vậy do các nhà đầu tư chỉ đăng ký dự án. Sau đó, họ sử dụng đất được đổi lấy dự án và triển khai, thi công công trình của mình trên đó để kiếm lợi, trong khi dự án chính thức của xã hội lại không làm. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn nhận rất nhiều dự án khác nhau theo hình thức BT nhưng hầu hết các dự án chính đều kéo dài thời gian. Do thời gian thi công dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phát sinh thêm khác khoản chi phí khác, càng gây khó cho phía cơ quan quản lý và cho cả nhà đầu tư. Hệ lụy còn ảnh hưởng tới những người dân ở địa phương có đất liên quan, đến cả dự án đầu tư cũng như dự án được sử dụng đối ứng.

Những dự án được thực hiện theo hình thức BT đều phát sinh các sai phạm vì có thể nói bản chất nó đã bị mắc từ gốc khi mà: cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện việc đấu thầu các dự án mà hầu hết là đề xuất của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đúng ra phần đất để đổi lấy cơ sở hạ tầng cần phải đấu giá và thông qua đó thu tiền để nhà đầu tư sử dụng, thay vì chúng ta áp dụng hình thức BT như hiện nay. Rõ ràng, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đã tạo ra rất nhiều những khoảng trống gây ra thiệt hại đáng kể cho Nhà nước, xã hội và nhân dân.

PV: Sai phạm đã được chỉ ra, năng lực nhà đầu tư cũng được thấy rõ sau khi dự án đi vào quá trình thực hiện, thưa TS. Vũ Đình Ánh, đối với dự án vẫn còn tồn đọng sai phạm thì đâu là giải pháp để xử lý triệt để?

TS. Vũ Đình Ánh: Đối với các dự án tồn đọng, phải rà soát và chia ra làm các loại cùng hướng xử lý như sau:

Thứ nhất, đối với nhóm nhà đầu tư thực sự không có khả năng triển khai và để dự án kéo dài quá lâu không còn giá trị, tính khả thi thì cần phải thu hồi các dự án đó. Đặc biệt, đối với các dự án xảy ra sai phạm từ phía nhà đầu tư trong quá trình triển khai thì những dự án đó phải thu hồi, thậm chí, trong một số trường hợp phải xử lý trách nhiệm hình sự của những người có liên quan.

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư không có sai phạm, tuy nhiên, do họ ôm đồm quá nhiều dự án hoặc do quá trình phát triển họ không còn đủ năng lực thì những dự án đó chắc chắn cần phải có cơ chế xử lý bán lại, chuyển nhượng cho nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục triển khai dự án, tránh trường hợp kéo dài gây lãng phí đất đai cũng như là các nguồn lực.

Thứ ba, đối với các nhà đầu tư của các dự án mà năng lực triển khai của họ chỉ có thể triển khai 1 – 2 dự án, nhưng quá trình vừa qua, họ thực hiện tới 5 - 6 dự án,tức là quá nhiều, vượt ngoài khả năng của nhà đầu tư thì cũng áp dụng cơ chế tương tự như trường hợp thứ 2.

Thứ tư, đối với các nhà đầu tư “đánh trống ghi tên” mặc dù bản thân họ cũng không phải không có năng lực nhưng do họ không có nhu cầu. Trong khi đó, yêu cầu cấp bách để thực hiện nhanh tiến độ đối với dự án đó thì cơ quan chức năng buộc cần phải đôn đốc thực hiện dự án, gia hạn nhất định. Nếu quá thời hạn đó thì cũng sẽ xử lý bằng các biện pháp hoặc thu hồi hoặc bán lại cho chủ đầu tư khác.

- Xin cảm ơn TS. Vũ Đình Ánh!

Thiết kế: Đức Anh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top